Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Dấu hiệu nhận biết chức năng gan suy giảm

Nếu cơ thể đột nhiên thay đổi màu da, mắt và móng tay; hơi thở có mùi; mắt thâm quầng và mỏi dù không thức khuya; thường xuyên trướng bụng... thì bạn nên sớm đi kiểm tra chức năng gan.

Gan được ví như "nhà máy thải độc" của cơ thể, giúp thanh lọc độc tố; chuyển hóa thức ăn và dự trữ nhiên liệu dưới nhiều dạng khác nhau; tổng hợp một số chất đạm, bài xuất mật, chất acid mỡ… 
Khi gan suy giảm chức năng, có thể dẫn tới xơ gan, ung thư gan và ảnh hưởng lớn đến các cơ quan khác. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng nổi mụn, da sần sùi, nám… ở chị em phụ nữ.
Ngoại trừ lý do mắc bệnh gan mãn tính, nhiễm virus gây viêm gan, thì chế độ ăn uống chứa quá nhiều chất độc hại là nguyên nhân chính khiến gan phải làm việc quá sức. Đặc biệt, thói quen thường xuyên "đọ tửu" của nam giới ngày lễ Tết có thể làm tổn thương gan nghiêm trọng.
polyad
Nên ăn các thực phẩm bổ dưỡng có lợi cho gan, tránh rượu bia, thuốc lá. Ảnh minh họa: Shutterstock.
Các bệnh về gan thường không biểu hiện ra bên ngoài bằng những triệu chứng cụ thể. Khi gan không khỏe, bạn nên sớm đi thăm khám bác sĩ nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu sau.
Thay đổi màu da, mắt và móng tay: Nhận biết gan tổn thương bằng các tế bào da là đáng tin cậy hơn cả. Khi gan hoạt động kém, da sẽ biến sắc thành màu vàng nám, các đốm trắng bắt đầu xuất hiện; mắt và móng tay chuyển sang màu vàng thay vì màu trắng như bình thường.
Hơi thở có mùi: Khi gan không làm tốt chức năng giải độc cho cơ thể, sẽ dẫn đến rối loạn hệ tiêu hóa và khiến hơi thở có mùi.
Quầng thâm quanh mắt và mỏi mắt: Nếu mắt thâm quầng và mỏi khi bạn không thức quá khuya hoặc làm việc quá nhiều trên máy tính, thì đây là dấu hiệu của lá gan không khỏe.
Trướng bụng: Nếu tiếp nhận cùng lúc nhiều chất độc và không thể xử lý hết, gan sẽ bị tổn thương và nhiễm độc. Biểu hiện ra bên ngoài là gan to lên, dạ dày sẽ trương phình nếu không được xử lý kịp thời.
Khi có các dấu hiệu trên, chị em nên quan tâm đến việc giải độc gan cho cả gia đình. Trước hết, cần thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo sự cân bằng vitamin, protein và các khoáng chất thiết yếu. Hạn chế ăn các loại thức ăn chế biến sẵn, bia, rượu, cà phê, đồ ăn cay, chua, thuốc lá. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư gan và làm tăng thêm độc tính có hại cho gan.
Ngoài ra, bạn cũng nên tập ngủ sớm và đúng giờ, giúp máu trong cơ thể có đủ thời gian trở về gan và giải độc cho gan. Uống nhiều nước cũng làm tăng tác dụng giải độc cho gan. 
Theo An San - VnExpress

Các thuốc gây nhiễm mỡ gan

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gặp khá phổ biến hiện nay. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây nên.

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gặp khá phổ biến hiện nay. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó những người béo phì và dùng nhiều rượu bia có nguy cơ cao bị gan nhiễm mỡ. Còn có nguyên nhân mà nhiều người không ngờ tới đó là gan nhiễm mỡ do sử dụng thuốc. Vậy thuốc nào có nguy cơ gây ra bệnh lý này?
Nhóm glucocorticoid (prednisolon, dexamethason..)
Khi dùng liều cao các thuốc trong nhóm glucocorticoids có thể gây ra gan nhiễm mỡ. Tác động này phần lớn xuất hiện ở trẻ em. Nguyên nhân chính gây ra gan nhiễm mỡ là do tăng giải phóng acid béo từ các mô mỡ. Tình trạng gan nhiễm mỡ có thể giảm dần và hết hẳn khi ngưng sử dụng glucocorticoid.
Các thuốc gây nhiễm mỡ ganHình ảnh gan nhiễm mỡ
Amiodaron
Là một thuốc chữa loạn nhịp tim. Việc sử dụng hoạt chất này thường liên quan đến sự tăng nồng độ aminotransferase trong huyết thanh. Dùng thuốc kéo dài có thể gây ra gan nhiễm mỡ dạng bọng lớn và những biến đổi bệnh lý tương tự trong viêm gan do rượu. Khi có dấu hiệu tổn thương gan, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để dừng hoặc đổi thuốc.
Tetracyclin
Tetracyclin dùng qua dạng uống có thể gây ra thâm nhiễm mỡ dạng bọng nhỏ, thường không để lại hậu quả về lâm sàng. Sự xuất hiện và mức độ của thoái hóa mỡ có mối liên hệ chặt chẽ với liều dùng.
Valproic acid
Là một thuốc chống co giật, acid valproic có thể gây bất thường ở gan sau dùng thuốc 2 - 4 tháng.
Ngoài ra, còn một số thuốc khác có thể gây nhiễm mỡ ở gan như: methotrexat (thuốc ức chế miễn dịch dùng trong điều trị ung thư), estrogen (thường dùng trong ngừa thai), perhexilin (thuốc trị cơn đau thắt ngực) và tất cả các thuốc gây độc cho tế bào gan như: thuốc kháng virut, thuốc chống lao, thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc kháng giáp tổng hợp...
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gặp khá phổ biến hiện nay. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây nênMọi loại thuốc vào cơ thể đều được chuyển hóa ở gan. Vì vậy mọi người không nên tự ý mua thuốc chữa bệnh mà không có đơn của bác sĩ để tránh tác dụng có hại của thuốc đến chức năng gan, gây nên các bệnh lý nguy hiểm đến sức khỏe.
Khi bệnh nhân buộc phải dùng một trong các loại thuốc nêu ở trên, cần phải tuân thủ theo điều trị của bác sĩ và phải được theo dõi chức năng gan định kỳ.
Ngoài gan nhiễm mỡ, việc uống thuốc không theo chỉ định của bác sĩ có thể dẫn đến xơ gan, thậm chí là ung thư gan nếu người bệnh uống phải loại thuốc có hại cho gan trong một thời gian dài. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng một loại thuốc nào đó.
Theo DS Hà Lê - Sức khỏe và Đời sống

Cách giải nhiệt cho lá gan hiệu quả

Lá gan khi phải làm việc quá tải sẽ dẫn đến nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan và thậm chí là ung thư.

Đừng ỷ lại vào thuốc giải độc gan
Liệu các sản phẩm giải độc gan có thể ngăn ngừa gan khỏi những tổn thương do bia, rượu? Câu trả lời là: Có. Tuy nhiên, chỉ khi chúng ta sử dụng sản phẩm chất lượng kết hợp với một lối sống có chừng mực thì sản phẩm mới phát huy hết tác dụng của nó.
Cách giải nhiệt cho lá gan hiệu quả.Cách giải nhiệt cho lá gan hiệu quả
Theo BS Lê Mạnh Hùng (Phó giám đốc BV Bệnh Nhiệt Đới) một trong những yếu tố dẫn đến bệnh gan là do tâm lý ỷ lại vào các giải pháp giã rượu, thanh lọc gan mà liên tục sử dụng các chất có cồn trong thời gian dài.
Những cách giải độc gan đơn giản, hiệu quả 
Nước lọc
Bạn nên uống khoảng 7-8 cốc nước mỗi ngày để cung cấp lượng nước cần thiết cho cơ thể, đồng thời có tác dụng thanh lọc, giải độc gan. Uống đủ nước sẽ giúp làn da bớt mụn nhọt, thô ráp, giải nhiệt cơ thể, giảm dần tình trạng nóng trong người. Tuy vậy, bạn không nên uống nhiều quá sẽ dẫn tới thừa nước, ảnh hưởng đến thận, tim và các cơ quan nội tiết.
Nước chanh
Mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy bạn uống một cốc nước ấm pha nước cốt chanh là cách giải độc cho gan rất tốt, nhất là sau những hôm bạn quá chén. Nước chanh chứa axit có tác dụng kích thích gan tiết ra mật để cơ thể bài tiết các độc tố, từ đó giải độc gan và làm sạch gan. Với những người bệnh dạ dày thì không nên uống nước chanh vào lúc đói sẽ dễ bị cảm giác buồn nôn, cồn cào.
Nước mướp đắng
Mướp đắng có nhiều nước giúp giải nhiệt, tạo điều kiện cho cơ thể tăng bài tiết chất độc và làm mát cơ thể. Thêm vào đó, mướp đắng còn giúp giảm men gan, bổ gan và rất an toàn cho gan của bạn. Bạn có thể nấu nước mướp đắng uống hàng ngày để hạ nhiệt cơ thể, thích hợp cho những người bị chứng nóng gan.
Theo Phương Vũ - Gia đình Việt Nam

SOS: Viêm gan C sẽ gây tử vong nhiều hơn HIV

Nguy cơ lây lan và biến chứng thành ung thư, xơ gan của bệnh viêm gan C là rất lớn, trong đó sự chủ quan của chúng ta đang biên căn bệnh này thành mối lo ngại lớn.

viem-gan-c
Lây bệnh vì nằm viện
Anh Lê Hữu Phúc, 38 tuổi, ở Thường Tín, Hà Nội vô cùng hoảng sợ và lo lắng khi bác sĩ kết luận bị viêm gan C. Anh cho biết, anh không truyền máu, không tiêm chích, không quan hệ ngoài luồng, cũng không xăm trổ nên rất hoang mang khi biết mình bị viêm gan C. 
Mới đây, anh bị viêm phổi và điều trị tại bệnh viện. Sau đó hai tháng, tự nhiên anh thấy người mệt mỏi, thường xuyên sốt... Anh đi khám lại thì phát hiện viêm gan C.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Minh, 42 tuổi ở Hải Phòng, khi chẩn đoán được bệnh viêm gan C thì chị đã chuyển sang giai đoạn viêm gan nặng, ít còn khả năng đáp ứng được thuốc điều trị. Điều này đồng nghĩa với việc chị sẽ bị xơ gan và ung thư gan. Gia đình chị chưa từng có ai bị bệnh này, nên chị cũng rất hoang mang vì không biết mình bị lây bệnh từ đâu.
ThS Nguyễn Hồng Hà, cảnh báo, viêm gan C là một bệnh lây truyền từ người mang HCV sang cho người lành theo 3 con đường chủ yếu: đường máu, đường tình dục và mẹ truyền cho con khi sinh và có khoảng 30 - 40% kể không rõ đường lây nhiễm. Chính vì thế mà nhiều người như anh Phúc, chị Minh hoang mang không tin nổi mình nhiễm bệnh.
Còn TS Fabio Masquaita, Cố vấn cấp cao tại Văn phòng Quốc gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cảnh báo, bệnh viêm gan C (HCV) là một bệnh thầm lặng giống như một bom nổ chậm, bệnh không chỉ tập trung chủ yếu ở người tiêm chích ma túy mà các đối tượng hiến máu và bệnh nhân nằm trong bệnh viện, nhân viên y tế cũng dễ bị mắc bệnh... Tại VN, tỷ lệ nhân viên y tế mang virus HCV là 6,6%.
Bệnh nhân nhập viện tăng 10 - 20 lần
ThS Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc BV Nhiệt đới TƯ cảnh báo, virus viêm gan C (HCV) mới được phát hiện vào năm 1989 nên cả bác sĩ và người dân đều chưa chú ý, người dân mới chú ý đến tiêm phòng và khám tầm soát viêm gan B mà không ngờ tới viêm gan C.
Trong khi đó theo BS Hà, trên thế giới có khoảng 3% dân số có virus viêm gan C, tại Việt Nam số người mang virus viêm gan C chiếm 4 - 6%. Số bệnh nhân nhập viện Nhiệt đới TƯ vì viêm gan C đang tăng mạnh: Nếu như trước kia mỗi tháng khoa chỉ có 5 - 7 bệnh nhân, thì nay trung bình mỗi ngày cũng có 3 - 4 người, tăng 10 - 20 lần so với trước.
Điều đáng nói là đa phần bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn muộn, có biến chứng xơ gan và ung thư gan, một số người còn khả năng điều trị nhưng rất ít người có đủ điều kiện kinh tế để điều trị vì thuốc rất đắt và biến chứng rất nhiều.
6 tháng đã thành xơ gan và ung thư
Cũng theo bác sỹ Hà, người mang virus viêm gan C thường có những biểu hiện âm thầm, ngay cả khi bệnh đã nặng. Người bệnh chỉ thấy mệt mỏi, nhức đầu, đau bụng, chán ăn, đau tức vùng hạ sườn phải, kèm theo có hiện tượng vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu. 
Tuy nhiên, triệu chứng đau và vàng da, vàng mắt đôi khi không rõ ràng. Những người mang bệnh và có khả năng tự khỏi chỉ chiếm khoảng 15% còn lại 85% sẽ trở thành viêm gan C mạn tính hoặc trở thành người lành mang virus HCV. 85% này không chỉ là nguồn lây mà chính họ còn có thể bị biến chứng xơ gan (10 - 26,7%) và ung thư gan (14,4%). Những biến chứng của viêm gan C có thể tiến triển nhanh trong vòng 6 tháng sau khi nhiễm.
Quá tốn kém khi điều trị
Hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng ngừa viêm gan C và các loại thuốc điều trị hiện nay cũng không giúp 100% bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn. Có những bệnh nhân bị biến chứng xơ gan, mỗi năm phải nằm viện 6 tháng để điều trị triệu chứng. Riêng tiền dành cho các loại xét nghiệm có thể lên tới 5 triệu đồng/tháng, tiền thuốc có thể lên tới vài trăm triệu mỗi năm.
Trước đây, bệnh nhân chỉ được điều trị đơn độc với thuốc interferon nên hiệu quả khỏi bệnh chỉ khoảng 30%. Hiện nay, bệnh nhân được dùng sự kết hợp interferon và ribavirin, khả năng khỏi bệnh tăng lên tới 80%. Nhưng quá trình điều trị rất dài kỳ, mỗi tuần tiêm 1 lần, liên tục kéo dài 6 tháng đến 1 năm. 
Đặc biệt, thuốc đã rất đắt nhưng vẫn để lại nhiều tác dụng phụ nguy hiểm mệt mỏi, sốt kéo dài; suy giảm tế bào máu, suy thận, suy giáp, loạn thần, tiểu đường... 
Do đó khi điều trị viêm gan C, bệnh nhân thường phải dùng nhiều sản phẩm bổ trợ khác, hoặc phải điều trị kèm bệnh khác nên tổng chi phí rất tốn kém. Việc điều trị HCV lại đòi hỏi bệnh nhân phải quyết tâm trong từng tuần, từng tháng, nếu không tuân bệnh có thể tiến triển nặng hơn, bỏ điều trị có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Vì mức chi phí và sự khó khăn trong điều trị nên BS Cao Thị Thủy, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến cộng đồng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị đã tham gia quản lý 400 bệnh nhân viêm gan C thì chỉ có 40 người theo được điều trị.
Cần xét nghiệm HCV sớm
Trước mối lo ngại về viêm gan C đang lan rộng trên thế giới, bác sỹ Hồng Hà khuyên người dân cần tầm soát HCV giống như viêm gan B trong các đợt khám sức khỏe định kỳ để phát hiện điều trị và ngăn ngừa tái phát kịp thời.
Để đề phòng HCV, tuyệt đối không dùng chung bơm kim tiêm, dao cạo râu, xăm da, xỏ lỗ tai... Nên dùng bao cao su khi quan hệ tình dục..
Theo Sức khỏe gia đình

Những hiểu lầm về bệnh viêm gan B

BS.TS Vũ Trường Khanh, Phó trưởng khoa Tiêu Hóa BV Bạch Mai cho biết, viêm gan virus B là bệnh do virus viêm gan B gây ra. Virus này có  8 loại khác nhau từ A, B, C, D, E, F, G, H.

Ở người lớn bị viêm gan virus B cấp tính có khả năng khỏi bệnh cao hơn rất nhiều so với trẻ em. Ở người lớn bị viêm gan virus B cấp tính 90% số trường hợp sẽ khỏi hoàn toàn còn lại chỉ 10% trở thành viêm gan virus B mạn tính.
Nếu trẻ em nhiễm virus viêm gan B do lây truyền từ mẹ thì 98% những trẻ em này sẽ mang virus suốt đời và 40% trong số này có nguy cơ sẽ chết vì bệnh xơ gan và ung thư gan. Nếu trẻ em bị nhiễm virus viêm gan B sau khi sinh trong độ tuổi từ 1-6 thì 70% số trẻ này sẽ khỏi hoàn toàn.
Ảnh minh họa

Viêm gan virus B lây nhiễm như thế nào?

- Lây truyền qua đường máu: hay gặp do truyền máu và chế phấm của máu có nhiễm virus viêm gan B, dùng kim tiêm chung mà chưa được khử trùng theo đúng tiêu chuẩn.
- Lây truyền qua quan hệ tình dục
- Truyền từ mẹ sang con: Virus được truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh đẻ, trong thời kỳ mang thai và thời gian mẹ con gần gũi nhau. nếu trong cơ thể mẹ có virus viêm gan B thì khả năng lây truyền từ mẹ sang con ngay sau khi lọt lòng là 50-90% tùy theo nồng độ virus trong huyết thanh của mẹ cao hay thấp và người mẹ có HBeAg dương tính hay âm tính. Đây là con đường lây truyền nguy hiểm cần phải phòng tránh.

Diễn biến của nhiễm viêm gan virus B

BS.TS Vũ Trường Khanh cho biết,sau khi nhiễm virus viêm gan B phần lớn người bệnh không có biểu hiện của bệnh chỉ có một số ít người có biểu hiện viêm gan virus B cấp tính đó là: mệt mỏi, chán ăn, sợ mùi thức ăn đặc biệt là thức ăn có nhiều chất béo và nhiều chất đạm đạm (trứng, thịt, cá), đau mỏi toàn thân, đi tiểu nước tiểu sẫm màu như nước trà đặc hoặc nước vối tiếp sau đó da và củng mạc mắt vàng tăng dần. Sau 1-2 tháng diễn biến bệnh nhân dần hồi phục. Tuy nhiên trong giai đoạn viêm gan cấp có một tỉ lệ rất ít bệnh nhân có thể viêm gan nặng và suy gan dẫn tới tử vong.

Khoảng 10% số người lớn sau khi bị viêm gan virus B cấp tính sau 6 tháng vẫn chưa sạch virus mà chuyển sang giai đoạn mạn tính. Trong trường hợp điển hình viêm gan virus B mạn tính bệnh nhân có từng đợt mệt mỏi, nước tiểu sẫm màu, đau vùng gan, có thể có vàng da, khi đi khám bệnh thường được phát hiện có gan to chắc.
Thật không may mắn cho người bệnh, ở giai đoạn mạn tính hầu như không có biểu hiện các triệu chứng mặc dù bệnh vẫn tiến triển âm thầm dẫn tới xơ gan và ung thư gan.

Phòng ngừa bệnh và biến chứng

- Đối với người chưa có miễn dịch với virus viêm gan B cần tiêm phòng.

- Đối với trẻ em sinh ra từ mẹ mà xét nghiệm có HBsAg dương tính cần được dùng globulin miễn dịch và tiêm phòng vaccine trong vòng 24 giờ ngay sau khi sinh sẽ giúp giảm 95% khả năng lây truyền từ mẹ sang con.

- Đối với những người viêm gan virus B mạn tính mà chưa có chỉ định điều trị cần theo dõi thường xuyên cứ 3-6 tháng một lần bằng xét nghiệm ALT trong máu, αFP và siêu âm gan.

- Không dùng dao cạo râu và bàn chải đánh răng chung với người có nhiễm virus viêm gan B.

- Trước khi kết hôn cần thử HBsAg nếu vợ hoặc chồng có nhiễm virus viêm gan B mà người kia chưa có miễn dịch cần tiêm phòng trước khi kết hôn.

Bệnh viêm gan B là bệnh di truyền vì thế thường thấy nhiều người trong gia đình cùng bị bệnh: Theo khoa học, đây là bệnh truyền nhiễm không phải bệnh di truyền, tuy nhiên nếu mẹ bị nhiễm bệnh sẽ có nguy cơ cao lây truyền sang con trong quá trình sinh đẻ, nhưng có thể hạn chế tới 95% nguy cơ này nếu dự phòng đúng cách.

Ăn uống chung hoặc tiếp xúc với người bị viêm gan B sẽ bị lây: viêm gan B không lây theo đường ăn uống giống viêm gan virus A, E nên khi ăn chung không bị lây truyền. Vì bệnh chỉ lây theo đường máu nên trong gia đình không được dùng dao cạo râu và bàn chải đánh răng chung với người có nhiễm virus viêm gan B.

Các loại thảo dược như: thuốc bắc, thuốc nam có thể điều trị khỏi hoàn toàn viêm gan virus B: Cho tới nay chưa có công trình khoa học đáng tin cậy nào cho thấy thuốc nam hoặc thuốc bắc có thể chữa khỏi hoàn toàn viêm gan virus B. Viêm gan virus B cấp tính không cần điều trị gì đặc hiệu sau 3-6 tháng 90% số người mắc bệnh sẽ khỏi hoàn toàn. 
Ở những người viêm gan virus B mạn tính khi dùng thuốc nam hoặc thuốc bắc có thể cải thiện tình trạng chung như: ăn ngon, ngủ tốt hơn nhưng ngày nay khi các phương tiện xét nghiệm hiện đại cho phép đo được nồng độ virus viêm gan B trong máu cho thấy thực chất virus vẫn nhân lên trong cơ thể và gây tổn thương gan.

Ở người lớn viêm gan virus B cấp tính thì 90% số trường hợp sẽ khỏi hoàn toàn còn lại chỉ 10% trở thành viêm gan virus B mạn tính, mà chỉ có viêm gan virus mạn tính không được theo dõi và điều trị mới gây ra xơ gan và ung thư gan.

Người bị viêm gan virus mạn tính phải có biểu hiện: đau vùng gan, không ăn được, sụt cân ,vàng da: Hầu hết bệnh nhân bị viêm gan virus B mạn tính không có biểu hiện ra ngoài mặc dù bệnh vẫn tiến triển âm thầm dẫn tới xơ gan và ung thư gan.

Tiêm phòng virus viêm gan B là không bị viêm gan virus B: Tiêm vaccine phòng bệnh chỉ có tác dụng khi người đó chưa có nhiễm virus viêm gan B và sau tiêm phải tạo ra được nồng độ kháng thể Anti-HBs > 10 IU/l mới có tác dụng phòng mắc bệnh vì vậy trước khi tiêm phòng cần xét nghiệm HBsAg và Anti-HBs. 
Nếu một người xét nghiệm cho kết quả âm tính với HBsAg, chưa tiêm phòng trước đó, mà đồng thời có âm tính với Anti-HBs hoặc nồng độ Anti-HBs thấp < 10 IU/l thì cần phải đi tiêm phòng vì cơ thể chưa bị nhiễm virus viêm gan B và cũng chưa có khả năng miễn dịch với bệnh.

Tuy nhiên, gần đây nhiều nhà khoa học cho rằng chỉ cần tiêm đủ liều vaccine đều có tác dụng phòng ngừa nhiễm virus viêm gan B ngay cả khi không tạo được nồng độ kháng thể cần thiết (Anti-HBs), thậm chí kể cả trường hợp không tạo được kháng thể. Nếu có HBsAg dương tính việc tiêm phòng không có tác dụng dự phòng.

Khi xét nghiệm mà có HBsAg dương tính phải kiêng ăn các thức ăn có nhiều đạm và chất béo như thịt cá, trứng, sữa…: Đối với những người không bị béo không phải kiêng thức ăn gì đặc biêt họ có thể ăn uống bình thường và không dùng đồ uống có cồn như: bia, rượu.
Theo Phạm Minh - VnMedia

Hiểm họa đến từ gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ được xác định khi lượng mỡ tích lũy vượt quá 5% trọng lượng gan và trong tế bào gan chứa nhiều không bào mỡ.

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh xảy ra với 10-25% dân số thế giới và có xu hướng ngày càng gia tăng, cùng tỉ lệ biến chứng thành xơ gan và ung thư gan ngày càng cao. Nguyên nhân chủ yếu là do sự chủ quan trong việc điều trị bệnh gan nhiễm mỡ.
Gan nhiễm mỡ được xác định khi lượng mỡ tích lũy vượt quá 5% trọng lượng gan và trong tế bào gan chứa nhiều không bào mỡ. Đây là bệnh lý khó nhận biết do ít có biểu hiện sớm, chỉ khi những biến chứng trở nên trầm trọng thì người bệnh mới tá hỏa đi khám và phát hiện bệnh. 

Nghiêm trọng hơn, nếu không được chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa kịp thờiGan nhiễm mỡ sẽ dẫn tới một chuỗi bệnh lý về gan như viêm gan, xơ gan, thậm chí là ung thư gan.

Hiem hoa den tu gan nhiem mo
Ung thư gan.

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh dễ mắc?
Trong thực tế, rất ít người ý thức được việc cần duy trì một chế độ ăn uống sinh hoạt, tập luyện hợp lý, hạn chế rượu bia. Do đó nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ là việc nghiện rượu bia, thói quen hấp thụ một lượng lớn chất béo trong các bữa ăn, dẫn đến béo phì, tiểu đường, mỡ máu cao... 

Hoặc người bệnh sử dụng thuốc tân dược gây tác dụng phụ tới gan trong một thời gian dài như corticoid, thuốc ngừa thai, amiodarone, tamoxifen... làm rối loạn chuyển hóa mỡ trong gan. Những người gầy, suy dinh dưỡng hoặc giảm cân quá nhanh cũng có nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ.
Gặp "hung thần" ung thư do chủ quan trong điều trị
Gan nhiễm mỡ phần lớn là lành tính, nhưng hầu hết người bệnh không có thói quen khám bệnh định kì, chủ quan trong việc điều trị nên bệnh tiến triển nặng hơn gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Đặc thù của bệnh gan nhiễm mỡ là phải xét theo nguyên nhân để xác định tình trạng nguy hiểm của bệnh.
GS.TS Hoàng Kim Huyền, nguyên trưởng Bộ môn Dược lâm sàng - ĐH Dược Hà Nội, nhận định: " Khi người bệnh đã mắc xơ gan, oxy hoá acid béo ở gan giảm, tế bào gan bị huỷ hoại, chức năng gan suy giảm rất dễ biến chứng thành ung thư gan. 

Ngoài ra, trong quá trình phát triển từ gan nhiễm mỡ đến xơ gan và thành ung thư gan, chất cồn chính là tác nhân chủ yếu. Bản thân gan nhiễm mỡ và ung thư gan có sự liên quan không nhiều, nhưng nếu uống rượu trong thời gian dài không những gây ra gan nhiễm mỡ, mà còn gây ra ung thư gan. 

Những bệnh nhân gan nhiễm mỡ do nghiện rượu, hoặc trong quá trình điều trị vẫn tiếp tục sử dụng rượu, và thờ ơ để bệnh diễn tiến thành xơ gan có nguy cơ biến chứng ung thư gan cao."

Theo PV - Kiến thức

Điểm danh 9 "sát thủ" hại gan

1. Ngủ không đủ. Cuộc sống hiện đại, nhiều người có thói quen tận dụng thời gian đêm khuya để làm việc hoặc vui chơi. Tuy nhiên, thức đêm dễ khiến gan bị tổn hại nhất. 
Nguyên nhân: thức đêm gây rối loạn thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ khiến con người ngủ không đủ, từ đó sức đề kháng giảm, ảnh hưởng tới quá trình cơ thể tái tạo sức khỏe (bao gồm tạng gan) vào ban đêm. 
Người bị viêm gan virus nếu thức đêm nhiều bệnh tình sẽ trầm trọng hơn. Một chuyên gia thuộc Hiệp hội Giấc ngủ Mỹ cho biết, nên ngủ trước 11h tối và bảo đảm ngủ 7-8 tiếng/ngày để gan bài tiết độc tố hiệu quả, bảo vệ sức khỏe cho toàn cơ thể.
2. Nhịn tiểu vào buổi sáng. TS Daniel Paradis thuộc Hiệp hội Nghiên cứu về gan châu Âu cho biết, độc tố trong cơ thể được thải ra qua nước tiểu, mồ hôi và đại tiện. Đi tiểu vào buổi sáng sau một đêm dài chìm trong giấc ngủ sẽ giúp cơ thể bài tiết chất độc tích tụ, tránh trường hợp độc tố còn lưu giữ trong cơ thể và khiến gan bị “trúng độc”.
3. Ham ăn. Tật xấu này không chỉ gây hại dạ dày mà còn gia tăng các gốc tự do trong cơ thể. Trong khi đó, tác dụng then chốt của gan là giúp cơ thể đối phó với các gốc tự do, bài trừ độc tố và thanh lọc máu. Khi lượng gốc tự do tăng lên quá nhiều, gan sẽ rơi vào tình trạng hoạt động quá tải.
Điểm danh 9 'sát thủ' hại gan
4. Bỏ bữa sáng. Một chuyên gia dinh dưỡng ở Ontario, Canada đã chỉ ra, bữa sáng có tác dụng trung hòa axit dạ dày, bảo vệ gan, giảm nguy cơ mắc viêm tuyến tụy, tiểu đường, sỏi mật, táo bón… Bữa sáng lành mạnh kéo dài cảm giác no bụng, tránh được tình trạng tạng gan bị tổn thương.
5. Uống quá nhiều thuốc. Theo chuyên gia Kenneth Simpson thuộc Bệnh viện hoàng gia Edinburgh Anh, nhiều loại thuốc và vật chất chuyển hóa của nó rất dễ gây hại cho gan. 
Những loại thuốc tiềm ẩn nguy cơ hại gan bao gồm: thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm hạ sốt, thuốc trị bệnh về thần kinh, thuốc chống co giật, thuốc kháng u bướu, thuốc hạ đường huyết… Do vậy, liều lượng và thời gian dùng thuốc nhất thiết phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
6. Tiếp nạp quá nhiều thực phẩm làm sẵn. Trong các thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều chất bảo quản, chất tạo màu, đường nhân tạo… Các thành phần này chứa không ít vật chất hóa học mà cơ thể khó phân giải. Nếu tiếp nạp nhiều loại thực phẩm này sẽ gây áp lực giải độc cho gan và khiến gan suy yếu.
7. Thích món rán. Một nghiên cứu được kênh truyền hình CBS của Mỹ đăng tải đã cho biết, một tháng ăn đồ mỡ rán có thể khiến sức khỏe của gan thay đổi rõ nét. Cụ thể, sự tích lũy của axit béo bão hòa và chất béo sẽ làm gan bị nhiễm mỡ. Dầu ăn không lành mạnh tăng nguy cơ mắc bệnh gan và bệnh tim, ngược lại dầu ăn từ quả ô liu và dầu vừng đem lại lợi ích sức khỏe.
8. Thường ăn thức ăn bị cháy hoặc chưa chín. Các thực phẩm cháy sém hoặc còn sống (đặc biệt là thịt) sẽ gây tổn hại gan. Trong những thực phẩm chưa chín thường chứa ký sinh trùng hoặc một số loại vi khuẩn dễ gây viêm dạ dày và đường ruột cấp tính, nặng hơn sẽ làm hại gan và trầm trọng là dẫn tới tình trạng hôn mê gan.
9. Nghiện rượu. Uống nhiều rượu làm giảm khả năng lọc máu của tạng gan, khiến cơ thể tích tụ độc tố, từ đó gây tổn thương ngược cho gan và gây nhiều bệnh khác. Uống rượu thời gian dài dễ dẫn tới xơ gan. 
Theo Khánh Chi 

Hiểu đúng và đủ về bệnh xơ gan

Xơ gan, gọi chính xác hơn là chai gan và không thực hiện được những chức năng bình thường của gan (suy gan).

Xơ gan là hậu quả của việc lá gan bị các tác nhân gây hại tấn công trong thời gian dài, dẫn đến tế bào gan bị hư hại.
Đi khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh là điều rất cần thiết để phòng ngừa bệnh tật. Ảnh minh họa: internet
Xơ gan, gọi chính xác hơn là chai gan, là giai đoạn sau của viêm gan mạn. Xơ gan là hậu quả của việc lá gan bị các tác nhân gây hại cho gan tấn công trong thời gian dài, dẫn đến tế bào gan bị hư hại, chết dần và tạo ra các mô sẹo, không phục hồi được. gan bị chai cứng dần và không thực hiện được những chức năng bình thường của gan (suy gan).
Nguyên nhân
- Viêm gan siêu vi B mạn, viêm gan siêu vi C mạn không được phát hiện và theo dõi điều trị thích hợp.
- Lạm dụng rượu bia.
- Gan nhiễm mỡ.
- Dùng các thuốc gây độc cho gan kéo dài như kháng sinh, thuốc giảm đau…
- Các nguyên nhân ít gặp hơn: viêm gan tự miễn, thường gặp ở nữ, do cơ thể tự tiết một loại kháng thể tấn công lá gan; ứ đọng chất sắt trong cơ thể; tắc nghẽn đường mật lâu dài.
Triệu chứng bệnh
Giai đoạn đầu khi gan bị tấn công âm thầm, bệnh nhân thường không có triệu chứng gì ngoài vài biểu hiện như ăn không ngon, đầy bụng khó tiêu, mệt mỏi, sụt cân, thậm chí có người giảm ham muốn sinh hoạt tình dục.
Giai đoạn sau, khi bắt đầu suy gan, bệnh nhân có thể có các triệu chứng như ngứa, da xấu đi, sậm màu, xuất hiện nhiều nốt dãn mạch màu đỏ trên da ngực, lưng, cổ, mặt, cánh tay (nốt sao mạch); lòng bàn tay đỏ rực lên (bàn tay son), tiểu sậm màu hơn, dễ bị chảy máu răng, máu mũi, da dễ bị bầm hơn khi va chạm, mắt và da bắt đầu vàng nếu quan sát kỹ.
Khi suy gan đã quá nặng, không còn khả năng bù trừ nữa, sẽ xuất hiện vàng da, vàng mắt, chân sưng phù, bụng to dần và tích nước trong ổ bụng (tràn dịch màng bụng).
Biến chứng thường gặp
Dãn to các tĩnh mạch ở thực quản: có thể vỡ gây xuất huyết tiêu hóa với biểu hiện ói máu hoặc tiêu phân đen mà không hề có dấu hiệu gì trước. Do đó, bệnh nhân xơ gan cần được nội soi dạ dày dù không hề bị đau dạ dày để kiểm tra có các búi dãn này hay không nhằm điều trị phòng ngừa.
Bệnh não do suy gan: do gan suy không hóa giải được các độc chất trong cơ thể, gây tình trạng không tỉnh táo, ngủ gà ngủ gật, lơ mơ mất ý thức, tay chân run rẩy. Vì vậy, bệnh nhân xơ gan không nên tự ý uống các loại thuốc ngủ cũng như không ăn quá nhiều thịt (chất đạm động vật) để tránh ứ đọng chất độc trong cơ thể, tránh biến chứng này.
Xơ gan lâu ngày có thể xuất hiện các khối u trên nền gan xơ gọi là xơ gan có biến chứng ung thư hóa.
Nhiễm trùng dịch tích tụ trong ổ bụng gây căng chướng bụng, đau bụng nhiều hoặc sốt.
Điều trị
Việc điều trị chỉ đạt hiệu quả cao khi ở giai đoạn sớm, tức là ở giai đoạn viêm gan mạn và bắt đầu chuyển qua xơ gan, còn khi đã xơ gan mất bù thì việc điều trị đạt kết quả rất hạn chế, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Do đó, phát hiện bệnh sớm rất quan trọng, vì ở giai đoạn này, việc can thiệp điều trị nguyên nhân sẽ giúp chặn đứng và lui bệnh.
Điều trị nguyên nhân: bỏ rượu bia, ngưng các thuốc gây độc cho gan, điều trị viêm gan siêu vi B, C…
Nên đi khám sức khỏe định kỳ để được tầm soát có bị nhiễm các loại siêu vi viêm gan B, C hay không nhằm có hướng theo dõi điều trị thích hợp.
Đối với những người có nguy cơ cao bị xơ gan như người béo phì, tiểu đường, gan nhiễm mỡ; người thường uống rượu bia, phải dùng nhiều loại thuốc để trị nhiều loại bệnh khác, có người thân bị mắc bệnh gan; chưa chủng ngừa viêm gan; có tiền sử bị nhiễm viêm gan siêu vi B, C, nên đi khám ở bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa - gan mật để được tư vấn và làm các xét nghiệm tầm soát, khảo sát chức năng gan, siêu âm gan, đo độ cứng gan, phát hiện bệnh gan từ khi chưa cótriệu chứng.
Bệnh nhân xơ gan nên làm gì?
Không nên quá lo lắng và căng thẳng vì việc tuân thủ điều trị tốt sẽ giúp bệnh ngừng tiến triển và hạn chế biến chứng. Không nên dùng các thuốc gây hại cho gan (thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau paracetamol). Đặc biệt, phải tuyệt đối tránh xa các loại bia rượu.
Nên tuân thủ đúng thuốc mà bác sĩ kê toa điều trị. Có thể dùng các thảo dược có tính chất bảo vệ gan như cây nhân trần, cây ac-ti-sô.
Người bị bệnh gan có thể uống nước atiso để hỗ trợ việc điều trị bệnh hiệu quả hơn
Chế độ dinh dưỡngcho bệnh nhân xơ gan
Chia năm-sáu bữa/ngày, nên có bữa phụ lúc 9-10 giờ tối để tránh hạ đường huyết ban đêm.
Ăn nhạt, tránh các loại thức ăn có nhiều muối để tránh bị tách muối, nước trong cơ thể gây phù và bụng to.
Không cần hạn chế nước, trừ khi bụng quá to thì uống dưới 1 lít/ngày.
Hạn chế ăn đạm có hại (đạm từ thịt động vật), tăng cường ăn đạm có lợi (tên khoa học là BCAA) có nhiều trong đạm thực vật như đậu nành, đậu Hà Lan, đậu đen, đậu đỏ.
Không nên quá hạn chế chất béo, không nên kiêng trứng (trừ khi có ứ mật vàng da nhiều, khó tiêu). Ăn ngọt vừa phải. Ăn đủ vi dưỡng chất dinh dưỡng.
BS.CKII Trần Ngọc Lưu Phương - BV Nguyễn Tri Phương
Phụ nữ TPHCM

Điều cần làm khi gan nhiễm mỡ

Dù lá gan của mình có núc ních vì mỡ thì bạn vẫn khó lòng mà nhận ra. Do đó, bạn cần tiêu diệt tai họa bằng cách.

Điều nên làm khi bị gan nhiễm mỡ
Ăn thịt nạc: Cách tốt nhất là chọn toàn thịt nạc, nếu ăn thịt gia cầm thì nên bỏ da. Còn thịt đỏ (bò, dê, trâu, cừu) chỉ nên tiêu thụ dưới 255g/tuần.
Ăn nhiều cá : 2-3 lần/ 1 tuần để thu nhận acid béo hệ omega-3, có tác dụng bảo vệ tim mạch. Cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá trích và cá thu có nhiều acid béo loại này.
Tăng lượng chất xơ: Ăn những thức ăn có nhiều chất xơ hòa tan như gạo lức, các hạt họ đậu, rau, táo, lê, ổi, mận, cam, bưởi… Các loại trái cây này hàm lượng đường thấp, giúp giảm cholesterol hấp thụ vào cơ thể, đồng thời giúp loại bỏ các muối mật ra ngoài.
Hạn chế mỡ động vật: Dùng dầu ô liu, dầu hướng dương, dầu đậu nành thay cho các loại mỡ động vật. Đây là những loại dầu có tác dụng làm hạ mức cholesterol.
Chế độ tập luyện: Người bị gan nhiễn mỡ phần lớn đều là người béo phì, vì vậy cần tập luyện ít nhất 3 lần/ tuần. Mỗi lần tối thiểu 60 phút để giảm trọng lượng cơ thể.
Điều nên tránh khi bị gan nhiễm mỡ
Tránh xa chất béo
Tránh ăn mỡ động vật (mỡ lợn, bơ, mỡ bò) các loại thịt xông khói, thịt nguội… Những thực phẩm này chứa nhiều chất béo no, những chất rất dễ làm tắc động mạch. Chế độ ăn chỉ được cung cấp dưới 30% calories từ chất béo.
Tuyệt đối tránh xa chất cồn và caffein
Rượu, bia, thuốc lá, cà phê, đồ uống có gas… Chỉ cần một lượng rượu mạnh từ 80-120g mỗi ngày và dùng trong vòng 5 năm thì có thể bị gan nhiễm mỡ.
Nói không với đồ ngọt
Các loại bánh kem, đồ ngọt, đồ chiên, xào nhiều mỡ… làm cho bạn nhanh tăng cân, tăng cholesterol…

Gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không?

Biến chứng của viêm gan nhiễm mỡ bao gồm xơ gan (giai đoạn cuối của bệnh) và ung thư gan nguyên phát (ung thư tế bào gan).

Tỷ lệ xơ gan ở bệnh nhân bệnh gan nhiễm mỡ vẫn chưa được xác định và rất thay đổi, có lẽ từ 8-15%. 

Cho tới nay, có rất ít nghiên cứu theo dõi bệnh nhân đủ thời gian để nghiên cứu quá trình tiến triển từ viêm gan nhiễm mỡ tới xơ gan. Tuy nhiên, có một bằng chứng gián tiếp cho thấy viêm gan nhiễm mỡ tiến triển đến xơ gan. 

Ví dụ, như trong một số bệnh nhân ngay khi được chẩn đoán viêm gan nhiễm mỡ bằng sinh thiết gan thì xơ gan cũng đã xuất hiện cùng với các dấu hiệu thông thường của viêm gan nhiễm mỡ.

Gan nhiem mo co nguy hiem khong? (sang mai dang)
Dấu hiệu gan bị nhiễm mỡ.

Trái lại, điều quan trọng cần phải nhớ rằng, đa số các trường hợp có xơ gan thì thâm nhiễm mỡ biến mất cùng với quá trình viêm. Xơ gan trong viêm gan nhiễm mỡ với sự biến mất của hiện tượng thâm nhiễm mỡ và hiện tượng viêm được gọi là xơ gan bùng phát. 

Ðiều này có thể do ít có mỡ vào trong gan qua tĩnh mạch cửa (mạch máu mang máu từ ruột và gan). Ngoài ra, sự giảm bài tiết insulin (cùng với sự tiến triển của bệnh tiểu đường tuýp II phụ thuộc insulin) làm cho triglyceride rời khỏi gan.
Hơn nữa, có nhiều báo cáo cho rằng có ít nhất 50% trường hợp xơ gan (xơ gan vô căn xảy ra do béo phì hoặc tiểu đường tuýp II có trước). 

Những quan sát này cho rằng kháng insulin, cũng là viêm gan nhiễm mỡ, thường là yếu tố cơ bản của xơ gan vô căn. Thực ra thì số trường hợp ghép gan vì xơ gan được nghĩ do viêm gan nhiễm mỡ đang trên đà gia tăng. 

Một tỷ lệ cao bệnh nhân bị xơ gan vô căn đã được ghép gan lại phát triển bệnh viêm gan nhiễm mỡ tái phát ở gan mới ghép càng xác định thêm vai trò nguyên nhân của viêm gan nhiễm mỡ. Cuối cùng, một nghiên cứu tại Pháp cho rằng bệnh nhân bị viêm gan nhiễm mỡ có nguy cơ bị xơ gan giống như viêm gan siêu vi C. 

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, quá trình tiến triển thành xơ gan ở bệnh nhân viêm gan nhiễm mỡ được cho là chậm và chẩn đoán xơ gan thường xuất hiện khi bệnh nhân 60 tuổi.

Gan nhiem mo co nguy hiem khong? (sang mai dang)-Hinh-2
Ung thư gan.

Cũng có một số báo cáo về ung thư gan nguyên phát xảy ra ở bệnh nhân bị xơ gan có liên quan với viêm gan nhiễm mỡ. 

Thực ra tỷ lệ ung thư gan ở bệnh nhân xơ gan do viêm gan nhiễm mỡ tương tự như ở bệnh nhân bị bệnh xơ gan do viêm gan siêu vi C (khoảng 1-2% mỗi năm). Quá trình gây ra ung thư gan ở bệnh nhân xơ gan do viêm gan nhiễm mỡ chưa được biết và cũng chưa được nghiên cứu. 

Ung thư gan có lẽ là do hậu quả của việc tái tạo gan (tái sinh sản tế bào gan) mà không có yếu tố đặc biệt nào liên quan với viêm gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên, theo một số tác giả cho rằng kháng insulin có thể thúc đẩy hình thành ung thư gan.

Theo PV - Kiến thức

Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan D

Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cho biết, viêm gan vi rút D (HDV) do vi rút viêm gan D gây ra. Vi rút viêm gan D được xem là vi rút ”không trọn vẹn”, chúng phải mượn lớp vỏ viêm gan vi rút B để có thể xâm nhập vào tế bào gan.
chan-doan-va-dieu-tri-benh-viem-gan-d
Viêm gan mãn tính trở thành xơ gan. Ảnh minh họa.
Viêm gan D lây nhiễm như thế nào?
Viêm gan D gây ra hai loại nhiễm trùng: đồng nhiễm hoặc bội nhiễm. Đồng nhiễm là khi có người bị nhiễm viêm gan B và viêm gan D cùng một lúc. Bội nhiễm là khi ai đó đã có bệnh viêm gan B và sau đó bị nhiễm viêm gan D.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên, bệnh có đường lây truyền giống viêm gan B: đường máu, đường tình dục, từ mẹ truyền sang con (hiếm gặp). Viêm gan D có thể là cấp tính hoặc mãn tính.
Ai có thể bị viêm gan D?
Ðây là một bệnh truyền nhiễm “có điều kiện”. Bệnh chỉ nguy hiểm, cho những bệnh nhân đang hoặc sẽ bị bệnh viêm gan B. Đó là bệnh chỉ lây qua những ai chưa có kháng thể chống lại vi khuẩn viêm gan B. Người được miễn nhiễm bệnh viêm gan B, vì thế, sẽ không phải lo lắng về bệnh viêm gan D nữa.
Triệu chứng của bệnh viêm gan D
Triệu chứng của viêm gan D lệ thuộc vào tình trạng nhiễm vi khuẩn viêm gan B của lá gan. Nếu vi khuẩn viêm gan B bị tiêu diệt bởi hệ  miễn dịch của bệnh nhân thì vi khuẩn viêm gan D cũng sẽ “chết theo”.
Bệnh nhân có thể cùng một lúc lây cả hai bệnh viêm gan B và D (đồng nhiễm). Vì  viêm gan D thường gây ra những triệu chứng tương tự như bệnh viêm gan B nên khi cơ thể bị tấn công một lúc bởi hai loại siêu vi khuẩn viêm B và D các triệu chứng có thể trầm trọng hơn, và bệnh có thể kéo dài hơn.
Bệnh nhân bị nhiễm cùng một lúc viêm gan B và D sẽ có một số triệu chứng điển hình của bệnh viêm gan B trước, rồi sau đó, khi bệnh có vẻ như đang thuyên giảm thì các triệu chứng như vàng da, nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt … bắt đầu trở lại do đợt tấn công thứ hai; lần này do siêu vi khuẩn viêm gan D.  Tùy theo tuổi tác khi bị lây bệnh, những triệu chứng kể trên có thể rất rõ rệt hoặc mơ hồ.
Bệnh nhân đang bị viêm gan B bị lây thêm bệnh viêm gan D ( Bội nhiễm): Ðây là trường hợp rất nguy hiểm Với sự bành trướng của siêu  vi khuẩn viêm gan D trong một cơ thể đang bị nhiễm trùng bởi siêu vi khuẩn viêm gan B, bệnh sẽ trở nên rất trầm trọng với những hậu quả vô cùng tai hại trong một thời gian rất ngắn. 
Ngay cả trong trường hợp  siêu vi khuẩn  B đang “nằm im”, siêu vi khuẩn  D có  thể đánh thức và cả hai sẽ  cùng tàn phá  lá  gan. nhanh chóng (từ 3 đến 5 năm),
Phòng ngừa viêm gan D
– Hiện tại chưa có vắc xin chủng ngừa viêm gan D, tuy nhiên có thể ngăn ngừa nhiễm trùng viêm gan D bằng cách tiêm phòng viêm gan B. Do đó tránh viêm gan B có thể tránh viêm gan D.
– Không dùng chung bơm kim tiêm, bàn chải đánh răng,… giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe.
Theo Phạm Minh - VnMedia

Gan nhiễm mỡ: hoàn toàn có thể chữa khỏi

Chỉ cần trọng lượng cơ thể nhích lên tí chút, bạn đã nhận ra mình đang béo, trong khi đó, dù lá gan của mình có núc ních vì mỡ thì bạn vẫn khó lòng mà nhận ra.

Do đặc thù công việc nên anh Phan Minh Phương 45 tuổi (giám đốc một công ty chuyên sản xuất phần mền công nghệ thông tin ở Trần Hưng Đạo, Q.1, TPHCM) thường xuyên phải đi dự các buổi tiệc tùng chiêu đãi mà buổi nào cũng không thể thiếu bia hay rượu. Nhiều lần, thấy anh về nhà trong tình trạng lảo đảo, đi không vững vợ anh có nhẹ nhàng nhắc nhở, nhưng vì công việc anh không thể nào không uống.
Cho đến một hôm, khi đi nhậu về, người mệt nhừ, anh chỉ kịp cởi đôi giày vứt vào góc tủ rồi lăn ra giường ngủ như chết. Nhưng đến nửa đêm một cơn đau bụng dữ dội xuất hiện, mồ hôi anh vã ra như tắm, miệng nôn thốc nôn tháo. 
Vợ anh sợ quá vội vàng đưa chồng đi khám ngay trong đêm. Sau khi được khám và chụp chiếu kỹ lưỡng, các bác sĩ cho biết anh mắc bệnh gan nhiễm mỡ nặng, lá gan của anh đang bị to dần nên cần nằm viện điều trị.
Bi đát hơn anh Phương, anh Hoàng Tú Minh 39 tuổi (nhân viên kinh doanh của một công ty bất động sản ở Q.3, TPHCM) phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, bụng đau quằn quại, người gầy ốm, da vàng, gan to và đang chuyển sang giai đoạn ung thư gan.
Nguyên nhân là do anh Minh mắc bệnh gan nhiễm mỡ gần 5 năm nay, nhưng do không thể kiêng khem bia rượu nên bệnh tình ngày càng nặng. Hậu quả là anh Minh đã bị xơ gan dẫn tới ung thư gan thể nặng, cơ hội chữa khỏi là rất khó. Thời gian sống của anh Minh giờ chỉ tính bằng năm, bằng tháng.
Bị gan nhiễm mỡ không đáng sợ
BS Vũ Đức Chung (Trưởng khoa Tiêu Hóa, BV Quân đội 354, Hà Nội): Những bệnh nhân mắc bệnh gan nhiễm mỡ hoàn toàn có thể chữa khỏi, hoặc điều trị cầm chừng để bệnh tình không tiến triển ảnh hưởng tới sức khỏe.
Tuy nhiên, với những bệnh nhân không chịu kiêng khem, phối hợp điều trị bệnh với bác sĩ bệnh tình có thể tiến triển dẫn tới xơ gan ung thư gan, tỷ lệ này chiếm 25% bệnh nhân, với tỷ lệ tử vong khoảng 10%.
Phần lớn các bệnh nhân mắc bệnh đều do trước đó họ uống nhiều rượu bia, khi rượu đi vào cơ thể chúng được chuyển hóa phân giải chủ yếu ở gan, dưới tác động của các thành phần hóa học có trong rượu làm cho chất béo không thể chuyển hóa trong tế bào gan nên tồn đọng trong đó, mỡ tụ lại trong gan ngày một nhiều.
Ngoài ra, rượu còn làm giảm sự tổng hợp phospho, dẫn đến thiếu sự tổng hợp lipoprotein ảnh hưởng sự bài tiết của mỡ, thoái hóa mỡ từ trong gan, làm cho tế bào gan bị mỡ hóa…
Như trường hợp của anh Phương và anh Minh, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do các anh đã sử dụng rượu trong một thời gian dài dẫn tới men gan cao, cơ chế đào thải mỡ kém dần, lượng mỡ tích lũy ở gan ngày càng nhiều dẫn tới bệnh.
Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng chứa quá nhiều chất đạm, mỡ, đường cũng là nguyên nhân dẫn tới gan nhiễm mỡ. Ngoài ra, gan nhiễm mỡ do nội tiết, do bệnh đấi tháo đường… Gan nhiễm mỡ do miễn dịch. 
Gan nhiễm mỡ do dùng một số loại thuốc có thể dẫn đến bệnh như các loại corticide, tetracyclin, các thuốc kháng ung thư, thuốc hormone sinh dục nữ... Do vi khuẩn, virus trong quá trình bị viêm gan siêu vi B, C thường có biến chứng gan nhiễm mỡ đặc biệt là viêm gan siêu vi C.
Chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống và cân nặng thì bệnh tình sẽnhanh chóng biến mất.
Theo T3H - Sức khỏe gia đình

Nguyên nhân gan nhiễm mỡ


Gan nhiễm mỡ là gì? Nguyên nhân gan nhiễm mỡ là gì? Nhiều người khi đi khám bệnh tổng quát, khám sức khoẻ định kỳ được bác sĩ chẩn đoán gan nhiễm mỡ trong khi hoàn toàn không có triệu chứng bất thường nào về đường gan mật. Do đó không ít người cảm thấy hoang mang.

Gan nhiễm mỡ hay còn gọi gan thoái hoá mỡ là tình trạng ứ đọng mỡ trong gan do nhiều nguyên nhân. Bình thường lượng mỡ chiếm khoảng 3-5% trọng lượng của gan. 

Gan nhiễm mỡ mức độ nhẹ khi lượng mỡ trong gan chiếm 5-10%, nếu 10-25% là nhiễm mỡ mức độ vừa và nếu vượt quá 30% là nhiễm mỡ nặng. Mức độ gan nhiễm mỡ cũng phụ thuộc vào bệnh chính gây ra và việc tuân thủ chế độ điều trị bệnh.
Gan nhiễm mỡ không phải là một bệnh mà chỉ là biểu hiện lâm sàng của nhiều bệnh lý khác nhau. Do đó muốn điều trị gan nhiễm mỡ thì phải điều trị bệnh chính gây ra gan nhiễm mỡ và không có loại thuốc đặc hiệu nào có thể chữa khỏi tình trạng này nếu như không điều trị nguyên nhân.

Khoảng 70% bệnh nhân gan nhiễm mỡ là do béo phì.

Có nhiều nguyên nhân gan nhiễm mỡ như béo phì, tiểu đường, tăng lipid máu, nghiện rượu, viêm gan siêu vi, do sử dụng một số thuốc như corticoid, tamoxiphen, amiodarone… Đặc biệt, khoảng 70% bệnh nhân gan nhiễm mỡ là do béo phì.

Nguyên nhân gan nhiễm mỡ do béo phì
Gan nhiễm mỡ thường gặp ở bệnh nhân béo phì và mức độ nhiễm mỡ cũng liên quan đến mức độ béo phì, đặc biệt là béo bụng. Có 80% đến 90% bệnh nhân béo phì bị gan nhiễm mỡ. Nếu béo phì nặng thì mức độ gan nhiễm mỡ cũng nặng hơn và lâu ngày sẽ có khả năng đưa đến viêm gan thoái hóa mỡ và cuối cùng có thể tiến triển thành xơ gan.
Vì vậy để điều trị gan nhiễm mỡ cho người béo phì thì điều quan trọng là phải thực hiện chương trình giảm cân thích hợp. Cụ thể là không chỉ giảm ăn nhiều chất béo, mà cần giảm ăn các loại thực phẩm có nhiều chất bột đường, nước ngọt vì chất bột đường nếu dư thừa cũng sẽ chuyển hoá thành mỡ dự trữ ở bụng và trong nội tạng như gan, tim...
Nguyên nhân gan nhiễm mỡ do tiểu đường
Gan nhiễm mỡ ít phổ biến ở bệnh nhân tiểu đường type I, nhưng rất thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường type II do có sự rối loạn về chuyển hoá chất béo. Ước tính 50% bệnh nhân tiểu đường type II bị gan nhiễm mỡ.
Nếu bệnh nhân tiểu đường mà béo phì thì mức độ bị gan nhiễm mỡ càng cao và dễ có nguy cơ dẫn đến xơ gan. Vì vậy điều trị tốt bệnh tiểu đường, ổn định đường huyết, thực hiện tốt chương trình giảm cân hợp lý là điều quan trọng hàng đầu để cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ ở người bệnh tiểu đường.
Nguyên nhân gan nhiễm mỡ do tăng mỡ máu
Tăng mỡ máu hay tăng lipid máu (bao gồm tăng triglyceride máu, tăng cholesterol máu hoặc cả hai) cũng thường kèm theo gan nhiễm mỡ với tỷ lệ tương đối cao. 

Điều trị chứng tăng mỡ máu bằng chế độ ăn hạn chế chất béo, bớt ăn thịt, tăng cường ăn cá (hoặc uống thêm dầu cá omega 3), ăn nhiều rau xanh, đậu hạt, trái cây, ăn ít ngọt, hạn chế rượu bia (không uống quá 2 lon mỗi ngày đối với nam và 1 lon đối với nữ) vì trong bia tuy không có chất béo nhưng chúng có nhiều năng lượng rỗng và phần năng lượng dư thừa này sẽ chuyển hóa thành mỡ đọng lại ở bụng được gọi là mỡ bụng. 

Việc thực hiện tốt chế độ ăn hợp lý mà chưa cần dùng đến thuốc để giảm mỡ máu cũng góp phần cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ.
Nguyên nhân gan nhiễm mỡ do nghiện rượu
Gan nhiễm mỡ thường gặp ở người nghiện rượu. Việc tăng tổng hợp và giảm phân giải chất béo trong gan là kết quả của nghiện rượu mãn tính làm mỡ bị ứ lại trong gan. Gan nhiễm mỡ ở người nghiện rượu thường có thể phục hồi nhưng nếu tiếp tục uống rượu sẽ dẫn tới viêm gan do rượu và xơ gan. 

Bên cạnh đó việc thường xuyên dùng các loại thuốc như acemol, panadol... để giảm nhức đầu sau khi uống rượu cũng làm cho gan tổn hại nhanh. Như vậy không có thần dược nào để chữa gan nhiễm mỡ hay để phòng xơ gan do rượu tốt bằng con đường cai nghiện rượu trước khi quá trễ.

Theo PV - Trí thức trẻ

Các thuốc gây độc cho gan

Phần lớn thuốc khi vào cơ thể được chuyển hóa tại gan trước khi được đào thải qua đường mật hoặc qua thận. Bình thường, thuốc đưa vào cơ thể là chất không độc, nhưng sau khi được chuyển hóa tại gan, một số thuốc trở thành chất gây độc với chính bản thân gan.
Thuốc có thể gây độc cho gan ở các mức độ khác nhau từ nhẹ đến hoại tử rất nặng, bệnh có thể cấp tính nhưng cũng có thể mạn tính. Bệnh thường xuất hiện trong vòng từ 5 - 90 ngày sau khi dùng thuốc, với biểu hiện rất khác nhau từ chán ăn, mệt mỏi cho đến vàng da, nước tiểu vàng, đau tức vùng gan, xuất huyết dưới da, thậm chí có thể xuất hiện xuất huyết tiêu hóa, hôn mê gan, suy gan nặng dẫn đến tử vong. 
Với sự ra đời của nhiều thuốc mới, danh sách các thuốc gây độc cho gan ngày càng dài thêm, trong đó phải kể đến các nhóm thuốc như giảm đau hạ sốt, thuốc kháng virut, thuốc điều trị lao...
Một số thuốc rất độc với gan, gây nên các bệnh gan mạn tính.Một số thuốc rất độc với gan, gây nên các bệnh gan mạn tính.
Thuốc kháng retrovirus
Phần lớn các thuốc kháng retrovirus ức chế men transcriptase ngược hay kháng protease, gây viêm gan. Tổn thương gan rất đa dạng từ nhiễm mỡ gan đến viêm gan cấp, tiến triển bệnh có thể dẫn đến tử vong. Cơ chế gây độc rất đa dạng hoặc do tạo thành các chất chuyển hóa gây phản ứng và ức chế chuyển hóa ở các thể hạt trong gan, hoặc có thể tác động đến gan do kích động lại các bệnh viêm gan siêu vi B và C.
Thuốc giảm đau hạ sốt paracetamol
Đây là thuốc dùng phổ biến để điều trị giảm sốt. Thuốc gây độc cho gan tùy theo liều sử dụng. Khi điều trị cần chú ý xem xét liều lượng gây độc cho gan. Với liều nhỏ hơn 2 - 3g/ngày, paracetamol thấy an toàn và bệnh nhân chịu đựng được. 
Khi dùng đường uống với liều lớn hơn 10 - 15g sẽ đưa đến tổn thương gan nặng thường sẽ tử vong, liều này dùng khi có ý định tự sát. Tổn thương gan do paracetamol là dạng phổ biến của bệnh gan do thuốc. 
Ở người nghiện rượu, liều paracetamol thông thường điều trị vẫn có thể gây độc cho gan, vì vậy phải cẩn thận khi dùng paracetamol cho người nghiện rượu, không dùng nước uống có cồn để uống paracetamol.
Thuốc chống lao
Các thuốc như isoniazid, rifampicin, streptomycin..., đặc biệt là isoniazid (INH). Từ giữa thế kỷ 20, INH là thuốc điều trị chính cho bệnh lao. Sự tăng men gan xuất hiện vài tuần sau khi bắt đầu điều trị lao khoảng 10 - 20% bệnh nhân dùng INH. 
Sự tăng men gan này thường ở mức vừa phải và không liên quan dấu hiệu hay triệu chứng bệnh gan. Ở nhiều bệnh nhân tăng men gan tiếp tục dùng INH vẫn chịu đựng được và có thể sau đó men gan lại trở về gần bình thường. 
Nếu có tăng men gan, ngưng dùng INH thì men gan trở về bình thường trong vòng 1 - 4 tuần. Tuy nhiên vẫn có ít bệnh nhân khi dùng INH có thể suy gan cấp (có thể xảy ra khoảng 0,1 - 2% bệnh nhân). 
Bệnh nhân lớn hơn 50 tuổi có nhiều nguy cơ bị viêm gan khi dùng INH, trẻ em ít khi có tổn thương gan xảy ra. Bệnh nhân nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn nam. Khi điều trị nên theo dõi kỹ để phát hiện viêm gan do INH để ngưng điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng nặng cho gan.
Vitamin A
Uống vitamin A quá nhiều là nguyên nhân gây ngộ độc gan phụ thuộc vào liều lượng có thể đưa đến xơ gan. Uống thường xuyên liều lớn vitamin A (>25.000 đơn vị/ngày) có thể gây ngộ độc mạn tính và tổn thương gan. 
Tổn thương gan có thể xảy ra khi uống 15.000 - 40.000 đơn vị/ngày trong một năm, nhưng liều cao hơn có thể ngộ độc trong vòng vài tháng. Tổn thương gan nhiều hay ít tùy thuộc liều lượng và thời gian sử dụng. 
Nhiều bệnh nhân có bệnh gan do vitamin A gây ra có khi không nhận thấy, chỉ khi bác sĩ lâm sàng thấy có hiện tượng bệnh nhân dùng vitamin A kéo dài kèm viêm gan mỡ, tăng áp lực tĩnh mạch cửa thì mới phát hiện ra. Người nghiện rượu nguy cơ càng cao.
Một số nhóm thuốc khác
Ngoài ra, một số nhóm thuốc khác cũng có thể gây hại gan như thuốc điều trị nấm (nystatin, ketoconazole, fuconazole), thuốc kháng giáp trạng (PTU, MTU), thuốc điều trị đái tháo đường (sulfamid, troglitazone, rosiglitazole), thuốc điều trị bệnh tim mạch (amiodazon, methyldopa, quinidine), thuốc chống co giật (phenytoin, carbamazepin)...
Bên cạnh những tác dụng phụ của thuốc, chúng ta cũng cần chú ý một số yếu tố làm tăng độc tính của thuốc đối với gan đó là rượu (rượu làm tăng độc tính của hầu hết thuốc đối với gan trong đó phải kể đến paracetamol, isoniazid); có bệnh lý gan mật từ trước (như viêm gan mạn tính, xơ gan...); liều lượng của thuốc (một số thuốc dùng ở liều thấp thì an toàn nhưng dùng ở liều cao hoặc quá liều sẽ gây ngộ độc cấp cho gan); sự tương tác giữa các thuốc làm tăng khả năng gây độc cho gan (sự phối hợp giữa isoniazid với rifampicin sẽ làm tăng độc tính của rifampicin với gan).
Chính vì vậy, để dùng thuốc an toàn, người bệnh cần hết sức tuân thủ hướng dẫn, y lệnh của bác sĩ, không được lạm dụng thuốc và tự ý dùng thuốc, khi dùng thuốc mà có biểu hiện như chán ăn sợ mỡ, nước tiểu sẫm màu, đau tức vùng gan thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo ThS Nguyễn Vân Anh - Sức khỏe và Đời sống

Thắc mắc thường gặp về bệnh xơ gan

Xơ gan là gì? Nguyên nhân gây xơ gan? Làm sao để biết mình bị xơ gan...là những kiến thức căn bản mà người bệnh nên nắm rõ để có một sức khỏe tốt.

Xơ gan là gì?

Xơ gan là kết cục cuối cùng của các bệnh lý gan mãn tính.

Khi gan bị bất kì một nguyên nhân nào làm hư hoại thì các tế bào gan sẽ bị chết đi và sau đó được thay thế bằng chất xơ. Từng đám tế bào gan còn lại sẽ tăng sinh để bù đắp cho phần gan đã bị "chết" và tạo nên các nốt tái sinh.

Khi gan bị hư hoại nặng và lâu ngày, các chất xơ được tạo ra ngày càng nhiều sẽ làm thay đổi hoàn toàn cấu trúc bình thường của gan và người ta gọi đó là xơ gan.

Nguyên nhân gây xơ gan?

Xơ gan là kết cục của tổn thương gan trong một thời gian dài, do nhiều nguyên nhân khác nhau.

- Do virus viêm gan B, C, D.
- Do rượu.
- Do bệnh lý tự miễn dịch (cơ thể tạo ra kháng thể chống lại chính các tế bào gan, gây tổn thương viêm gan lâu ngày dẫn tới xơ gan).
- Các bệnh lý rối loạn chuyển hóa: Bệnh Wilson (bệnh do tích lũy đồng trong cơ thể), bệnh Hemochromatosis (do tích lũy sắt), thiếu alpha 1- antitrypcin.
- Ứ máu ở gan kéo dài: Suy tim phải nặng kéo dài (bệnh lý gan-tim), hội chứng Budd-Chiari (tắc tĩnh mạch trên gan).
- Tình trạng tắc mật lâu ngày.
- Do độc chất: Aflatoxin (là một tác nhân quan trọng, do một loại nấm tên gọi là Aspergillus flavus tạo ra, chất này thường bị nhiễm trong thức ăn, đặc biệt là ngũ cốc để lâu ngày. Vai trò của aflatoxin đối với gan ra sao thì hiện đang được quan tâm nghiên cứu, nhưng người ta cho rằng đây có thể là tác nhân gây xơ gan. ung thư gan.).
- Thuốc: một số loại thuốc dùng lâu ngày có thể dẫn tới xơ gan.
- Một số bệnh lý di truyền hiếm gặp khác.
- Tình trạng gan nhiễm mỡ không do rượu: quá trình xơ hóa diễn ra chậm chạp, thường phải sau 10-20 năm.
- Một số trường hợp xơ gan không xác định được nguyên nhân

Cần lưu ý rằng, người bị xơ gan có thể do một nguyên nhân, nhưng cũng có thể do nhiều nguyên nhân cùng phối hợp gây tổn thương gan.

Làm sao để biết mình bị xơ gan?

Giai đoạn xơ gan "còn bù": Quá trình xơ hóa gan có thể diễn ra "âm thầm" trong nhiều năm, thời kì đầu không biểu hiện triệu chứng gì.

Gan là một cơ quan có khả năng bù trừ rất tốt nghĩa là khi gan bị hư hoại thì các phần gan còn lại sẽ "gánh" thêm công việc của các phần gan bị hư, cho nên ít khi có biểu hiện tình trạng suy giảm chức năng gan trong giai đoạn đầu. Chính vì vậy, bệnh thường không có triệu chứng gì rõ rệt và người ta gọi đó là thời kì xơ gan còn bù tức là thời kì mà nhiệm vụ của gan vẫn được bù đắp nhờ phần gan bình thường còn lại.

- Bệnh nhân có thể chỉ cảm thấy hơi mệt mỏi, không làm việc được lâu, hay chán ăn, buồn nôn và sợ một số thức ăn đặc biệt là những thức ăn chứa nhiều dầu mỡ. Sau khi ăn thường có cảm giác đầy bụng, khó tiêu.

- Đôi khi bệnh nhân thấy đau tức vùng dưới sườn bên phải

- Trên da vùng ngực, lưng và cổ của bệnh nhân có những đốm đỏ hình giống như hoa thị mà danh từ y học gọi đó là "sao mạch".

- Lòng bàn tay có thể bị ửng đỏ, danh từ y học gọi là "lòng bàn tay son".

Việc phát hiện bệnh trong giai đoạn ban đầu này thường là tình cờ khi đi khám sức khỏe  định kì, khi làm xét nghiệm tổng quát về chức năng gan, hoặc tình cờ phát hiện qua siêu âm bụng.

Giai đoạn xơ gan "mất bù": 

Sau một thời gian nhiều tháng hoặc vài năm, bệnh sẽ tiến triển đến giai đoạn nặng hơn gọi là thời kì xơ gan mất bù tức là thời kì mà gan không còn đủ sức đảm đương nhiệm vụ của mình. Đó là lúc mà gan bị hư hoại nhiều quá nên bắt đầu bộc lộ sự suy giảm chức năng.

- Bệnh nhân thường đi khám bệnh vì thấy bụng ngày càng to ra do ứ nước trong bụng (còn gọi là "cổ trướng" hoặc "báng bụng"). Vùng mắt cá chân có thể bị sưng lên, đè vào thì hơi bị lõm.

- Lúc này, người bệnh hay than mệt mỏi, chán ăn, cảm giác bị suy nhược, sụt cân ...

- Bệnh nhân có thể bị vàng da và vàng mắt, dễ bị bầm ở những chỗ tiêm chích, chảy máu răng, chảy máu cam. Phụ nữ có thể bị rối loạn kinh nguyệt hoặc mất kinh, đàn ông có thể bị bất lực.

- Dưới bờ sườn bên phải có thể sờ thấy gan hơi cứng chắc và dưới bờ sườn bên trái có thể sờ thấy lá lách lớn.

- Bệnh nhân có thể có những rối loạn về tinh thần như mất khả năng tập trung (ngay cả khi làm những công việc rất yêu thích), cảm thấy dễ mệt nhưng lại ngủ không ngon. Nặng hơn nữa, bệnh nhân sẽ bị kích động, vật vã rồi dần dần bị hôn mê hoặc có thể ói ra máu rất nhiều và tử vong.

Các xét nghiệm nào cần làm để đánh giá tình trạng xơ gan? 

- Các xét nghiệm đánh giá chức năng gan: xét nghiệm máu giúp gợi ý chẩn đoán xơ gan và đánh giá mức độ nặng nhẹ của bệnh

- Tìm kiếm nguyên nhân gây xơ gan: quan trọng nhất là xét nghiệm tầm soát siêu vi viêm gan B, C. 

- Siêu âm bụng: để xem tổng quát hình ảnh của gan, và quan trọng là giúp tầm soát phát hiện ung thư gan

- Siêu âm đàn hồi, Fibroscan, fibrotest: là những kĩ thuật không xâm lấn, không gây hại, giúp đánh giá "độ cứng" của gan, nghĩa là đánh giá mức độ xơ hóa của gan.

- Nếu bụng có nước, có thể phải chọc hút một ít dịch trong ổ bụng để làm xét nghiệm

- Nội soi thực quản-dạ dày để phát hiện các tĩnh mạch thực quản-dạ dày bị phình giãn do xơ gan gây ra. 

- Sinh thiết gan: Bác sĩ dùng một loại kim nhỏ đặc biệt (chuyên dùng cho sinh thiết gan) để chích qua da, vào gan và lấy ra một mảnh mô gan rất nhỏ, nhằm quan sát dưới kính hiển vi. Phương pháp này giúp đánh giá mức độ hư hoại và mức độ xơ hóa ở gan. Đôi khi, sinh thiết gan còn giúp xác định được nguyên nhân dẫn đến xơ gan.

Xơ gan có các biến chứng gì?

Xơ gan có thể gây ra nhiều biến chứng nặng dẫn đến tử vong:

- Bụng có nước nhiều có thể nhiễm trùng dịch báng: Lúc đó, bệnh nhân có thể bị đau bụng, tiêu chảy, sốt. Đôi khi lại không có triệu chứng gì mà chỉ khi rút nước trong bụng đem đi xét nghiệm mới biết được có nhiễm trùng dịch báng.

- Ói ra máu do vỡ các tĩnh mạch thực quản hoặc tĩnh mạch ở phần đáy dạ dày khi các mạch máu này bị căng quá mức. Bệnh nhân thường bị nôn ra máu rất nhiều, có thể bị choáng váng do thiếu máu cấp tính và tụt huyết áp. Nhiều trường hợp có thể dẫn đến tử vong.

- Hôn mê do suy gan nặng. Biến chứng này xảy ra khi gan không còn đào thải được các độc chất và những chất này sẽ bị ứ lại trong máu, ngấm vào hệ thần kinh và làm rối loạn các hoạt động của não, nặng nhất là gây hôn mê sâu.

- Suy thận xảy ra trên nền xơ gan: trong y học gọi là "hội chứng gan-thận". Bệnh nhân đi tiểu ít dần rồi không đi tiểu được nữa. Có thể dẫn tới tử vong.

- Khi đã bị xơ gan do bất kì nguyên nhân nào thì nguy cơ bị ung thư gan rất cao. Muốn phát hiện sớm ung thư gan thì tất cả các bệnh nhân xơ gan cần được làm siêu âm và xét nghiệm tìm chất AFP trong máu mỗi 6 tháng, kết hợp siêu âm bụng. Chất AFP do tế bào ung thư gan tiết ra.

Điều trị xơ gan như thế nào?

Muốn điều trị xơ gan, trước tiên là phải tìm được nguyên nhân. Điều này vô cùng quan trọng.

Như chúng ta đã biết, xơ gan có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Có nguyên nhân có thể điều trị hoặc ngăn ngừa được như: do rượu, do một số thuốc, kể cả viêm gan do siêu vi B, C. Có nguyên nhân thì hiện nay y học lại chưa thể điều trị được như các rối loạn bẩm sinh của cơ thể. Nếu điều trị được nguyên nhân thì có thể làm chậm lại hoặc chặn đứng quá trình tiến triển của bệnh.

Kết quả điều trị phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. Phát hiện càng sớm thì điều trị càng hiệu quả, càng hạn chế được các biến chứng của xơ gan. Khi xơ gan mất bù, tiến triển bệnh thường nặng và có nhiều biến chứng, thường đáp ứng rất kém với điều trị.

Thế nào là "điều trị xơ gan theo nguyên nhân"?

Ngưng uống rượu hoàn toàn nếu là xơ gan do rượu và ngay cả xơ gan do nguyên nhân khác. Bỏ rượu bia hoàn toàn sẽ hạn chế bớt yếu tố gây tổn thương gan, nhờ đó làm chậm tiến trình xơ hóa gan.

Nếu do nhiễm siêu vi B và xơ gan ở giai đoạn đầu thì việc sử dụng các thuốc kháng virus như Lamivudine, Adefovir, Entecavir, Tenofovir sau nhiều năm có thể giúp kiểm soát virus, làm chậm tiến trình xơ hóa gan, và thậm chí có thể giảm bớt mức độ xơ gan (đã có nhiều nghiên cứu với bằng chứng khoa học dựa trên kết quả sinh thiết gan). Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc như thế nào bắt buộc phải có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Gan.

Nếu do nhiễm siêu vi C và xơ gan ở giai đoạn đầu thì việc điều trị bằng Peg-interferon/ Interferon kết hợp Ribavirin nếu thành công (nghĩa là hết virus viêm gan C trong cơ thể) thì ở một số bệnh nhân chúng ta có thể thấy mức độ xơ hóa gan giảm đi so với trước khi điều trị. 

Nếu tình trạng xơ gan đã nặng, thì điều trị Peg-interferon/ Interferon thường khó khăn, nhiều tác dụng phụ. 

Ngoài ra, hiện nay đã có những thuốc uống mới được nghiên cứu, giúp cho việc điều trị viêm gan siêu vi C mạn mà không cần dùng thuốc chích, ít tác dụng phụ, lại có tỉ lệ điều trị thành công rất cao >90% (như Sofosbuvir, hoặc những thuốc viên phối hợp như Harvoni, Viekira Pak, ... ) điều trị được cho những bệnh nhân viêm gan C bị xơ gan ở tất cả các giai đoạn. 

Tuy nhiên, giá thành của những thuốc này hiện nay còn rất đắt và chưa có ở Việt Nam. Chúng ta mong đợi các thuốc này sẽ có tại Việt Nam sau vài năm nữa.

Nếu xơ gan do bệnh Wilson (tích lũy đồng) thì điều trị theo phác đồ dành riêng cho bệnh Wilson (D-penicillamin, kẽm, ...).

Bệnh nhân xơ gan nặng có thể được tiến hành ghép gan. Tại Việt Nam, ghép gan đã được tiến hành cho bệnh nhân tại một số bệnh viện lớn như BV Việt Đức (Hà Nội), BV Chợ Rẫy (TPHCM). Quan trọng là tìm được nguồn gan cho (ghép một phần gan của người thân cho, hoặc ghép gan nhận từ bệnh nhân chết não hiến tặng).

Điều trị triệu chứng phù chân hoặc báng bụng như thế nào?

Ăn nhạt. Bệnh nhân cần hạn chế muối để giảm bớt lượng nước dư thừa (dư muối sẽ giữ nước trong cơ thể). Cách tư vấn cho bệnh nhân dễ áp dụng là: Không chấm thêm xì dầu, nước mắm, nước tương; đồ ăn được nấu riêng (không ăn chung với người nhà để có chế độ muối riêng) với lượng muối bằng 2/3 người bình thường.

Thuốc lợi tiểu (theo chỉ định của bác sĩ).

Truyền dung dịch Albumin
 khi lượng albumin trong máu giảm thấp (phải có chỉ định của bác sĩ).

Có trường hợp bác sĩ phải dùng kim để chọc vào bụng rồi rút bớt nước ra (khi dịch bụng nhiều, dẫn tới căng tức bụng, thậm chí làm cho bệnh nhân khó thở).

Phòng ngừa biến chứng ói ra máu như thế nào?

Để phòng ngừa biến chứng ói ra máu tăng áp lực trong các tĩnh mạch thực quản bị giãn, bệnh nhân cần dùng các thuốc làm giảm bớt áp lực máu đến các tĩnh mạch này (các thuốc Propranolol, Carvedilol, Isosorbide mononitrate (Imdur)) và thường phải dùng suốt đời. 

Vì sao bệnh nhân xơ gan phải tránh táo bón?


Đây là một biện pháp quan trọng giúp hạn chế tình trạng rối loạn tri giác (bệnh não gan) nếu nặng thì có thể dẫn tới hôn mê (hôn mê gan).

Thuốc thường dùng là Lactulose (Duphalac) có thể uống 1-2 thậm chí 3-4 gói/ngày.
Theo PGS.TS Bùi Hữu Hoàng - Hội Gan Mật TPHCM

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons