Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Men gan báo bệnh

Khi đi xét nghiệm máu, phát hiện bị tăng men gan, đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy "sức khỏe" của lá gan có vấn đề.

“Nhìn” men gan định bệnh
Có bốn loại men gan, bác sĩ nhìn vào chỉ số tăng của từng loại mà biết được tình hình sức khỏe của lá gan.
- Hai loại men có trong tế bào gan là ALT (alanin aminotransferase), còn gọi là SGPT và AST (aspartate aminotransferase) hay SGOT.
Ở người bình thường, hai loại men gan này có hàm lượng trong máu khoảng dưới 40U/l huyết thanh. Khi xét nghiệm máu phát hiện hai loại men này tăng cao là điều báo hiệu tế bào gan đang bị tổn thương hoặc bị phá hủy.
Theo các nhà khoa học, khi men gan tăng từ một-hai lần là ở mức độ nhẹ, tăng từ trên hai-năm lần là mức độ trung bình và tăng trên năm lần là ở mức độ nặng. Cần loại trừ trường hợp gan bị xơ hoặc bị hủy gần hết thì còn rất ít men tiết vào máu. Trường hợp này, khi xét nghiệm máu lại thấy men gan bình thường.
Khi bị các bệnh viêm gan mạn, xơ gan, viêm gan tự miễn… men gan có thể tăng nhưng không đáng kể. Trong khi đó, những người bị viêm gan do vi rút: A, B,C… thì men gan tăng rất cao.
- Hai loại men báo động về chức năng “phân phối” của gan, mật… gồm: alkalin phosphatase (AP) có trong màng tế bào gan và gamma glutamyl transpeptidase (GGT) có trong thành của tế bào ống mật. GGT tăng khi có các loại sỏi, polyp, bướu… Men AP tăng trong các bệnh về xương, nhau thai và ruột, trong khi đó men GGT không tăng.
Men gan còn tăng do dùng thuốc. BS Cao Xuân Minh - Phòng khám đa khoa Ngọc Minh (TP.HCM) cho biết: “Thuốc chống vi khuẩn lao (INH, rifamixin…), thuốc paracetamol, tydol, efferalgan… cũng có thể làm gia tăng men gan”.
Các thuốc thảo dược được cho là không có tác dụng phụ cũng làm tăng men gan. Đã có trường hợp đi hốt thuốc chữa gan, bệnh đã không hết mà men gan còn tăng vọt. Các loại Đông dược chữa đau nhức, mất ngủ, suyễn, giảm cân... cũng làm men gan tăng.
Bảo vệ gan
Gan đóng vai trò quan trọng trong dự trữ và chuyển hóa các chất trong cơ thể. Chẳng hạn như quá trình tiêu thụ chất đường có trong cơm, mì, bánh… Sau khi tiêu hóa, đường sẽ được gan tiếp nhận glucose và dự trữ ở gan dưới dạng glycogen.
Gan sẽ chuyển glycogen thành glucose khi đường trong máu giảm. Khi gan bị hư hại, bệnh nhân dễ bị hạ đường huyết và có thể dẫn đến tử vong. Không chỉ đường, gan còn chuyển hóa đạm, chất béo... Vai trò của gan trong cơ thể quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh tồn. Để bảo vệ gan, bác sĩ Bùi Hữu Hoàng, Đại học Y Dược TP.HCM hướng dẫn:
- Cần phòng bệnh viêm gan A, B, C bằng cách không dùng chung các vật dụng có thể dính máu như: kim tiêm, đồ cạo gió, kềm cắt, xỏ lỗ tai..., quan hệ tình dục an toàn.
- Chích ngừa viêm gan cho bé sau khi sinh 24 giờ.
- Không tự ý dùng thuốc cả Đông lẫn Tây y.
- Không lạm dụng rượu, bia, thuốc, tránh dùng thực phẩm có nấm mốc (thường có trong ngũ cốc, đậu phộng...)...

Theo Vũ Âu - Phụ Nữ Online

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons