Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

Nhận diện các thể viêm gan siêu vi

Tác nhân phổ biến gây viêm gan được biết đến là nước và các loại thực phẩm, vì chúng thường chứa các loại virus gây hại cho gan.


Ảnh minh họa: internet
Ashish Sharma, bás sĩ tư vấn nội khoa, BV Columbia Asia, Ghaziabad, chia sẻ một số thông tin về các thể khác nhau của chứng viêm gan cũng như các triệu chứng và vắc-xin liên quan:
Viêm gan siêu vi A: Đây là thể viêm gan ít gây hại nhất trong các thể viêm gan do siêu vi. Ô nhiễm thực phẩm và nước được biết là những lý do chính gây lây nhiễm căn bệnh này. Cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm gan siêu vi A là bạn phải cẩn thận trước các loại thực phẩm. Tránh tiêu thụ các loại thức ăn hoặc đồ uống không đóng gói hoặc không niêm phong.
Triệu chứng: viêm gan, chán ăn, vàng da, buồn nôn, nôn và sốt.
Vắc xin: Vắc-xin này có sẵn và có thể được tiêm phòng sau thời điểm một tuổi. Hai mũi tiêm liên tục sẽ được thực hiện cách nhau sáu tháng.
Loại vắc-xin này có thể bảo vệ gan của bạn ít nhất 20 năm.
Viêm gan siêu vi B: Thể viêm gan này có thể không được phát hiện trong nhiều thập kỷ trước khi gan bị tổn thương vĩnh viễn. Loại virus này thường được lây nhiễm qua đường máu, nước bọt, quan hệ tình dục không an toàn hoặc từ mẹ sang thai nhi.
Triệu chứng: đau dạ dày thường xuyên, phát ban và nước tiểu sẫm màu.
Vắc xin: Trẻ sơ sinh cần phải được tiêm phòng trong vòng 72 giờ sau sinh và ba mũi tiêm có thể được thực hiện vào thời điểm trẻ mới sinh, một và sáu tuổi. Thời gian bảo vệ gan sẽ kéo dài trong vòng 25 năm.
Viêm gan siêu vi C: Thể viêm gan này có thể không bị phát hiện trong vòng 20 năm kể từ khi bị nhiễm. Loại virus này vẫn chưa được chứng minh có thể được lây truyền qua đường tình dục, mà chủ yếu qua đường máu. Tình trạng xăm mình với kim không được khử trùng được biết là nguyên nhân phổ biến làm lây truyền virus gây viêm gan B và C.
Triệu chứng: Chán ăn, vàng da, buồn nôn, rối loạn giấc ngủ và trầm cảm.
Vắc-xin: chưa có.
Viêm gan siêu vi D: Những người đã bị nhiễm viêm gan siêu vi B cũng có thể bị nhiễm viêm gan siêu vi D.
Triệu chứng: Mệt mỏi, nôn, sốt, nước tiểu sẫm màu và phân có màu sáng.
Vắc-xin: Vắc-xin được sử dụng ngừa bệnh viêm gan siêu vi B cũng có thể được sử dụng trong trường hợp này.
Viêm gan siêu vi E: Loại siêu vi này có thể được lây truyền qua đường uống.
Triệu chứng: Vàng da, chán ăn và sụt cân, buồn nôn, gan to và nhạy cảm.
Vắc-xin: chưa có.



Theo Nguyễn Niệm - Phụ Nữ TP.HCM/Topnews

Ngăn chặn bệnh xơ gan

Xơ gan là bệnh mạn tính, tổn thương nặng lan tỏa ở các thùy gan tạo ra mô xơ, cấu trúc các tiểu thùy và mạch máu của gan bị hủy hoại không hồi phục.

Xơ gan - vì sao nên nỗi?
Bệnh xơ gan thường do nhiều yếu tố gây ra như viêm gan virut B, virut B bội nhiễm virut D, virut C; người nghiện rượu: uống nhiều rượu hàng ngày và kéo dài nhiều năm; xơ gan thứ phát do tắc mật không hoàn toàn kéo dài, do sỏi mật, dính hẹp ở ống gan, ống mật chủ, viêm đường mật tái phát; do dùng một số loại thuốc gây tổn thương gan như: oxyphenisatin, clopromazin, INH, rifampycin...; 
Do nhiễm các hóa chất độc hại gan: aflatoxin, dioxin, chất độc thảo mộc hại gan như cây có hạt thuộc họ Senecio và các alcaloit của nó...; do thiếu dinh dưỡng: quá thiếu chất đạm, thiếu vitamin, thiếu các chất hướng mỡ như cholin, lexithin...; do ký sinh trùng như sán máng, sán lá nhỏ...; do bệnh tắc tĩnh mạch gan và xơ gan không rõ nguyên nhân.
Ngăn chặn bệnh xơ gan 1
Tổn thương xơ gan.
Ngăn chặn bệnh xơ gan 2
Chẩn đoán hình ảnh xơ gan.
Ba thể bệnh khi bị xơ gan
Trên thực tế, bệnh xơ gan có biểu hiện ra 3 thể bệnh là: xơ gan tiềm tàng; xơ gan còn bù tốt và xơ gan tiến triển, mất bù.
Ở thể xơ gan tiềm tàng, mặc dù bệnh nhân có xơ gan nhưng không có triệu chứng gì, việc phát hiện bệnh chỉ là sự tình cờ như phẫu thuật bụng vì một bệnh khác thấy xơ gan; chẩn đoán hình ảnh một bệnh khác nhưng lại phát hiện được hình ảnh xơ gan...
Thể xơ gan còn bù tốt, bệnh nhân thường có các dấu hiệu sau: rối loạn tiêu hóa như ăn không tiêu, đầy bụng, trướng hơi; đau tức nhẹ vùng hạ sườn phải; chảy máu cam không rõ nguyên nhân; nước tiểu thường có màu vàng sẫm; suy giảm tình dục: nam thì liệt dương, nữ thì vô kinh và vô sinh; gan hơi to và chắc, lách to quá bờ sườn; có mao mạch ở lưng và ngực, hay nổi mẩn đỏ ở lòng bàn tay; lông ở nách, ở bộ phận sinh dục thưa thớt; móng tay khô trắng; nam giới: tinh hoàn teo nhẽo, vú to. 
Xét nghiệm thấy: albumin giảm, gama globulin tăng; men maclagan tăng trên 10 đơn vị; siêu âm thấy gan to, vang âm của nhu mô gan thô, không thuần nhất; soi ổ bụng và sinh thiết thấy tổn thương xơ gan. Thể bệnh này có thời gian ổn định trong nhiều năm, nhưng thường tiến triển nặng dần từng đợt, nhất là khi bị viêm nhiễm làm cho bệnh xơ gan trở thành mất bù hoặc biến chứng nặng.
Thể xơ gan mất bù, bệnh nhân có các triệu chứng: gầy sút nhiều, chân tay khẳng khiu, huyết áp thấp; bị rối loạn tiêu hóa thường xuyên, chán ăn, ăn không tiêu, đại tiện phân lỏng, phân sống; mệt mỏi thường xuyên, ít ngủ, giảm trí nhớ; chảy máu cam, chảy máu chân răng; da mặt xạm; có nhiều đám xuất huyết ở da bàn chân, bàn tay, vai, ngực; phù hai chân; có cổ trướng, tuần hoàn bàng hệ; lách to hơn bình thường, chắc. 
Xét nghiệm: albumin giảm, gamma globulin tăng cao; bilirubin máu, men transaminaza tăng trong các đợt tiến triển; hồng cầu, bạch cầu. tiểu cầu thường giảm; chụp và soi thấy giãn tĩnh mạch thực quản; siêu âm thấy trên mặt gan có nhiều nốt đậm âm, có hình ảnh giãn tĩnh mạch cửa, giãn tĩnh mạch lách...; nội soi ổ bụng thấy gan to, hoặc teo nhỏ, nhạt màu; trên mặt gan có những u nhỏ đều, hay to nhỏ không đều; lách to, có dịch ổ bụng.
Cần một chế độ chăm sóc và dinh dưỡng hợp lý
Bệnh nhân xơ gan cần chế độ ăn uống, nghỉ ngơi thích hợp: khi bệnh tiến triển có cổ trướng, cần được nghỉ ngơi tuyệt đối. Ăn uống đủ chất, hợp khẩu vị của bệnh nhân, phải đảm bảo đủ calo (2.500 - 3.000 calo/ngày); ăn nhiều đạm (100g/ngày); nhiều vitamin C, vitamin nhóm B; hạn chế ăn mỡ; bệnh nhân chỉ ăn nhạt khi có phù nề. 
Nếu có dấu hiệu hôn mê gan phải hạn chế lượng đạm trong khẩu phần ăn. Dùng thuốc cải thiện chuyển hóa tế bào gan và các nội tiết tố glucocorticoit; thuốc hỗ trợ chuyển hóa tế bào gan như vitamin C, B12, cyanidanol... Dùng phối hợp thuốc Nam như: nhân trần, actiso, tam thất... Điều trị cổ trướng: dùng thuốc lợi tiểu chống thải kali.
Lời khuyên của bác sĩ
Bệnh xơ gan nếu để tiến triển đến giai đoạn cuối, gan bị thoái hóa, tổn thương không hồi phục được, vì vậy việc phòng tránh bệnh xơ gan là vấn đề rất quan trọng. 
Mọi người có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn, loại trừ các nguyên nhân xơ gan như phòng viêm gan virut B và C bằng các biện pháp vệ sinh cá nhân thật tốt; tiêm phòng bệnh viêm gan virut B cho trẻ em và những người lớn chưa bị bệnh; phải làm tốt công tác vô khuẩn và khử khuẩn mỗi khi tiêm truyền, châm cứu; an toàn truyền máu. 
Sinh hoạt lành mạnh: hạn chế hoặc bỏ hẳn rượu, bia, bỏ hút thuốc lá. Hàng ngày ăn uống đủ chất: đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất. Phòng nhiễm các bệnh giun sán bằng cách thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn cá hay hải sản tái, sống hoặc chưa nấu chín kỹ, không ăn rau sống, không uống nước lã. Khi có bệnh gan mật cần điều trị tích cực.

Theo BS. Phạm Phú Vinh - Sức khỏe & Đời sống

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Bị sỏi thận có nguy cơ cao mắc sỏi mật

Nghiên cứu cho thấy những người bị sỏi thận sẽ có nguy cơ mắc sỏi mật và ngược lại.

Dữ liệu được phân tích trong nghiên cứu này được lấy từ 3 nghiên cứu dài hạn độc lập của các y tá và BS, những người đã hoàn thành bảng câu hỏi về sức khỏe và lối sống, rồi báo cáo lại khi có sự thay đổi về điều kiện y tế hai năm một lần. Tổng cộng, hơn 240.000 người được theo dõi, ở độ tuổi từ 14 đến 24.
 
Trong thời gian đó, đã có khoảng 5.100 ca sỏi thận mới được chẩn đoán và gần 18.500 trường hợp mới bị sỏi mật.
Tùy thuộc vào số lượng - nam hay nữ, già hay trẻ - những người có tiền sử sỏi mật sẽ có nguy cơ mắc sỏi thận cao hơn 26 đến 32% so với những người chưa từng bị sỏi mật.
Và cũng có sự liên hệ ngược lại. Những người từng bị sỏi thận tham gia nghiên cứu có nguy cơ nhiễm sỏi mật cao hơn 17 đến 51% so với những người mắc sỏi mới.
Số liệu trên đã loại bỏ các tác động của tuổi tác, bệnh tiểu đường, huyết áp cao, trọng lượng và các khía cạnh nhất định của chế độ ăn uống về nguy cơ đối với cả hai loại sỏi trên.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu Eric Taylor, Trung tâm Y tế Maine ở Portland cho biết có thể là do có sự thay đổi của các loại vi khuẩn đường ruột, bằng cách nào đó làm cho chúng ta bị cả hai loại sỏi thận và sỏi mật. Tuy nhiên, Taylor cho biết, “điều mà chúng tôi chỉ không biết là vì sao hai bệnh này có liên kết với nhau”.
Trong khi đó, TS Brian Matlaga, một BS tiết niệu trường ĐH Y khoa Johns Hopkins ở Baltimore, người không tham gia vào nghiên cứu này, cho rằng: “Từ quan điểm cá nhân, chắc chắn không phải phổ biến là một bệnh nhân có cả hai loại bệnh này. Đó là bởi vì sỏi trong thận và trong túi mật túi mật có dạng khác nhau, và được hình thành khác nhau - hầu hết sỏi thận là sỏi canxi và sỏi mật là sỏi cholesterol”.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đều tin rằng giá trị của nghiên cứu này ở chỗ sẽ giúp mọi người có cách để làm giảm nguy cơ sỏi mật và sỏi thận, ngay cả khi họ đã bị một trong hai loại bệnh này.
 
“Bạn có thể giảm thiểu những nguy cơ phổ biến bằng những việc như giảm cân và kiểm soát cholesterol”, ông nói.
Taylor đã đồng ý rằng những phát hiện này “nhấn mạnh tầm quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh và cân nặng phù hợp”. 

Theo Dân trí/Reuters

Biểu hiện của viêm đường mật

Biểu hiện của bệnh là những cơn sốt cao bất chợt, người rét run, vã mồ hôi. Đau hạ sườn phải, đau ngực, vai, đau bụng vùng gan gây buồn nôn, nôn…

Cháu năm nay 25 tuổi, đã từng bị giun chui ống mật cách đây 6 năm. Gần đây cháu hay bị đau bên sườn phải, đau bụng và da có dấu hiệu chuyển vàng. Không biết cháu mắc bệnh gì? Có phải đường mật của cháu lại gặp rắc rối? Xin bác sĩ tư vấn!

Dương Vũ Anh (Nghệ An)

Những gì cháu mô tả, lại thêm tiền sử đã bị giun chui ống mật thì rất có thể cháu bị viêm đường mật. Nguyên nhân gây viêm do vi khuẩn đường ruột, thường gặp là E.Coli, Enterobacter, Klebsiela, dị dạng đường mật, giun chui ống mật, do sỏi mật gây biến chứng viêm hay áp-xe. Nếu viêm đường mật không được điều trị sớm sẽ gây những biến chứng nặng như áp-xe gan, mật, hoại tử túi mật, nhiễm khuẩn huyết... 

Biểu hiện của bệnh là những cơn sốt cao bất chợt, người rét run, vã mồ hôi. Đau hạ sườn phải, đau ngực, vai, đau bụng vùng gan gây buồn nôn, nôn, khó đi đại tiện, ngứa toàn thân. Da và nước tiểu vàng. Chụp Xquang thấy bóng gan to, có khi thấy hơi trong đường mật. Xét nghiệm thấy tăng bilirubin kết hợp, bạch cầu tăng, nước tiểu có muối mật, siêu âm thấy thành túi mật dày... 

Khi bị viêm đường mật, ngoài việc dùng thuốc thì bệnh nhân phải có chế độ dinh dưỡng đặc biệt: nên kiêng mỡ động vật, tăng cường uống các loại nước nhân trần, actiso để nhuận gan lợi mật. Tốt nhất hãy tới bác sĩ để được tư vấn khi thấy có các dấu hiệu bất thường trên.


Theo BS. Hoàng Thanh Tuấn - Sức khỏe & Đời sống

Cách ăn uống để sỏi mật không to lên

Tôi bị sỏi mật, hiện tại chưa có biến chứng. Tôi nghe nói nếu không ăn uống hợp lý thì sỏi sẽ to nhanh và có thể phải cắt bỏ túi mật.

Vậy xin bác sĩ cho biết, bệnh sỏi mật phải ăn uống thế nào?
Trịnh Văn Tân (Thái Nguyên)
 
Ảnh minh họa - nguồn internet

Theo vị trí, sỏi mật được chia làm 2 nhóm chính: sỏi túi mật và sỏi đường mật. Tính chất của sỏi cũng chia làm 2 loại: sỏi sắc tố mật (chủ yếu là bilirubinat calci) và sỏi cholesterol. Sỏi cholesterol thường gắn với tình trạng béo phì, với chế độ ăn nhiều chất béo và cholesterol máu cao.
Để tránh ứ đọng mật và nhiễm khuẩn đường mật cần hạn chế các thức ăn gây táo bón (các thức ăn, đồ uống có nhiều tanin) vì táo bón tạo cơ hội cho vi khuẩn có hại ở đường ruột phát triển mạnh và dẫn đến viêm tá tràng, viêm túi mật và ống mật, làm cho mật dễ lắng đọng thành sỏi mật.
Để tránh bị sỏi cholesterol cần hạn chế các thức ăn có nhiều mỡ động vật và chứa nhiều cholesterol. Những thức ăn có nhiều cholesterol là các phủ tạng động vật như óc, tim, gan, lòng, bầu dục, lòng đỏ trứng gà...
AloBacsi.vn
Theo BS. Nguyễn Trường Sơn - Sức Khỏe & Đời sống

Có chữa khỏi gan nhiễm mỡ?

Từ trước tới nay, bố tôi uống nhiều rượu nhưng vẫn khỏe mạnh. Khoảng mấy tháng nay bố tôi hay bị mệt mỏi, da lại hơi vàng. Thấy vậy gia đình đã đưa cụ đi khám và bác sĩ kết luận là gan nhiễm mỡ. Bệnh gan nhiễm mỡ có chữa khỏi được không.
(Cao Ngọc Anh, ngocanh378@gmail.com)
Chào bạn, 
Gan nhiễm mỡ chia làm 2 nhóm: gan nhiễm mỡ do rượu và không do rượu.
Gan nhiễm mỡ do rượu: người uống hơn 60g cồn mỗi ngày, dù chỉ uống trong một thời gian ngắn đều có thể bị gan nhiễm mỡ.
Gan nhiễm mỡ không do rượu: gặp chủ yếu là bị bệnh đái tháo đường hoặc mỡ máu cao. Biểu hiện bệnh: thường gan nhiễm mỡ không gây ra triệu chứng gì, chỉ khi bệnh trầm trọng mới có một số dấu hiệu: người mệt mỏi, yếu ớt, khó chịu, buồn nôn, bụng nôn nao khó chịu; gan to; số ít người có thể bị vàng da. Nếu hệ thống miễn dịch hoạt động loại bỏ những tế bào gan hư hỏng này, bạch cầu sẽ gây ra viêm gan, lâu ngày sẽ đưa đến xơ gan.
Điều trị: quan trọng nhất là cai rượu, bố bạn phải ngừng uống rượu bia càng sớm càng tốt, nhất là khi gan chưa bị xơ chai. Dùng thuốc giải độc cho gan, giảm mỡ máu, thuốc chữa bệnh đái tháo đường.
Phòng bệnh: tránh thừa cân, béo phì; ăn ít chất béo động vật như thịt mỡ, mỡ của lợn, bò, gà... và ăn tăng chất xơ như rau, trái cây, ngũ cốc. Tập thể dục đều đặn hàng ngày. Hạn chế uống rượu bia.

Theo BS. Nguyễn Bằng Việt - Sức khỏe & Đời sống

“gan bị nhám” là sao?

Trước đây em có bị đau bụng nên đi siêu âm thì bác sĩ bảo gan em bị nhám, không láng như người bình thường.

Chào bác sĩ! Trước đây em có bị đau bụng nên đi siêu âm thì bác sĩ bảo gan em bị nhám, không láng như người bình thường, uống thuốc sẽ hết. Em không hút thuốc, không uống rượu bia nhưng uống thuốc vẫn không thấy hết, da mặt hay nổi mụn rất nhiều. Xin hỏi bác sĩ gan bị nhám không trơn láng là do nguyên nhân gì và em nên uống thuốc gì để hết ạ?
(Trần Trang - Biên Hòa)
Chào em Trang,

Khi siêu âm, BS siêu âm thường dùng những từ có tính chất chuyên môn (Ví dụ: độ hồi âm của gan không như qui định mà hơi "thô", bề mặt gan trơn láng hay không, bờ gan có liền liên tục hay gồ ghề...)
 Thông thường thuật ngữ "gan thô" hay dùng chỉ gan của 1 số bệnh nhân có lượng mỡ trong máu cao hơn bình thường, hay ở những người uống rượu bia nhiều... Nhưng để chẩn đoán chính xác bệnh cần phải làm các xét nghiệm máu khác có liên quan.
 Em không cho BS biết em bao nhiêu tuổi? Có các bệnh lý mạn tính trước đây không? Và em đã làm các xét nghiệm gì khác, ngoài siêu âm bụng? Em đã được tầm soát viêm gan siêu vi B chưa? Ngoài ra em có các biểu hiện gì khác thường không: ví dụ vàng mắt vàng da, ăn chậm tiêu, buồn nôn, đi cầu phân không bình thường....
Tóm lại, kết luận gan thô nhám trên siêu âm chỉ có tính chất mô tả, cùng với các xét nghiệm khác hỗ trợ cho chẩn đoán chứ không thể dựa vào đó mà chẩn đoán bệnh được, ngoài ra kết quả siêu âm còn tùy thuộc vào máy siêu âm (loại máy, độ phân giải của màn hình...), kinh nghiệm của BS làm siêu âm...
 Tóm lại qua các thông tin em cung cấp, BS nghĩ em nên khám chuyên khoa Da liễu và chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật, chẩn đoán đúng bệnh, uống thuốc và thay đổi lối sống thì mặt sẽ giảm mụn liền à!
Chào em!

BS-CK1 Bùi Thường Hương Thy

Viêm gan B điều trị như thế nào?

Kết quả xét nghiệm viêm gan B của em là CSBT/Ngưỡng  QT/PPXN  HBsAg dương tính 175.59 [ s/co<1.0 ]. Bệnh của em ở giai đoạn nào, nên điều trị ở đâu? (Trường).

0-virus-B-1375065973_500x0.jpg
Chào bạn,
Với kết quả xét nghiệm như trên, chỉ mới có thể nói rằng bạn bị nhiễm siêu vi viêm gan B (gọi tắt là siêu vi B). Đến nay, người ta đã biết ít nhất 6 siêu vi gây bệnh viêm gan, đặt tên A, B, C, D, E, G. Thường gặp nhất ở nước ta hiện nay là viêm gan do siêu vi B và C.
Siêu vi B sau khi xâm nhập vào cơ thể người sẽ đến gan và qua một thời gian mới làm tổn thương tế bào gan gây ra bệnh viêm gan siêu vi B. Thời gian đó ngắn hay dài tùy vào sự đáp ứng miễn dịch bảo vệ của cơ thể người đối với siêu vi. Trong giai đoạn này, gan chưa bị tổn thương và dùng thuốc điều trị cũng không giúp ích cho việc kiểm soát hay thải trừ siêu vi bằng chính đáp ứng bảo vệ đang có của cơ thể.
Có những trường hợp đáp ứng bảo vệ đó ổn định, bền vững, kéo dài nên người nhiễm siêu vi vẫn không phát bệnh và có thể "chung sống hòa bình" với siêu vi B suốt đời. Vì vậy, những trường hợp nhiễm siêu vi B nhưng gan chưa bị viêm thì chỉ theo dõi thôi chứ chưa điều trị thuốc kháng siêu vi đặc hiệu.
Vấn đề hiện nay của bạn là phải xác định rõ siêu vi B đã làm cho gan tổn thương hay chưa. Nếu có thì mới tính đến việc điều trị, còn ngược lại sẽ tiếp tục theo dõi. Để làm rõ điều này, bạn nên đến khám ở các bác sĩ chuyên khoa viêm gan. Sau khi thăm khám và dựa vào kết quả các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và quyết định liệu pháp điều trị hay tiếp tục theo dõi phù hợp với tình trạng của bạn.

Theo TS.BS Lê Mạnh Hùng - VnExpress

Nhiễm virut viêm gan B: Khi nào cần điều trị?

Nếu bạn cầm trên tay kết quả xét nghiệm HbsAg dương tính thì bạn sẽ hỏi: Vậy tôi có phải dùng thuốc điều trị viêm gan B không.

Khi nào thì cần dùng thuốc?
Thực tế, người bị nhiễm virut viêm gan B (có HBsAg dương tính - HBsAg (+) thường lo lắng về tình trạng bệnh và băn khoăn không biết nên dùng thuốc hay không. Nếu dùng thì dùng như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, bạn hãy xem 4 trường hợp được phân tích sau đây:
- Trường hợp thứ nhất có kháng nguyên bề mặt HBsAg (+), nếu có kháng nguyên lõi HBeAg (+) điều này chứng tỏ virut đang nhân lên và có dấu hiệu lâm sàng viêm gan B rõ (vàng mắt, vàng da, mệt mỏi chán ăn; enzym gan ALT-alanin aminotranferase tăng gấp 2 lần trở lên). Đây là trường hợp cần phải dùng thuốc.
- Với trường hợp có kháng nguyên bề mặt HBsAg (+) nhưng nếu kháng nguyên lõi HBeAg (-), điều này chứng tỏ không có dấu hiệu nhân lên của hiệu virut, không có dấu hiệu lâm sàng rõ. Đây là trường hợp người lành mang mầm bệnh, không cần dùng thuốc.
- Ở trường hợp có kháng nguyên bề mặt HBsAg (+) và HBeAg (+) chứng tỏ virut đang nhân lên, nhưng không có dấu hiệu lâm sàng. Đây là trường hợp người "dung nạp được miễn dịch" cũng chưa cần dùng thuốc. Nhưng trường hợp này có nguy cơ cao, virut có thể tái kích hoạt gây bệnh nên cần theo dõi, nếu thấy xuất hiện các biểu hiện lâm sàng thì khám ngay để kịp thời dùng thuốc.
- Trường hợp thứ tư có kháng nguyên bề mặt HBsAg (+) và HBeAg (-) chứng tỏ không có dấu hiệu virut đang nhân lên, nhưng lại có dấu hiệu lâm sàng. 
Đây là trường hợp người bệnh đã từng bị viêm gan B mạn, virut từng kích hoạt âm thầm, sau đó ngừng kích hoạt gọi là người viêm gan B không hoạt tính. Trường hợp này chưa cần dùng thuốc kháng virut. Tuy nhiên phải theo dõi chặt chẽ: khám lâm sàng, có thể dùng thuốc hỗ trợ giảm men gan và giảm triệu chứng, xét nghiệm định kỳ, khi cần thiết phải can thiệp ngay.
Nhiễm virut viêm gan B Khi nào cần điều trị? 1
Hình ảnh virut viêm gan B.
Lựa chọn thuốc
Các thuốc được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) công nhận cho điều trị viêm gan B được phân thành 2 nhóm, điều trị interferon alfa chuẩn và điều trị bằng các nucleoside uống:
Interferons: interferon alfa-2b, peginterferon alfa-2a
Nucleoside: adefovir, entecavir, lamivudine, telbivudine.
Hiện nay, các tiêu chuẩn lựa chọn thuốc nào để sử dụng cho những bệnh nhân viêm gan B mạn nên tập trung vào việc đạt được sự ức chế virut nhanh chóng, mạnh mẽ với ít nguy cơ đề kháng. Với các tiêu chí được quan tâm này thì lamivudine đơn trị liệu nên tránh dùng như là một chế độ điều trị đầu tiên.
Hai thuốc uống được liệt kê như là những lựa chọn ưu tiên đầu tiên cho cả bệnh nhân HBeAg (+) và HBeAg (-) là entecavir và adefovir. Tenofovir đem lại một tỉ lệ ức chế virut cao hơn nhiều so với adefovir.
Telbivudine không được khuyến cáo như là một loại thuốc đầu tiên, có hoạt tính chống virut tiềm năng với liều đã được phê duyệt là 600mg/ngày và ít nguy cơ đề kháng. Nếu telbivudine được chọn là liệu pháp ban đầu, lượng virut kiểm tra bằng kỹ thuật HBV DNA nên được theo dõi cẩn thận và nên có sự cân nhắc kỹ về việc thay đổi kế hoạch điều trị.

Theo BS. Hoa Tấn Dũng - Sức khỏe & Đời sống

Dùng cao hổ cốt có ảnh hưởng đến gan?

Cháu bị viêm gan B đã 4 năm, đi xét nghiệm HbsAg và HbeAg đều dương tính. 2 tháng nay cháu có ăn cao hổ cốt.

Chào bác sĩ, 

Cháu bị viêm gan B 4 năm nay, đi xét nghiệm HbsAg và HbeAg đều dương tính. Chỉ số men gan: 

-  : SGOT: 41 SGPT: 50 GGT: 21 - Ngày 30/10/2012: SGOT : 43, SGPT: 63, GGT: 21 

- khoảng 5 tháng sau thì KQ: SGOT: 63 SGPT : 73 GGT 65 Hiện tại, cháu không uống thuốc kháng virut mà chỉ uống thực phẩm chức năng Giải độc gan (Thành phần 250mg cà gai leo và 250mg bách mật). 

BS cho cháu hỏi, vì sao chỉ số men gan tăng đột biến, đặc biệt là chỉ số GGT? 2 tháng trở lại đây cháu có ăn thêm cao hổ cốt. Vậy cao hổ cốt có ảnh hưởng đến gan không? Mong BS tư vấn giúp cháu. Chúc BS khỏe mạnh! 


(Tran Hang - hang…@gmail.com)
Chào em,
Em bị viêm gan siêu vi B HbeAg (+), phải dùng thuốc kháng virut đến lúc xét nghiệm lại HbeAg (-) thì mới ngưng dùng em ơi.
Thực phẩm chức năng chỉ hỗ trợ điều trị, không phải là thuốc kháng virut. Các chỉ số men gan của em tăng không nhiều lắm, riêng chỉ số GGT dùng để đánh giá tình trạng tăng men gan do thuốc, rượu, hóa chất,…
Cao hổ cốt có tác dụng bổ can thận, mạnh gân cốt nên những người lớn tuổi thường dùng khi đau nhức xương khớp, chân tay yếu, đi lại khó khăn. Hơn nữa gan là một nhà máy lọc hóa chất của cơ thể, nó đang hoạt động không tốt thì tốt nhất những cái không liên quan đó em đừng dùng.
Em nên đi khám và xét nghiệm lại để điều trị cho triệt để nhé.
Thân mến!

 BS Võ Thanh Sơn

Tôi không uống rượu bia nhưng sao chỉ số men gan GGT lại tăng cao?

Tôi bị viêm gan B hiện đang điều trị bằng thuốc kháng virus. Vừa rồi xét nghiệm chỉ số GGT cao, không biết là tại sao?

Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi, 

Tôi bị viêm gan B hiện đang điều trị bằng thuốc kháng virut. Tôi vẫn uống thuốc đều đặn và xét nghiệm chức năng gan định kì các chỉ số men gan tháng truớc GOT: 33, GPT: 49, GGT: 100. 
Cuối tháng 6 kết quả GOT: 12, GPT: 21, GGT: 88. 

Tôi không uống rượu bia, không biết chỉ số GGT cao vì nguyên nhân gì? 4 tháng nay tôi rất mệt đi khám, xét nghiệm các chỉ số đều nằm trong giới hạn bình thường. Liệu có phải tôi mệt do nguyên nhân đó không? Kính mong chuyên mục cho tôi biết và phải làm thế nào?

 Tôi xin cám ơn!

 (Nguyễn Nam, 30 tuổi)

Chào Nguyễn Nam,

Xét nghiệm của bạn về virus như HbsAg,HbeAg, Anti HbeAg, RNAHBV và siêu âm gan ra sao, bạn chưa cung cấp đủ.

GGT là một loại men gan, khi tăng cao có ý nghĩa là tế bào gan bị tổn thương. Thường tăng cao trong trường hợp tổn thương gan do bia rượu và trong các bệnh gan mạn. Một mình GGT thì không có giá trị đặc hiệu.

Thuốc kháng virus một số loại có thể có một số tác dụng phụ như mệt mỏi, sốt nhẹ. Bạn đã điều trị thuốc được bao lâu rồi? và dùng thuốc loại gì? Triệu chứng mệt rất mơ hồ và có thể gặp trong tất cả các bệnh. Bạn thấy mệt khi nào? hay mệt cả ngày?

Tốt nhất bạn nên tái khám để được tư vấn tại BS đang điều trị cho bạn vì chỉ có BS này nắm rõ bệnh của bạn nhiều nhất và tùy theo nguyên nhân sẽ có điều trị cụ thể cho bạn.

Chúc bạn mau bình phục. Thân ái chào bạn!

BS-CK1 Hoàng Bích Hồng

Gan nhiễm mỡ, không nên uống nước lá sen

Tôi 43 tuổi, xét nghiệm bị gan và máu nhiễm mỡ, đang uống nước lá sen. Xin hỏi bác sĩ tôi cần uống thuốc và nên kiêng ăn những thức ăn gì? (Đình Tùng).

Người bị gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ không nên dùng nước lá sen trị bệnh. Ảnh minh họa: static
Người bị gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ không nên dùng nước lá sen trị bệnh. Ảnh minh họa: static

Với người bị viêm gan nhiễm mỡ và đồng thời tăng mỡ máu thì hai thứ cần tránh xa là rượu bia và thuốc lá, vì độc chất trong hai món này phá hoại nhu mô gan, khiến việc điều trị không hiệu quả.
Trong chế độ dinh dưỡng chỉ cần tránh các món trước đây đã gây dị ứng. Bệnh nhân cần đạm, đường và chất béo để gan có thể phục hồi. Điểm đáng nói qua câu hỏi của anh là việc uống nước lá sen.
Hiện nay với đầy đủ thuốc trị viêm gan, thuốc hạ mỡ máu đã được kiểm nghiệm qua lâm sàng, hóa chất tổng hợp cũng có, hoạt chất thiên nhiên cũng có thì việc áp dụng phương pháp nhiều rủi ro này là không nên. Trong lá sen, bên cạnh hoạt chất an thần có cả độc chất phả hủy tế bào gan nếu dùng sai liều lượng hay chế biến không đúng cách.

Theo BS Lương Lễ Hoàng - VnExpress

Gan nhiễm mỡ - Phải chặn từ gốc

Gan nhiễm mỡ là khi lượng mỡ trong gan lớn hơn 5% trọng lượng của gan và trong các tế bào gan chứa các không bào mỡ.

Phát hiện gan nhiễm mỡ có dễ?
Có 4 cơ chế chính gây ra sự tích tụ mỡ trong tế bào gan, đó là do chế độ ăn uống quá nhiều dầu mỡ hoặc các acid béo, đặc biệt là mỡ động vật bão hòa hoặc tăng sự phân phối mỡ đến tế bào gan, do tăng sự tổng hợp acid béo ở ty lạp thể hoặc giảm quá trình ôxy hóa mỡ trong tế bào gan; do giảm sự bài xuất tế bào mỡ ra khỏi tế bào gan và do sự tăng vận chuyển carbonhydrat đến gan quá nhiều.
Gan nhiễm mỡ - Phải chặn từ gốc 1
Các nguyên nhân chính gây ra gan nhiễm mỡ trước hết phải kể đến là do rượu, 90% đàn ông uống rượu nhiều đều gây ra gan nhiễm mỡ và lâu dài dẫn đến xơ gan, nhóm nguyên nhân thứ hai là béo phì, đây là nguyên nhân gan nhiễm mỡ thường gặp ở các nước phương Tây nhưng hiện tại cũng đang có chiều hướng gia tăng ở Việt nam. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như đái tháo đường typ 2, do thuốc hoặc sử dụng quá nhiều đường, trong viêm gan virut Cgiai đoạn đầu...
Triệu chứng lâm sàng của gan nhiễm mỡ nghèo nàn, phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, chẩn đoán thường dựa vào siêu âm và để chẩn đoán chính xác phải dựa vào sinh thiết gan. Trên siêu âm, thường chia gan nhiễm mỡ làm 3 độ:
Gan nhiễm mỡ độ 1: gia tăng nhẹ độ hồi âm lan tỏa của nhu mô, mức độ hút âm chưa đáng kể, vẫn còn xác định được cơ hoành và đường bờ các tĩnh mạch trong gan; 
Gan nhiễm mỡ độ 2: gia tăng độ hồi âm lan tỏa của nhu mô, khả năng xác định được cơ hoành và đường bờ các tĩnh mạch trong gan bị giảm nhiều; 
Gan nhiễm mỡ độ 3: gia tăng rõ rệt độ hồi âm lan tỏa của nhu mô, mức độ hút âm tăng mạnh đến mức khó xác định được cơ hoành và đường bờ các tĩnh mạch trong gan.
Các thuốc gây nhiễm mỡ cho gan
Nhiều thuốc có thể gây nhiễm mỡ cho gan nếu không được sử dụng đúng chỉ định hoặc sử dụng liều cao kéo dài, sau đây là một số thuốc chủ yếu gây nên bệnh lý này:
Nhóm glucocorticoid (prednisolon, dexamethason...): tác động này phần lớn xuất hiện ở trẻ em, nguyên nhân chính gây ra gan nhiễm mỡ có thể là do tăng giải phóng acid béo từ các mô mỡ, tác dụng này có thể hồi phục nếu ngưng sử dụng thuốc.
Amiodarone: là một thuốc chữa loạn nhịp tim, việc dùng thuốc này thường gây ra tăng men gan, dùng thuốc kéo dài có thể gây ra gan nhiễm mỡ giọt lớn và những biến đổi bệnh lý gần giống như viêm gan do rượu. Khi có dấu hiệu tổn thương gan tốt nhất nên dừng thuốc.
Acid valproic: là một thuốc chống co giật, ít khi gây ra gan nhiễm mỡ dạng giọt nhỏ, thường là kết hợp với hoại tử gan đặc biệt là ở trẻ em. Những bất thường ở gan thường xảy ra từ vài tháng sau khi sử dụng thuốc.
Ngoài ra còn nhiều thuốc khác có thể gây nhiễm mỡ ở gan như methotrexat (thuốc ức chế miễn dịch dùng trong điều trị ung thư), estrogen (thường dùng trong ngừa thai), perhexilin (thuốc trị cơn đau thắt ngực) và tất cả các thuốc gây độc cho tế bào gan như thuốc kháng virut, thuốc chống lao, thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc kháng giáp tổng hợp...
Nhiều giải pháp chữa trị và dự phòng
Nói chung về điều trị gan nhiễm mỡ chủ yếu là dự phòng và làm giảm nguy cơ gây ra gan nhiễm mỡ, dựa vào yếu tố thường gặp ở Việt Nam là do rượu và do tăng mỡ máu; vì vậy trước hết cần tránh uống rượu bia nhiều, hạn chế ăn nhiều đường và mỡ, tập thể dục thường xuyên, tránh các thuốc gây độc cho gan và điều trị theo nguyên nhân gây ra bệnh gan nhiễm mỡ.
Điều trị viêm gan virut nếu có.
Nếu có bệnh lý rối loạn lipid máu thì sử dụng các thuốc chống tăng mỡ máu như nhóm fibrat (lypanthyl, lipavlon), nhóm lovastatin hoặc simvastatin, vitamin E liều cao, cũng có tác dụng góp phần làm giảm tình trạng gan nhiễm mỡ.
Nếu có bệnh lý đái tháo đường, cần tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn, chế độ sinh hoạt, làm việc và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Tùy theo tình trạng nhiễm mỡ, tùy theo điều kiện kinh tế của bệnh nhân mà có thể cân nhắc sử dụng các loại thuốc chống thoái hóa mỡ ở gan như livolin H, methionin hay silimarin.
Và điều cuối cùng, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, nhất là các thuốc có khả năng gây độc cho gan nói chung và khả năng gây nên bệnh lý gan nhiễm mỡ nói riêng, như đã trình bày ở trên, người bệnh cần có ý kiến của bác sĩ để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Theo ThS. Nguyễn Thu Hiền - Sức khỏe & Đời sống

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Nguy cơ do nhiễm khuẩn đường mật

Nhiễm khuẩn đường mật là tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại đường dẫn mật trong gan hoặc ngoài gan.

Bệnh hay gặp ở độ tuổi 20 - 40 tuổi, nữ gặp nhiều hơn nam 2,4 lần, ở người có tiền sử giun chui ống mật, người có sỏi mật. Bệnh gây các biến chứng rất nặng như: viêm gan, áp-xe đường mật, ung thư đường mật, vỡ túi mật, hoại tử túi mật, sốc mật, nhiễm khuẩn máu, viêm thận, suy thận…

Vì sao bị nhiễm khuẩn đường mật?

Có hai nguyên nhân gây viêm đường dẫn mật(VĐDM) là do vi khuẩn hoặc không do vi khuẩn. Vi khuẩn thường gây VĐDM là: Coli chiếm 70 - 80%; trực khuẩn, thương hàn, liên cầu, tạp khuẩn... Không do vi khuẩn là các yếu tố thuận lợi gây tắc cơ giới đường mật từ đó gây ứ mật, viêm nhiễm như: sỏi mật, khối u lành hay ác tính của bóng Vater, dị dạng đường mật, do giun chui ống mật gây tắc và viêm.

Nhận dạng bệnh thế nào?

Người bị VĐDM có thể thấy các triệu chứng như: đau dữ dội dưới  sườn bên phải (91,33%), đau  lan lên ngực, lên vai phải. Có khi vừa đau dưới sườn phải vừa đau vùng thượng vị. Sốt (81,66%), sốt bất chợt, thân nhiệt lên 39 - 40 oC, có những cơn rét run vã mồ hôi, sốt không theo một quy luật nào. 

Vàng da (25,66%), da vàng, niêm mạc mắt cũng vàng, nước tiểu vàng (98,33%), vàng da xuất hiện từng đợt, khi vàng da bệnh nhân vẫn sốt. Ba triệu chứng: đau, sốt, vàng da gọi là tam chứng Charcot. 

Bệnh nhân cảm thấy rất mệt mỏi, ăn không tiêu, ngứa toàn thân. Khám thấy gan to mấp mé bờ sườn phải, ấn vào đau. Ấn điểm túi mật bệnh nhân rất đau hoặc dấu hiệu Murphy dương tính. Mạch chậm khoảng 60 nhịp/phút.

Phim Xquang chụp thấy sỏi đường mật làm tắc mật
 gây viêm đường dẫn mật.

Bệnh cần phân biệt với các bệnh khác là: sốt rét, sốt có chu kỳ, không vàng da, bạch cầu không tăng, tìm được ký sinh trùng sốt rét. Huyết tán có các triệu chứng: thiếu máu, vàng da, lách to, phân vàng, nước tiểu vàng. 

Viêm gan mạn đợt cấp: gan to ấn thấy mật độ chắc nhẵn, có hội chứng suy gan, cần sinh thiết để chẩn đoán xác định. Viêm gan do virut: sốt, đau, vàng da nhưng khi vàng da hết sốt, bạch cầu giảm, các men SGOT, SGPT tăng cao.

Các biến chứng có thể gặp

VĐDM có thể gây ra các biến chứng cấp tính sau: túi mật căng to dọa vỡ, bệnh nhân có sốt cao, đau dữ dội vùng hạ sườn phải, sờ túi mật căng to rất đau, khi đó phải mổ cấp cứu dẫn lưu túi mật. 

Hoại tử túi mật: tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tăng nặng; điểm túi mật đau; có thể bị trụy tim mạch. Thấm mật phúc mạc, bệnh nhân bị sốt cao, vàng da rõ, phản ứng co cứng thành bụng, mạch nhanh, huyết áp tụt. 

Chảy máu đường mật: bệnh nhân có đau sốt vàng da, nôn ra máu, cục máu có hình dài nâu như ruột bút chì. 

Shock mật: sốt cao, vàng da đậm, mạch nhanh, huyết áp tụt rất thấp, thiểu niệu, vô niệu, toàn trạng suy sụp nhanh chóng. Nhiễm khuẩn máu: sốt cao rét run nhiều, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt, cấy máu thấy vi khuẩn mọc, bệnh nhân bị trướng bụng, vô niệu.

Bệnh còn gây các biến chứng mạn tính gồm: áp-xe đường mật, gan to và đau, trên mặt gan có nhiều ổ áp-xe nhỏ. Viêm gan, mật, ung thư đường mật, :viêm thận, suy thận với các triệu chứng: đái ít, nước tiểu có trụ hạt, có hồng cầu, bạch cầu, albumin, phù mặt, urê máu tăng, creatinin tăng...

Chữa trị bệnh ra sao?

Khối u đường mật làm tắc mật, ứ mật ở gan
 và túi mật gây viêm đường dẫn mật.

Bệnh nhân cần phải ăn kiêng mỡ, nhất là mỡ động vật. Nên uống các loại thuốc nam như nước nhân trần, actisô. Nếu do nhiễm khuẩn dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ là tốt nhất.

Bệnh viêm do sỏi: Nếu sỏi nhỏ dưới 2cm, túi mật còn hoạt động, có thể dùng thuốc tan sỏi.

Thuốc điều trị triệu chứng: Giãn cơ trơn, giảm đau dùng papaverin, spasmaverin, meteospamyl; thuốc lợi mật dùng sorbitol, actisô như chophytol, phytol.

Phẫu thuật điều trị trong các trường hợp: viêm đường mật do sỏi, viêm đường mật có biến chứng.         


  Theo ThS. Bùi Quỳnh Nga - Sức khỏe & Đời sống

Sỏi mật: Hiểm ác khôn lường

Sỏi mật dễ gây những biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong như: sốc nhiễm trùng, hoại tử...

Sỏi mật là sự kết tụ thành khối rắn của các thành phần dịch mật, tạo nên một hoặc nhiều viên giống như viên sỏi, nằm trong lòng hệ mật. 

Tùy vị trí, có hai loại sỏi là sỏi túi mật và sỏi đường mật.

Sỏi túi mật có thể rơi xuống ống mật chủ, biến thành sỏi đường mật (gọi là thứ phát) nhưng không có chiều ngược lại. 

Sỏi túi mật và sỏi đường mật khác nhau từ nguyên nhân, chất tạo sỏi, cho đến triệu chứng và cách điều trị.
 
Siêu âm là phương pháp phổ biến và khá hiệu quả trong việc xác định bạn có bị sỏi mật hay không. 

Sỏi túi mật có thể gây ung thư

Triệu chứng điển hình của sỏi túi mật là những cơn đau dữ dội vùng dưới sườn phải kèm nôn ói. Đau có thể tự giảm trong vài giờ. Nếu kéo dài sẽ gây viêm túi mật cấp làm cho bệnh nhân sốt, đau bụng lan rộng, có khi nhiễm trùng nặng gây sốc và các biến chứng nặng nề. Sau nhiều đợt đau, túi mật viêm nhiễm kéo dài trở nên viêm mạn tính. Một số ít trường hợp có thể gây ung thư.

Chẩn đoán sỏi túi mật thường dễ dàng và chính xác. Đa số trường hợp chỉ cần siêu âm là thấy sỏi và các biến đổi bệnh học của túi mật như thành dày, teo nhỏ hay căng to, u... Biến chứng thường gặp là viêm túi mật cấp gây hoại tử và thủng túi mật, có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Các biến chứng khác gồm dò mật - ruột, tắc ruột do sỏi mật, sỏi rơi xuống ống mật chủ gây viêm đường mật, viêm tụy cấp.

Trước đây có nhiều phương pháp điều trị như dùng thuốc tan sỏi, lấy sỏi để lại túi mật (phẫu thuật lấy sỏi, tán sỏi ngoài cơ thể...), phẫu thuật cắt túi mật.

Hiện phương pháp điều trị được ưa chuộng trên thế giới là phẫu thuật nội soi cắt túi mật. Sau phẫu thuật bệnh nhân bình phục nhanh, ít đau, chỉ cần nằm viện 1 - 2 ngày, không tái phát bệnh, không ảnh hưởng nhiều đến chức năng tiêu hoá, không di hại sức khoẻ về sau.



Sỏi đường mật dễ bị biến chứng nặng

Một số biện pháp được xem như có khả năng giảm thiểu nguy cơ tái phát sỏi đường mật: tránh nhiễm giun đường ruột (ăn uống vệ sinh, đặc biệt lưu ý khi dùng rau xanh phải rửa đúng cách.
 
Xổ giun định kỳ mỗi 6 tháng); dinh dưỡng đầy đủ (khẩu phần ăn cân đối các nhóm chất, ăn điều độ, không nhịn ăn bỏ bữa); điều trị rối loạn lipid máu nếu có; tăng cường vận động thể dục, thể thao…

Nguyên nhân sinh sỏi liên quan các yếu tố như nhiễm giun đường ruột (đặc biệt giun đũa từ ruột chui lên đường mật), dinh dưỡng kém, do yếu tố cơ thể bệnh nhân (hẹp đường mật, nang đường mật, bệnh hồng cầu dễ vỡ)... Một số trường hợp sỏi chưa gây triệu chứng, phát hiện tình cờ qua siêu âm bụng.

Triệu chứng điển hình là đau dưới sườn phải, sốt rét run và vàng da. Tình trạng này gọi là nhiễm trùng đường mật. Nhiễm trùng đường mật dễ diễn biến nặng thành sốc nhiễm trùng với tỷ lệ tử vong rất cao.

Chẩn đoán sỏi đường mật thường dựa vào siêu âm. Tuy nhiên độ chính xác kém hơn so với chẩn đoán sỏi túi mật. Do đó, một số trường hợp, bác sĩ phải sử dụng chụp X-quang đường mật, chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ.

Sỏi đường mật dễ gây những biến chứng rất nặng dẫn đến tử vong như sốc nhiễm trùng, viêm phúc mạc mật, áp xe gan, suy gan - suy thận, viêm tuỵ cấp...

Điều trị chỉ có cách lấy hết sỏi. Sỏi đường mật rất dễ tái phát. Hiện nay mặc dù có nhiều tiến bộ trong điều trị nhưng y học thế giới cũng chỉ đạt được ở mức lấy hết sỏi chứ chưa chống tái phát sỏi có hiệu quả.

Phương pháp phẫu thuật: phẫu thuật mở hoặc phẫu thuật nội soi mở ống mật lấy sỏi, cắt gan phần chứa sỏi, lấy sỏi rồi nối mật - ruột. Ngoài việc lấy hết sỏi, nhiều trường hợp còn phải thực hiện các biện pháp điều trị hẹp đường mật rất phức tạp.

Phương pháp không phẫu thuật: nội soi lấy sỏi qua đường miệng, nội soi lấy sỏi xuyên qua da.


Theo TS.BS Đặng Tâm- Sài Gòn Tiếp Thị

Các triệu chứng báo hiệu sỏi mật


Các triệu chứng đau vùng trên bên phải hoặc vùng trên giữa bụng, đau lan ra sau lưng... là một trong những biểu hiện của sỏi mật

Sỏi mật là sỏi với các kích cỡ khác nhau được hình thành trong túi mật, và thành phần thường gồm cholesterol hoặc bilirubin dư thừa trong mật. 

Một số sỏi mật không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, trong khi một số sỏi khác lại gây đau đáng kể cho bệnh nhân.



Theo Thư viện y học Quốc gia Mỹ, có một số dấu hiệu cảnh báo sỏi mật, bao gồm: đau xuất hiện ở vùng trên bên phải hoặc vùng trên giữa bụng. 

Đau có thể xuất hiện rồi thuyên giảm, và đặc biệt có thể thấy rõ sau khi ăn; đau có thể lan ra sau lưng hoặc đau từ dưới lan lên vùng xương bả vai phải; có thể có cảm giác đau mơ hồ, đau cứng bụng hoặc đau nhói; đau thường đi kèm với sốt hoặc vàng da (vàng mắt và vàng da); có thể buồn nôn hoặc nôn; có thể đi đại tiện ra phân màu đất sét.

Sỏi mật, dùng thuốc gì?

Sỏi mật có thể ở đường dẫn mật trong gan nơi giao nhau giữa ống dẫn mật và túi mật hoặc ở ống mật chủ hoặc túi mật.

Phân loại

Sỏi mật có nhiều loại:

Sỏi cholesterol: Tạo thành khi có rối loạn về cholesterol, acid mật, lecithin (như gia tăng dị hóa cholesterol gan, ăn nhiều thức ăn giàu cholesterol, giảm biến đổi cholesterol thành acid mật). Có nhiều yếu tố thúc đẩy sự hình thành sỏi: tuổi, giới (nữ gấp 3 lần nam), chủng tộc, gia đình, bệnh tật (béo phì), thuốc (ngừa thai, hạ mỡ máu) ăn uống (quá thừa năng lượng).

Sỏi sắc tố mật: Tạo thành khi nồng độ bilirubin không liên hợp trong mật gia tăng. Đây là trường hợp huyết tán trong xơ gan. Sỏi có màu đen. Hoặc hình thành do hậu quả của giun chui ống mật hay nhiễm khuẩn đường ruột. Sỏi có màu nâu.

Sỏi muối mật: Tạo thành do kết tinh muối mật. Có màu đỏ, dễ kết hợp với calci.

Thuốc dùng trong sỏi mật

Gồm các thuốc: giảm đau, làm tan sỏi, điều trị biến chứng

Thuốc giảm đau: Nguyên nhân gây đau là do sỏi gây co thắt đường dẫn mật, túi mật. Điều trị giảm đau bằng các thuốc chống co thắt cơ trơn với cơ chế có vài điểm khác nhau:

- Các thuốc giảm đau có tác dụng hướng cơ: có tác dụng hủy các co thắt sinh ra do chất trung gian hóa học acetylcholin (kháng cholinergic), nên có tác dụng giảm đau như alverin, atropin.  - Papaverin chống co thắt cơ trơn theo hai cơ chế: ức chế phosphoryl hóa (do ôxy hóa) và cản trở co cơ do calci (chẹn calci), tác dụng trực tiếp lên cơ, không lệ thuộc vào hệ thần kinh ở cơ. Mặc dù là alcaloid của thuốc phiện, nhưng papaverin ít có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương (trừ khi dùng liều quá cao).

- Visceralgin (tiemonium) chống co thắt cơ trơn. Người bệnh có thể tự dùng thuốc này để giảm đau bước đầu (tránh choáng). Nhưng không vì đỡ đau mà nấn ná không đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh. Nếu đến muộn dễ bị các biến chứng gây khó khăn thêm cho việc điều trị sau này. Không dùng các loại thuốc giảm đau họ thuốc phiện (làm hết đau song làm mất hết các triệu chứng đặc trưng gây khó khăn cho chẩn đoán).



Thuốc làm tan sỏi:

- Acid ursodesoxycholic (ursodiol): Là thành phần của sinh lý mật, có tác dụng hòa tan sỏi cholesterol do giảm luồng mật của cholesterol, từ đó làm thay đổi tỷ số phospholipid và acid mật trên cholesterol.

Thuốc chỉ dùng khi sỏi mật ít, không có triệu chứng, không bị calci hóa, sỏi có đường kính nhỏ hơn 20mm cho những người từ chối hay có chống chỉ định cắt bỏ túi mật hoặc có khuynh hướng gia tăng nguy cơ trong lúc phẫu thuật. 

Còn dùng trong dự phòng sỏi mật ở người béo phì đang dùng cách giảm cân nhanh, trong bệnh gan ứ mật mạn (đặc biệt là xơ nang mật sơ phát, viêm đường mật xơ cứng). Không dùng trong trường hợp sỏi mật bị calci hóa, cản tia Xquang, trường hợp bắt buộc phải cắt bỏ túi mật, trường hợp có thai, cho con bú. 

Thận trọng với người có các chứng gan, đường ruột. Lúc mới bắt đầu và sau đó định kỳ mỗi 6 tháng cần kiểm tra các enzym gan (transaminase, phosphatase kiềm). Nếu các enzym gan tăng cao dai dẳng thì phải tạm ngưng thuốc. Trong quá trình dùng cần kiểm tra tiến triển sỏi mật (chụp túi mật sau 6 tháng điều trị). 

Làm âm vang đồ (sonogram) vào tháng thứ 6 và 12. Sau khi sỏi tan hoàn toàn cần làm lại xét nghiệm âm vang đồ 2 lần nữa vào tháng thứ 1 và thứ 3 rồi mới ngưng thuốc. Sỏi mật có thể tái phát. Thuốc có thể gây tiêu chảy, giảm bạch cầu, phát ban, vài triệu chứng đường ruột, tăng creatinin, tăng glucose máu.

Không dùng chung với estrogen, thuốc ngừa thai, các thuốc làm hạ lipid khác (chlofibrat, cholestyramin) vì chúng làm giảm hiệu lực của thuốc (do tăng tiết cholesterol vào gan).

Ngoài ursodiol còn có nhiều tên khác (actigall, arsacol, delursan, destolit, uso, ursolvan) có nhiều hàm lượng  100-150-200-250mg. Cần chú ý khi dùng để tránh nhầm hàm lượng.

- Acid chenodesoxychlolic làm cho sỏi cholesterol tan từ từ. Chỉ định và chống chỉ đinh tương tự như acid ursodesoxycholic

Thuốc chữa biến chứng:  Sỏi mật thường có một số biến chứng: viêm nhiễm khuẩn đường mật, túi mật cấp, hoại tử túi mật, thấm mật vào phủ tạng, rất  nguy hiểm, để lại hậu quả nặng nề phải can thiệp bằng ngoại khoa. 

Rò đường mật (sỏi làm thủng đường dẫn mật làm cho mật chảy vào các tạng bên trong ổ bụng. Ứ nước túi mật (do sỏi mật làm tắc ống túi mật mạn tính). Xơ gan do ứ mật: (do ứ mật lâu ngày kèm viêm nhiễm làm tổn thương nhu mô gan.) Thuốc điều trị các biến chứng bao gồm:

- Kháng khuẩn thường dùng là aminogycosid và quinolon.

- Lợi mật thường dùng là hóa dược hay là các thảo dược (actichaut).

Sỏi đường mật thường gây nên những biến chứng rất nguy hiểm ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, người bệnh cần khám tại nơi có đủ điều kiện để xác định có bị sỏi mật hay không, thuộc loại nào, ở mức độ nào thầy thuốc mới cho dùng thuốc hay can thiệp ngoại khoa. Tránh chậm trễ,  dùng thuốc tùy tiện.    


Theo Sức khỏe & Đời sống

Sỏi mật và những biến chứng

Nguyên nhân của những cơn đau quặn hạ sườn phải buộc bệnh nhân phải đi cấp cứu thường do sỏi mật gây ra.

Trong cơ thể, sỏi có thể gặp ở nhiều cơ quan, nhưng nhiều nhất là trong đường mật. Rất khó nói chính xác tỷ lệ người bị sỏi mật vì đa số bệnh nhân sỏi mật không có triệu chứng. Sỏi mật có thể chỉ ở túi mật (gặp nhiều ở các nước châu Âu), ở đường mật hoặc đồng thời có ở cả hai nơi. Ở Việt Nam thường hay gặp sỏi đường mật.

Sỏi mật tạo ra từ đâu?

Sỏi mật được tạo ra từ những thành phần của mật như sắc tố mật, cholesterol, acid béo. Theo hình dạng bên ngoài và thành phần cấu tạo sỏi chia ra 2 loại chính: sỏi cholesterol và sỏi sắc tố.

Sỏi cholesterol: Cholesterol tan được trong mật nhờ muối mật và lecithidine. Khi tỷ lệ muối mật và lecithidine quá ít, không đủ khả năng hòa tan hết cholesterol thì cholesterol sẽ kết tủa và vón cục lại tạo thành sỏi.

Sỏi sắc tố: Thường xảy ra khi đường dẫn mật trong và ngoài gan bị viêm nhiễm, mật bị ứ đọng lại làm cho sắc tố mật và canxi bám vào thành đường mật đã bị tổn thương kết tủa tạo thành bùn mật, sỏi mật. Xác giun và trứng giun cũng có thể là điều kiện để sắc tố mật, canxi bám vào tạo sỏi. Sỏi sắc tố thường có màu đen hoặc nâu.
Sỏi túi mật.



Dấu hiệu nhận biết

Tùy sỏi túi mật hay sỏi đường mật mà có các biểu hiện trên lâm sàng cũng khác nhau.

Sỏi túi mật: 80% sỏi túi mật không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhưng rất nhẹ. 20% sỏi túi mật có triệu chứng biểu hiện bằng các cơn đau dữ dội ở hạ sườn phải (cơn đau quặn gan). Đây là triệu chứng nổi bật của sỏi túi mật. 

Cơn đau xuất hiện do sỏi di chuyển đến ống cổ túi mật, gây tắc tạm thời và do căng giãn dẫn đến thiếu máu gây ra cơn đau. Các cơn đau thường hay xảy ra sau một bữa ăn nhiều mỡ, rượu hoặc trong thời kỳ trước khi hành kinh hoặc khi quá căng thẳng thần kinh. 

Cơn đau thường xuất hiện vào buổi tối hoặc vào ban đêm, cơn đau liên tục, tăng dần lên đôi khi đi kèm theo các triệu chứng như rối loạn nhịp thở, ngoại tâm thu, chậm nhịp tim. Cơn đau có thể kéo dài vài phút đến vài giờ. Nếu cơn đau kéo dài trên 6 giờ có thể có khả năng có biến chứng viêm túi mật. Chẩn đoán sỏi túi mật đơn giản chỉ cần siêu âm là có thể phát hiện được sỏi. 

Viêm túi mật cấp - một biến chứng thường gặp của sỏi túi mật (90%). Triệu chứng của viêm túi mật cấp lúc khởi đầu cũng giống như một cơn đau quặn gan nhưng kéo dài hơn, mức độ nặng hơn và dùng thuốc giảm đau không đỡ, bệnh nhân không dám hít thở sâu, đau có thể lan lên vai phải. Ngoài ra, bệnh nhân còn có các triệu chứng khác như co cứng cơ bụng, buồn nôn, trướng hơi. 20% bệnh nhân bị viêm túi mật cấp có thể có biến chứng hoại tử thủng túi mật và viêm phúc mạc phải can thiệp ngoại khoa cấp cứu.

Điều trị sỏi túi mật chưa có biến chứng chủ yếu bằng nội khoa. Điều trị cơn đau quặn gan bằng thuốc chống co thắt và thuốc giảm đau. Điều trị loại bỏ sỏi bằng các thuốc làm tan sỏi chỉ có hiệu quả đối với sỏi cholesterol có kích thước nhỏ hơn 1cm. 

Các thuốc được dùng làm tan sỏi là các thuốc có tác dụng làm giảm độ bão hòa của cholesterol, làm cholesterol không kết tủa được. Cắt bỏ túi mật là phương pháp lý tưởng nhất để điều trị sỏi túi mật đã có biến chứng hoặc đau nhiều, tái phát liên tục.

Sỏi đường mật: Sỏi nằm trong ống mật chủ và các đường mật trong gan. Khi sỏi nhỏ và không gây tắc mật, bệnh nhân có thể hoàn toàn không có triệu chứng nhưng khi sỏi lớn gây tắc hẹp đường mật có thể gây ra các triệu chứng xuất hiện theo trình tự: đau - sốt - vàng da. Ngoài những biến chứng cấp tính như viêm đường mật, nhiễm trùng đường mật, áp-xe đường mật, ứ mật lâu dài sẽ dẫn đến xơ gan ứ mật thứ phát. Trên 50% trường hợp viêm tụy cấp có liên quan đến sỏi ống mật chủ và tiên lượng viêm tụy trong những trường hợp này thường rất nặng.

Chẩn đoán sỏi đường mật bằng siêu âm hoặc chụp mật tụy ngược dòng.



Chế độ ăn uống và cách phòng ngừa sỏi mật

Giảm mỡ và các chất béo. Hạn chế ăn các thực phẩm có nhiều cholesterol như phủ tạng động vật nhưng bệnh nhân vẫn có thể ăn trứng (ăn ít) vì trứng không gây đau thắt mật lại tạo ra sự kích thích cần thiết cho túi mật kịp thời bài tiết dịch mật ngăn ngừa việc ứ đọng dịch, tránh hình thành sỏi. 

Tăng đạm để chống thoái hóa mỡ tế bào gan vì cholin và methionin có trong chất đạm còn được gọi là những chất tiêu mỡ có tác dụng chuyển hóa các chất béo từ gan đến kho dự trữ mỡ dưới da. Ăn thức ăn giàu đường bột, glucid dễ tiêu lại không ảnh hưởng đến mật, nhiều chất xơ giúp tiêu hóa tốt. Ăn nhiều rau quả tươi giàu vitamin B, C để tăng chuyển hóa mỡ và bột.

Phòng ngừa sỏi mật: Thực hiện chế độ ăn giảm cholesterol và ngăn chặn nhiễm khuẩn đường ruột nhất là do ký sinh trùng bằng vệ sinh ăn uống và tẩy giun định kỳ.          

 

Theo BSCKII. Mai Minh Huê - Sức khỏe & Đời sống 

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons