Xơ gan là bệnh mạn tính, tổn thương nặng lan tỏa ở các thùy gan tạo ra mô xơ, cấu trúc các tiểu thùy và mạch máu của gan bị hủy hoại không hồi phục.
Xơ gan - vì sao nên nỗi?
Bệnh xơ gan thường do nhiều yếu tố gây ra như viêm gan virut B, virut B bội nhiễm virut D, virut C; người nghiện rượu: uống nhiều rượu hàng ngày và kéo dài nhiều năm; xơ gan thứ phát do tắc mật không hoàn toàn kéo dài, do sỏi mật, dính hẹp ở ống gan, ống mật chủ, viêm đường mật tái phát; do dùng một số loại thuốc gây tổn thương gan như: oxyphenisatin, clopromazin, INH, rifampycin...;
Do nhiễm các hóa chất độc hại gan: aflatoxin, dioxin, chất độc thảo mộc hại gan như cây có hạt thuộc họ Senecio và các alcaloit của nó...; do thiếu dinh dưỡng: quá thiếu chất đạm, thiếu vitamin, thiếu các chất hướng mỡ như cholin, lexithin...; do ký sinh trùng như sán máng, sán lá nhỏ...; do bệnh tắc tĩnh mạch gan và xơ gan không rõ nguyên nhân.
Trên thực tế, bệnh xơ gan có biểu hiện ra 3 thể bệnh là: xơ gan tiềm tàng; xơ gan còn bù tốt và xơ gan tiến triển, mất bù.
Ở thể xơ gan tiềm tàng, mặc dù bệnh nhân có xơ gan nhưng không có triệu chứng gì, việc phát hiện bệnh chỉ là sự tình cờ như phẫu thuật bụng vì một bệnh khác thấy xơ gan; chẩn đoán hình ảnh một bệnh khác nhưng lại phát hiện được hình ảnh xơ gan...
Thể xơ gan còn bù tốt, bệnh nhân thường có các dấu hiệu sau: rối loạn tiêu hóa như ăn không tiêu, đầy bụng, trướng hơi; đau tức nhẹ vùng hạ sườn phải; chảy máu cam không rõ nguyên nhân; nước tiểu thường có màu vàng sẫm; suy giảm tình dục: nam thì liệt dương, nữ thì vô kinh và vô sinh; gan hơi to và chắc, lách to quá bờ sườn; có mao mạch ở lưng và ngực, hay nổi mẩn đỏ ở lòng bàn tay; lông ở nách, ở bộ phận sinh dục thưa thớt; móng tay khô trắng; nam giới: tinh hoàn teo nhẽo, vú to.
Xét nghiệm thấy: albumin giảm, gama globulin tăng; men maclagan tăng trên 10 đơn vị; siêu âm thấy gan to, vang âm của nhu mô gan thô, không thuần nhất; soi ổ bụng và sinh thiết thấy tổn thương xơ gan. Thể bệnh này có thời gian ổn định trong nhiều năm, nhưng thường tiến triển nặng dần từng đợt, nhất là khi bị viêm nhiễm làm cho bệnh xơ gan trở thành mất bù hoặc biến chứng nặng.
Thể xơ gan mất bù, bệnh nhân có các triệu chứng: gầy sút nhiều, chân tay khẳng khiu, huyết áp thấp; bị rối loạn tiêu hóa thường xuyên, chán ăn, ăn không tiêu, đại tiện phân lỏng, phân sống; mệt mỏi thường xuyên, ít ngủ, giảm trí nhớ; chảy máu cam, chảy máu chân răng; da mặt xạm; có nhiều đám xuất huyết ở da bàn chân, bàn tay, vai, ngực; phù hai chân; có cổ trướng, tuần hoàn bàng hệ; lách to hơn bình thường, chắc.
Xét nghiệm: albumin giảm, gamma globulin tăng cao; bilirubin máu, men transaminaza tăng trong các đợt tiến triển; hồng cầu, bạch cầu. tiểu cầu thường giảm; chụp và soi thấy giãn tĩnh mạch thực quản; siêu âm thấy trên mặt gan có nhiều nốt đậm âm, có hình ảnh giãn tĩnh mạch cửa, giãn tĩnh mạch lách...; nội soi ổ bụng thấy gan to, hoặc teo nhỏ, nhạt màu; trên mặt gan có những u nhỏ đều, hay to nhỏ không đều; lách to, có dịch ổ bụng.
Cần một chế độ chăm sóc và dinh dưỡng hợp lý
Bệnh nhân xơ gan cần chế độ ăn uống, nghỉ ngơi thích hợp: khi bệnh tiến triển có cổ trướng, cần được nghỉ ngơi tuyệt đối. Ăn uống đủ chất, hợp khẩu vị của bệnh nhân, phải đảm bảo đủ calo (2.500 - 3.000 calo/ngày); ăn nhiều đạm (100g/ngày); nhiều vitamin C, vitamin nhóm B; hạn chế ăn mỡ; bệnh nhân chỉ ăn nhạt khi có phù nề.
Nếu có dấu hiệu hôn mê gan phải hạn chế lượng đạm trong khẩu phần ăn. Dùng thuốc cải thiện chuyển hóa tế bào gan và các nội tiết tố glucocorticoit; thuốc hỗ trợ chuyển hóa tế bào gan như vitamin C, B12, cyanidanol... Dùng phối hợp thuốc Nam như: nhân trần, actiso, tam thất... Điều trị cổ trướng: dùng thuốc lợi tiểu chống thải kali.
Lời khuyên của bác sĩ
Bệnh xơ gan nếu để tiến triển đến giai đoạn cuối, gan bị thoái hóa, tổn thương không hồi phục được, vì vậy việc phòng tránh bệnh xơ gan là vấn đề rất quan trọng.
Mọi người có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn, loại trừ các nguyên nhân xơ gan như phòng viêm gan virut B và C bằng các biện pháp vệ sinh cá nhân thật tốt; tiêm phòng bệnh viêm gan virut B cho trẻ em và những người lớn chưa bị bệnh; phải làm tốt công tác vô khuẩn và khử khuẩn mỗi khi tiêm truyền, châm cứu; an toàn truyền máu.
Sinh hoạt lành mạnh: hạn chế hoặc bỏ hẳn rượu, bia, bỏ hút thuốc lá. Hàng ngày ăn uống đủ chất: đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất. Phòng nhiễm các bệnh giun sán bằng cách thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn cá hay hải sản tái, sống hoặc chưa nấu chín kỹ, không ăn rau sống, không uống nước lã. Khi có bệnh gan mật cần điều trị tích cực.
Theo BS. Phạm Phú Vinh - Sức khỏe & Đời sống
0 nhận xét:
Đăng nhận xét