Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Giun chui ống mật gây đau bụng

Hỏi: Bé nhà tôi dù tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng nhưng có lần đau bụng được nghi ngờ là do giun và phải theo dõi có phải giun chui ống mật không. Xin cho biết tại sao giun lại chui được vào ống mật và biểu hiện ra sao ?
(Nguyễn Hồng Thúy - Đồng Nai)
Giun chui ống mật gây đau bụng
Nên tẩy giun định kỳ và ăn uống hợp vệ sinh
Trả lời: Giun chui ống mật là một chứng bệnh hay gặp trước đây do tỉ lệ nhiễm giun rất cao. Ngày nay bệnh này ít gặp hơn vì người dân ý thức hơn với việc tẩy giun định kỳ và ăn uống hợp vệ sinh. Giun đũa là loài ký sinh trong ruột non của người, chúng có kích thước bằng chiếc đũa (khoảng 20 - 25cm), giunsống bằng cách chất dinh dưỡng ở ruột nên gây ra tình trạng suy dinh dưỡng (nhất là ở trẻ nhỏ). Giun đũa ở ruột cũng gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa, người bị nhiễm có thể đau bụng mơ hồ, ăn uống khó tiêu, buồn ói… Ở một điều kiện nào đó giun di chuyển ngược lên trên đến tá tràng rồi chui vào ống dẫn mật sẽ gây ra tình trạng tắc mật.
Người ta cho rằng, khi số lượng giun ở ruột tăng lên cùng với môi trường dịch tiêu hóa thay đổi sẽ làm chúng di chuyển ngược lên phía trên. Một số trường hợp giun chui lên đường mật không gây ra triệu chứng gì và chúng chết tại đây, các chất đường mật kết dính vào giun tạo thành sỏi đường mật. Trong trường hợp giun chui lên đường mật và làm tắc mật cấp tính làm cho bệnh nhân có những cơn đau quặn dữ dội, đột ngột. Đau ở vùng trên rốn, hơi lệch về bên phải. Bệnh nhân buồn nôn, nôn nhiều và có khi chất nôn có cả giun. Tất nhiên giun đi từ ruột lên đường mật sẽ mang theo vi khuẩn và gây ra nhiễm trùng đường mật. Một tư thế đau bụng cổ điển do giun chui ống mật được ghi nhận là bệnh nhân đau bụng chổng mông lên trời. Thường chẩn đoán giun chui ống mật với cơn đau quặn mật, hội chứng nhiễm trùng và dùng siêu âm xác định tắc nghẽn đường mật (đôi khi phát hiện ra giun).
Trong cơn đau bụng cấp, bệnh nhân sẽ được điều trị triệu chứng đau, nhiễm trùng và thuốc tẩy giun.
Trong trường hợp tắc nghẽn cấp tính đường mật có khi phải phẫu thuật dẫn lưu đường mật và giải phóng tắc nghẽn. Quan trọng là phải ăn uống hợp vệ sinh, tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng hoặc 1 năm.

Bs.CkII. Đặng Minh Trí

Đường lây truyền của bệnh viêm gan

Gia đình chồng con gái tôi có người mắc viêm gan. Tôi rất hoang mang vì các cháu sắp cưới nhau. Không biết viêm gan lây truyền như thế nào để biết cách phòng ngừa, thưa bác sĩ?
Lê Văn Thuyên (Thanh Hóa)
Viêm gan là bệnh hay gặp nhưng ít người tự phát hiện được bệnh vì hầu như không có biểu hiện gì.
Bệnh viêm gan A rất dễ lây do lây qua đường tiêu hóa. Bệnh dễ lây nhất là vào một vài tuần trước khi bệnh nhân có những triệu chứng của viêm gan cấp tính. Nhưng khi da và mắt trở nên vàng thì bệnh không còn mang tính truyền nhiễm, tiếp xúc với người bệnh lúc này không nguy hiểm nữa. Có thể tiêm vaccin ngừa bệnh viêm gan A.
Bệnh viêm gan B, C, D lây qua đường máu và đường tình dục. Vaccin ngừa viêm gan B và D rất hiệu nghiệm và an toàn nên chúng ta cần tiêm càng sớm càng tốt. Riêng viêm gan C chưa có vaccin ngừa nên để không bị lây bệnh phải tránh tiếp xúc một cách trực tiếp với máu của bệnh nhân.
Viêm gan E lây qua thức ăn và nước uống bị nhiễm virut. Khác với viêm gan A, bệnh vẫn có thể tiếp tục lây trong nhiều tuần lễ, sau khi người bệnh đã phát ra những triệu chứng viêm gan cấp tính.
Vì cách thức lây nhiễm viêm gan B và AIDS tương tự nhau, nên một số bệnh nhân đã bị lây cả hai bệnh này cùng lúc, khi dùng chung kim tiêm hoặc giao hợp với người có bệnh. Bệnh nhân bị viêm gan B và C, nếu bị lây thêm AIDS sẽ dễ tử vong hơn. Bệnh nhân cũng dễ bị nhiễm khuẩn và ung thư hơn.
BS. Lê Hưng

Phòng ngừa viêm gan do lây từ mẹ sang con

Việc phòng ngừa Siêu vi HBV (Hepatitis B virút) cho trẻ sơ sinh đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhằm giảm hẳn biến chứng xơ gan và ung thư gan sau này ở trẻ.
Phòng ngừa viêm gan do lây từ mẹ sang con
Quá trình gây bệnh của siêu vi HBV
Sau khi bị nhiễm, siêu vi HBV từ máu đi vào gan và tại đây nó xâm nhập vào các tế bào gan. Siêu vi sẽ sinh sôi nẩy nở trong các tế bào gan bị nhiễm và phóng thích các siêu vi mới ra ngoài để tiếp tục gây nhiễm cho các tế bào gan khác.
Bản thân siêu vi không trực tiếp làm tổn thương tế bào gan mà do hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận diện các tế bào gan đã bị nhiễm và tấn công phá hủy các tế bào này gây tổn thương gan.
Khi tiến trình này tiếp diễn trong thời gian dài trong nhiều năm, mô gan bị tổn thương sẽ thành những mô sẹo có thể dẫn đến xơ gan và suy gan, hơn nữa có một tỉ lệ diễn tiến ung thư gan. Không phải bị nhiễm siêu vi HBV cũng sẽ bị nhiễm siêu vi hoạt động suốt đời. Một số trường hợp có khả năng loại sạch siêu vi trước khi chuyển thành viêm gan B mạn tính, tình huống này xảy ra trong 6 tháng đầu tiên của nhiễm trùng đôi khi gây ra triệu chứng viêm gan nặng như vàng da, sốt, mệt mỏi… được gọi là viêm gan cấp, cũng có một số trường hợp không có triêu chứng trong giai đoạn này.
Trên 90% số người có hệ miễn dịch lành mạnh, khỏe sẽ phục hồi sau đợt nhiễm siêu vi cấp tính chỉ có 10% chuyển thành người mang siêu vi mạn tính. Tuy nhiên, nếu trẻ sơ sinh bị lây nhiễm từ mẹ lúc sinh thì 90% khả năng sẽ trở thành người mang bệnh mạn tính.
Cách phòng ngừa lây nhiễm mẹ - con
Chủng ngừa HBV là biện pháp phòng ngừa sớm nhất và hiệu quả nhất cho trẻ ngay từ lúc mới sinh ra. Trẻ sơ sinh có cân nặng < 2.000g: tùy theo tổng trạng của trẻ cho phép tiêm vaccine viêm gan siêu vi B và huyết thanh kháng viêm gan siêu vi B (tên biệt dược: HBIG Hepatitis B immune globulin). Thời gian tiêm có thể trì hoãn, thời gian tối đa sử dụng HBIG ≤ 7 ngày. Trẻ sơ sinh ổn định, trẻ được tiêm 4 mũi vắc-xin viêm gan siêu vi B và HBIG sau sinh. Bao gồm mũi 1: 12 giờ sau khi sinh ổn định + HBIG. Mũi 2: 1 tháng sau sinh. Mũi 3: tháng kế tiếp. Mũi 4: tháng kế tiếp. Thực tế huyết thanh HBIG + chủng ngừa vắc-xin viêm gan siêu vi B, phòng ngừa > 95% các trường hợp lây nhiễm sơ sinh.
Hiện nay tất cả các trẻ sơ sinh đều được chủng ngừa vắc-xin viêm gan siêu vi B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh theo chuẩn lịch tiêm chủng quốc gia.
Chế độ dinh dưỡng trẻ sơ sinh có mẹ HBV dương tính: trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu dú cho mẹ có HBsAg dương tính và HBeAg dương tính, mặc dù trong sữa mẹ có 70% tìm thấy HBsAg. Nếu trẻ sơ sinh được tiêm ngừa đầy đủ gồm vắc-xin viêm gan siêu vi B + HBIG và đúng lịch thì tỉ lệ lây nhiễm bệnh ở trẻ bú mẹ và trẻ bú bình ngang nhau.

BS. NGUYỄN THUẬN HẢI

Biến chứng của xơ gan

Ở giai đoạn sớm của xơ gan, các triệu chứng thường kín đáo. Đôi khi, ở một số người, các biến chứng lại là dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Vấn đề quan trọng là phải nhận biết sớm để xử lý kịp thời các biến chứng và tốt nhất là làm sao dự phòng không cho các biến chứng đó xảy ra.
Biến chứng của xơ gan
Xơ gan là một bệnh gan mạn tính có tỉ lệ tử vong cao sau ung thư gan. Đây là hậu quả cuối cùng của các bệnh gan mạn tính, trong đó các tế bào gan bị hư hoại và được thay thế bằng các dải mô xơ và các nhân “tái sinh” làm phá vỡ cấu trúc bình thường của gan, gây ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của gan. Về cơ bản, không thể đảo ngược quá trình xơ hóa gan, tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị sớm có thể ngăn chặn quá trình tiến triển của bệnh và hạn chế biến chứng.
Biến chứng của xơ gan
Những nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xơ gan như: viêm gan virút B, viêm gan virút C, do rượu và các độc chất… Ở một số quốc gia, tình trạng béo phì đang trở thành một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến xơ gan. Ở nước ta, một số nguyên nhân thường gặp dẫn đến xơ gan: viêm gan virút B, viêm gan virút C và do rượu.
Khi chức năng gan bị suy giảm trầm trọng sẽ dẫn đến xơ gan giai đoạn mất bù, lúc đó, các biến chứng sẽ xuất hiện thường xuyên và tỉ lệ tử vong có thể lên đến 85% trong vòng 5 năm nếu không có điều kiện ghép gan hoặc không được điều trị tích cực và đúng cách.
Một số biến chứng thường gặp trong xơ gan
Xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản:
Gan xơ làm cho dòng máu đi qua gan bị cản trở, dẫn đến tăng áp lực tại tĩnh mạch cửa cũng như tại các hệ nối cửa-chủ, đặc biệt là làm giãn tĩnh mạch thực quản và tĩnh mạch phình vị dạ dày. Các tĩnh mạch này khi giãn quá mức sẽ bị vỡ, gây ra ói máu đỏ tươi lượng nhiều và đi cầu phân máu. Nếu không xử trí kịp thời dễ gây tử vong. Bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu ngay.
Việc điều trị bao gồm: truyền máu, truyền thuốc để giảm áp lực tĩnh mạch cửa như sử dụng somatostatin,octreotide, terlipressin, nội soi dạ dày cấp cứu để thắt hoặc chích xơ các búi giãn tĩnh mạch. Khi tình trạng xuất huyết ổn định, nên tiếp tục dùng thuốc ức chế b không chọn lọc (propranolol) hoặc có thể phối hợp thêm nhóm nitrate đề phòng ngừa chảy máu tái phát.
Phù chân và báng bụng:
Tăng áp lực cửa và giảm đạm máu có thể dẫn đến phù chân và tích tụ dịch ở bụng (báng bụng). Báng bụng mức độ trung bình và nhiều dễ có nguy cơ bị nhiễm trùng dịch báng, lúc đó, bệnh nhân có thể bị sốt, đau bụng và tiêu phân lỏng. Báng bụng còn là triệu chứng báo hiệu tình trạng suy gan mất bù. Bệnh nhân cần nhập viện, dùng thuốc lợi tiểu và truyền albumin để điều trị.
Hôn mê gan hay bệnh não - gan:
Gan xơ không thể đào thải các chất độc có trong cơ thể. Do đó, trong xơ gan nặng, các độc tố có hại ở ruột - đặc biệt là NH3 (a-mô-ni-ắc) - đi vào máu và tích tụ lại trong não gây ra bệnh não - gan với các triệu chứng rối loạn tri giác từ lẫn lộn tiến đến hôn mê gan và tử vong. Bệnh não - gan có thể khởi phát do một số yếu tố thúc đẩy như xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng, táo bón, mất nước, lạm dụng thuốc ngủ hay an thần…
Việc điều trị chủ yếu là làm giảm lượng NH3 ứ đọng trong máu bằng cách hạn chế cung cấp chất đạm trong lúc hôn mê, uống thuốc nhuận trường lactulose để ngăn cản việc hấp thu NH3 từ đường tiêu hóa, dùng các thuốc tăng cường giải độc gan để ngăn không cho độc chất ảnh hưởng lên hệ thần kinh.
Biến chứng của xơ gan
Ung thư gan:
Xơ gan do các nguyên nhân như viêm gan virút B và C, rượu, bệnh tích tụ sắt trong mô và xơ gan mật nguyên phát rất dễ tiến triển sang ung thư gan. Bệnh nhân có thể không có triệu chứng gì đặc biệt cho đến khi tình cờ phát hiện khối u trong gan khi đi khám sức khỏe và làm siêu âm bụng. Ở giai đoạn trễ: khối u quá to gây đau tức vùng dưới sườn phải, sụt cân, suy kiệt hoặc bị xuất huyết trong ổ bụng do khối u bị vỡ. Đối với bệnh nhân xơ gan, việc quan trọng nhất là theo dõi và tầm soát ung thư gan mỗi 3 - 6 tháng bằng cách làm siêu âm bụng và thử máu định lượng AFP để có thể phát hiện sớm ung thư gan.
Tình trạng nhiễm trùng:
Gan tham gia vào các chức năng miễn dịch bảo vệ cho cơ thể chống lại nhiễm trùng. Vì vậy, bệnh nhân xơ gan rất dễ bị nhiễm trùng, ví dụ như nhiễm trùng dịch báng, viêm phổi, nhiễm trùng máu… Tình trạng nhiễm trùng có thể làm cho bệnh gan nặng lên và thúc đẩy các biến chứng khác xuất hiện dồn dập như hôn mê gan, suy thận…
Làm sao để dự phòng các biến chứng của xơ gan?
Các biện pháp dự phòng một số biến chứng thường gặp trong xơ gan, bao gồm:
- Phù và báng bụng: chế độ ăn nhạt kết hợp dùng thuốc lợi tiểu.
- Xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản: dùng thuốc làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa, thắt các búi giãn tĩnh mạch, hoặc chích xơ, đặt stent cửa - chủ trong gan.
- Tình trạng nhiễm trùng: dùng kháng sinh, tiêm chủng phòng cúm, viêm phổi và viêm gan.
- Ung thư gan: siêu âm bụng và xét nghiệm AFP định kỳ mỗi 3 - 6 tháng.
- Bệnh não - gan: dùng thuốc nhuận trường lactulose để tránh táo bón và làm giảm độc tố NH3 trong máu.
PGS.TS.BS. BÙI HỮU HOÀNG
ThS.BS. CAO NGỌC TUẤN
Phân khoa Nội tiêu hóa Gan Mật

– BV.ĐHYD TP.HCM

Chăm sóc bệnh nhân xơ gan

Xơ gan là bệnh diễn tiến chậm qua nhiều năm, tổn thương đặc trưng của xơ gan là một quá trình tổn thương mạn tính. Vì vậy trong quá trình điều trị thì việc chăm sóc bệnh nhân xơ gan tại nhà tốt sẽ giúp tình trạng bệnh tiến triển tốt.
Chế độ ăn
Chế độ ăn giàu calo (2.500 - 3.000calo/ngày). Thành phần thức ăn phải phù hợp: đầy đủ thực phẩm giàu protit như thịt, cá, trứng, sữa... đầy đủ thực phẩm giàu gluxit như ngô, khoai, ngũ cốc... Nên dùng dầu thực vật, tránh dùng mỡ động vật, những thực phẩm lạ, dễ gây dị ứng, rối loạn tiêu hóa. Thức ăn chế biến chín, đảm bảo vệ sinh, hợp khẩu vị. Các món ăn nên thay đổi ở các bữa, để gan không phải làm việc quá sức, thức ăn được hấp thu tốt hơn, tránh được rối loạn tiêu hóa thì nên chia nhỏ khẩu phần ăn, cho người bệnh ăn 4 - 5 bữa một ngày. Bổ sung vitamin bằng nước hoa quả ép, trái cây. Có thể thay nước uống hàng ngày bằng nước nhân trần, atiso, có tác dụng mát gan, lợi mật rất tốt cho người bệnh xơ gan.
Chăm sóc bệnh nhân xơ gan
Người bệnh xơ gan phải phù hợp, giàu calo.
Cần ăn hạn chế muối hoặc ăn nhạt hoàn toàn khi có phù và cổ trướng nhiều. Bởi, lượng muối trong cơ thể nhiều, sẽ gây tích nước trong tế bào, càng làm cho tình trạng phù tăng lên. Khi dùng một số thuốc lợi tiểu sẽ làm mất kali máu, khiến tình trạng người bệnh tồi tệ hơn. Khuyến khích người bệnh ăn tăng cường thực phẩm giàu kali, sẽ bổ sung lượng kali đã mất. Nhưng đối với người bệnh xơ gan giai đoạn muộn (mất bù) thì cần chú ý là phải hạn chế thực phẩm giàu đạm, đề phòng hôn mê gan.
Cách chăm sóc
Ở bệnh nhân xơ gan, giai đoạn muộn, phù càng biểu hiện rõ rệt: hai chân sẽ to hơn bình thường, đi lại nặng nề. Ăn uống kém, chức năng tổng hợp protein giảm dẫn đến lượng protein máu giảm làm cho nước thoát ra ngoài tế bào gây phù. Khi nằm, cần cho người bệnh kê cao chân (cao hơn so với tim). Ở tư thế này sẽ góp phần cải thiện tình trạng phù của người bệnh. Hàng ngày, cần vệ sinh mũi miệng sạch sẽ đặc biệt là khi có chảy máu cam, chảy máu chân răng để đề phòng nhiễm khuẩn và tạo cho người bệnh cảm giác ngon miệng. Người bệnh mệt mỏi nhiều, nên chú ý tạo không gian thoáng mát, yên tĩnh, hạn chế người ra vào thăm hỏi nhiều.
Cần theo dõi cân nặng của người bệnh hàng tuần là cách để kiểm tra xem tình trạng phù và cổ trướng của người bệnh có giảm hay không. Ở bệnh nhân nặng khi cổ trướng quá nhiều gây khó thở cho người bệnh khi đó cần cho người bệnh đến cơ sở y tế để bác sĩ sẽ cho rút nước ra ngoài, giúp người bệnh dễ chịu hơn. Cần lưu ý sau khi đã được chọc tháo dịch xong, cần theo dõi người bệnh trong 30 phút, nếu có điều gì khác thường phải báo cho bác sĩ ngay.
Theo dõi diễn biến bệnh
Người bệnh mệt mỏi nhiều hơn, cân nặng lại tăng, báo hiệu tình trạng phù và cổ trướng tăng lên. Dấu hiệu tiền hôn mê gan như thay đổi bất thường về tinh thần của bệnh nhân có thể đang vui rồi lại buồn, thờ ơ; rối loạn về trí nhớ, mất định hướng về thời gian và không gian, mất khả năng tập trung tư tưởng; nếu đặt cẳng tay thẳng góc với cánh tay và mặt giường sẽ thấy bàn tay run không đều. Một biến chứng khác là xuất huyết tiêu hóa với dấu hiệu môi nhợt nhạt, niêm mạc mắt kém hồng. Khi phát hiện ra các dấu hiệu này thì phải báo ngay với bác sĩ để có biện pháp xử trí kịp thời.

Bác sĩ Xuân Trường

Điều trị viêm gan virút C

Trên thực tế, nhiều bệnh nhân khi biết mình bị viêm gan virút C thường vô cùng đau khổ, thậm chí là suy sụp tinh thần. Tuy nhiên, sự ra đời thế hệ thuốc kháng virút tác động trực tiếp, đã đem lại cho bệnh nhân viêm gan virút C thêm nhiều hy vọng với tỉ lệ điều trị khỏi bệnh lên đến 70%.
Viêm gan virút C nguy hiểm không kém viêm gan virút B
Viêm gan virút C là bệnh truyền nhiễm do virút viêm gan C (Hepatitis C) gây nên và làm tổn hại đến gan. Virút này lưu hành trong máu, do vậy việc lây nhiễm chủ yếu là qua đường máu, một vài trường hợp viêm gan virút C cũng lây truyền qua đường tình dục. Theo thống kê, hiện có khoảng 5% dân số nước ta (khoảng 4,5 triệu người) đang mang virút viêm gan C trong cơ thể và con số này sẽ vẫn tiếp tục gia tăng. Trong số đó, có khoảng 30% người bệnh đã tiến triển lâu dài có thể dẫn đến xơ gan. Hiện nay, bệnh nhân viêm gan virút C ở Việt Nam đã lên đến 2,7 triệu người, trong đó đã có khoảng 4% tử vong.
Hầu hết bệnh nhân viêm gan virút C đều không hề có các triệu chứng đặc trưng nào. (Hình minh họa)
Hầu hết bệnh nhân viêm gan virút C đều không hề có các triệu chứng đặc trưng nào. (Hình minh họa)
“Hiện có rất ít người quan tâm đến viêm gan virút C so với viêm gan virút B, nhưng thực tế viêm gan virút C cũng nguy hiểm không kém”, các bác sĩ chuyên khoa cho biết. Nguy hiểm ở chỗ, hầu hết bệnh nhân viêm gan virút C đều không hề có các triệu chứng đặc trưng nào, thậm chí người bệnh vẫn thấy khỏe mạnh nên không biết mình đã bị mắc bệnh mà có biện pháp điều trị bệnh kịp thời. Chỉ đến khi người bệnh thấy chán ăn, mệt mỏi, vàng mắt, vàng da, đau hạ sườn phải… mới đi khám thì lúc này bệnh tình đã ở giai đoạn muộn. Có rất nhiều trường hợp đã chuyển sang giai đoạn xơ gan hoặc ung thư gan.
Viêm gan virút C mạn tính chiếm tỉ lệ cao hơn nhiều so với viêm gan virút B (viêm gan virút C có tỉ lệ khoảng từ 30 - 60%, trong khi đó tỉ lệ này của viêm gan virút B chỉ là 10%). Điều đáng lo ngại nhất là khi bị viêm gan virút C mạn tính, về sau có thể bị biến chứng xơ gan (khoảng 10 - 20%) hoặc nguy hiểm hơn là ung thư gan (khoảng 5%). Tỉ lệ biến chứng xơ gan, ung thư gan so với viêm gan virút B cũng cao hơn nhiều.
Tiếp thêm niềm tin cho bệnh nhân trong điều trị
Theo các chuyên gia y tế, giải pháp tối ưu để ngăn chặn sự tiến triển và những biến chứng của viêm gan virút C chính là điều trị nội khoa sớm và tích cực. GS.TS.BS. Seng Gee Lim, Trưởng khoa Tiêu Hóa Gan Mật, Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: trên thế giới và tại Việt Nam (từ tháng 8/2013) đã đưa nhóm thuốc mới, thuốc ức chế men Protease của virút viêm gan C với hoạt chất chính là Boceprevir vào điều trị và đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Đây là dòng thuốc ức chế trực tiếp virút viêm gan C thế hệ đầu tiên, tăng khả năng đáp ứng điều trị ở bệnh nhân. Nhóm thuốc kháng vi rút tác động trực tiếp (DAA) này có tác dụng can thiệp vào khả năng sao chép của virút viêm gan C bằng cách ức chế men Protease của virút.
Phác đồ mới phối hợp 3 nhóm thuốc gồm Boceprevir và Peginterferon alfa Ribavirin cho thấy hiệu quả cả trên bệnh nhân điều trị lần đầu và những bệnh nhân đã từng thất bại với điều trị trước đây. Phác đồ mới không chỉ là một lựa chọn ưu việt cho những bệnh nhân không đáp ứng tốt với phác đồ 2 thuốc hiện tại mà còn giúp rút ngắn thời gian điều trị cho những bệnh nhân đáp ứng điều trị tốt - chỉ còn 28 tuần (bệnh nhân điều trị lần đầu) so với 48 tuần, thậm chí 72 tuần với những bệnh nhân khó đáp ứng điều trị sử dụng phác đồ 2 thuốc trước đây.
Theo khảo sát nhanh với những bệnh nhân viêm gan virút C đã được điều trị bằng phác đồ mới kết hợp 3 thuốc, tỉ lệ thành công đạt trên 70%, tùy thuộc vào kiểu gen. Tại Việt Nam, nhiều bệnh nhân viêm gan virút C được chỉ định điều trị bằng phác đồ có Boceprevir đã ghi nhận có đáp ứng điều trị tốt và đạt hiệu quả cao. Cùng với Việt Nam, 7 quốc gia và vùng lãnh thổ khác tại châu Á như: Singapore, Malaysia, Hong Kong, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Australia đã phê duyệt và đưa phác đồ mới vào điều trị viêm gan virút C. Đây được đánh giá là bước đột phá, mở đầu kỷ nguyên mới trong chăm sóc và điều trị bệnh viêm gan virút C.

Minh Quân

Cắt lá lách có ảnh hưởng sức khỏe?

Xin bác sĩ cho biết, lá lách làm nhiệm vụ gì trong cơ thể? Nếu bị bệnh, phải cắt lá lách thì sức khoẻ có ảnh hưởng nghiêm trọng không?
Vũ Văn Nghĩa (Hải Dương)
Lá lách nằm ở bên phải phía trên bụng, màu đỏ thẫm. Trước đây, người ta cho rằng, lá lách chỉ là kho chứa máu trong cơ thể, có hay không có nó cũng được, nhưng nhiều nghiên cứu sau này đã cho thấy quan niệm trên hoàn toàn sai lầm.
Cắt lá lách có ảnh hưởng sức khỏe?
Lá lách không những chứa một lượng lớn tế bào lympho mà còn sản sinh ra nhiều bạch cầu miễn dịch - nguyên liệu để tạo ra các kháng thể. Có thể nói, đây là nhà máy chế tạo các kháng thể, giúp cơ thể chống lại các bệnh tật. Vai trò của lá lách quan trọng là thế nên việc cắt bỏ lá lách chỉ thực hiện khi không còn giải pháp nào tốt hơn. Chẳng hạn, người ta sẽ cắt bỏ lá lách trong trường hợp cấy hoặc thay phủ tạng để phòng trường hợp các tế bào lympho và chất kháng thể từ lá lách thải trừ các cơ quan cấy ghép.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy, khi cắt bỏ lá lách, sức đề kháng giảm đi rất nhiều, cơ thể dễ bị nhiễm bệnh và khi đã mắc bệnh thì thường nặng, tỷ lệ tử vong cao. Vì vậy, khi lá lách bị chấn thương, dù đã dập nát, bác sĩ vẫn luôn tìm đủ mọi cách để cứu nó. Tuy nhiên, trong một số bệnh về máu, nếu lá lách quá to, nguy cơ vỡ lách gây chảy máu cấp thì buộc phải cắt để phòng ngừa.

BS. Đào Hải

3 thời điểm tuyệt đối không được ăn tỏi

Tỏi là một trong những loại thực phẩm dùng làm gia vị chế biến các món ăn hàng ngày. Tỏi cũng được biết đến là một trong những vị thuốc chữa nhiều bệnh. Tuy nhiên, tỏi cũng có tác dụng phụ cực kỳ nguy hiểm và có những thời điểm tuyệt đối không nên ăn tỏi.
Khi đang bị tiêu chảy
Khi bị tiêu chảy, vi khuẩn xâm nhập vào đường ruột. Do đó, không nên ăn tỏi sống vì sẽ dễ làm tổn thương niêm mạc đường ruột, xung huyết, quá trình tiêu hóa và phân giải các chất tắc nghẽn, bạn càng đau bụng và đi tiêu nhiều hơn.
Khi sức đề kháng đang yếu
Theo kinh nghiêm, ăn tỏi nhiều sẽ tiêu hao khí của con người, đồng thời cũng tiêu hao cả máu. Tỏi hăng, nóng, có độc, sinh đờm động nhiệt, tản khí hao máu, người có thể chất yếu và nhiệt không được để chạm môi. Vì vậy, người có thể chất kém, khí huyết yếu cần chú ý tránh ăn tỏi.
Đang có vấn đề về gan
Với những bệnh nhân viêm gan, tỏi không hề có tác dụng trị bệnh, trái lại, một số thành phần của tỏi khi vào dạ dày, ruột gây kích thích mạnh, có thể ức chế tiết dịch vị ảnh hưởng đến việc tiêu hóa thức ăn, khiến các bệnh nhân mắc bệnh gan dễ buồn nôn.
Ngoài ra, các thành phần dễ bay hơi của tỏi làm giảm hemoglobin có thể dẫn đến thiếu máu, cản trở việc điều trị bệnh gan.
Những tác dụng phụ nguy hiểm của tỏi

Tác dụng phụ nguy hiểm
Ngộ độc
Tỏi cất giữ quá lâu trong tủ lạnh, lên mầm... thường không tốt cho sức khỏe và rất dễ ngộ độc nếu vẫn ăn. Khi bị ngộ độc tỏi, dấu hiệu dễ nhận thấy là khó chịu trong dạ dày, nặng hơn thì có thể dẫn tới tử vong.
Dị ứng
Có những người không ăn được tỏi bởi lý do hoặc là dị ứng hoặc không tiêu hóa được. Vì vậy, nếu ăn tỏi mà thấy các dấu hiệu như ợ nóng, đầy hơi... thì rất có thể bạn đã bị dị ứng với tỏi, tốt nhất nên ngưng ăn tỏi. Trường hợp dị ứng tỏi nghiêm trọng cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Gây khó khăn cho hệ tiêu hóa
Ăn nhiều tỏi, nhất là tỏi sống sẽ khiến cho hệ tiêu hóa gặp rắc rối, ví dụ như gây kích ứng hoặc làm tổn thương các bộ phận trong hệ tiêu hóa.
Kích ứng da
Allicin, một hợp chất sinh ra khi giã tỏi sống, có thể gây kích ứng da rất mạnh (đỏ ửng, đau nhức, bỏng), nhất là khi làn da nhạy cảm hoặc tiếp xúc trực tiếp.
Tác dụng phụ với những thuốc theo toa
Tỏi có thể can thiệp với một số loại thuốc đang uống được kê theo toa, đặc biệt là với một số loại thuốc chống đông máu được sử dụng trong quá trình phẫu thuật.
Ngoài ra, những nghiên cứu về tỏi đã được xuất bản năm 2001 kết luận rằng: ăn tỏi có thể gây ra một số tác dụng phụ nguy hại khi kết hợp với một loại thuốc được sử dụng trong quá trình điều trị HIV/AIDS". Vì thế, khi đang phải sử dụng thuốc theo toa, rất cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa về việc có nên ăn tỏi không.

Viêm gan vì mật dội ngược về gan

Mật một khi từ gan qua túi mật nhưng không xuống đến ruột non với tiến độ bình thường là lý do khiến:
- Trì trệ tiêu hóa và rối loạn biến dưỡng chất béo.
- Viêm dạ dày vì thừa chất chua trong dạ dày, viêm ruột vì phản ứng lên men trong khung ruột bội tăng.
- Viêm gan vì mật dội ngược về gan.
- Vàng da vàng mắt, ngứa ngáy toàn thân lại thêm mệt mỏi vì mật đổ ngược vào máu.
- Gây cơn đau tá hỏa vì tạp chất kết tủa trong túi mật khiến túi mật co thắt liên hồi để tìm cách tống khứ viên sỏi!
Viêm gan vì mật dội ngược về gan
Muốn mọi chuyện hanh thông mật phải nhanh chân xuống ruột non càng sớm càng tốt. Muốn được như thế phải làm sao để mật được bài tiết khỏi gan theo kiểu không cần nhiều nhưng đều. Đồng thời cơ vòng túi mật đừng co thắt thái quá và trật nhịp theo kiểu khi cần không co, khi co không dãn. Chính vì thế mà bài thuốc “nhuận gan lợi mật” của thầy thuốc y học cổ truyền, nếu đúng bài bản, bao giờ cũng được xây dựng theo thế “kiềng 3 chân” bao gồm cây thuốc:
- Chống tình trạng viêm tấy trong nhu mô gan khiến mật không được tổng hợp theo nhu cầu của cơ thể, như với Diệp hạ châu, Hoàng bá, Sài hồ…
- Hưng phấn tiến trình phóng thích mật khỏi gan càng sớm càng tốt, như với Nhân trần, Chi tử, Kim tiền thảo.
- Chống co thắt cơ vòng để mật nhanh chân trên đường từ túi mật xuống ruột non, như với Uất kim, Chỉ xác…
Làm sao để gan liên tục tạo mật nhưng mật đừng ở lại trong gan quá lâu chính là một trong các điều kiện cơ bản để phòng tránh bệnh gan mật. Điều này càng quan trọng hơn nữa ở đối tượng:
- Chế độ dinh dưỡng quá đơn điệu, hay thường gặp hơn nữa là người ăn nhiều chất đạm động vật, đường cát, thực phẩm công nghệ, thức ăn nhanh.
- Bữa ăn thất thường, ăn quá nhanh, ăn mỗi lần quá no, ăn quá trễ về đêm.
- Thói quen lạm dụng chất kích thích như cà-phê, rượu bia, thuốc lá.
- Công việc văn phòng khiến ít vận động hàng ngày.
- Số giờ ngủ không đủ, nhất là thiếu giấc ngủ trưa.
- Thời biểu làm việc tự gây rối loạn nhịp sinh học vì biến đêm thành ngày hay ngược lại.
- Stress là bạn đồng hành thay vì niềm vui trong công việc.
- Xác suất ngộ độc hóa chất gia dụng, nông nghiệp, công nghiệp, dược phẩm cao hơn người khác.
Chủ động bảo vệ lá gan để lá gan nhờ đó đáp trả bằng công việc bảo vệ gia chủ hoàn toàn khả thi nếu đừng quên giải độc định kỳ cho lá gan thông qua tác dụng lợi mật. Gan mật chẳng phải là tiếng kép trong ngôn ngữ người mình đó sao?
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng


Phòng ngừa giãn tĩnh mạch thực quản ở người bệnh gan

Giãn tĩnh mạch thực quản là biến chứng của tăng áp lực tĩnh mạch cửa, các tĩnh mạch mở rộng ở phần dưới thực quản, ống nối cổ họng và dạ dày. Đa phần bệnh nhân phát hiện được do chảy máu tiêu hóa, nôn ra máu nhiều. Nếu không được xử lý kịp thời bệnh nhân có thể tử vong. Đây là hội chứng hay gặp ở người bệnh xơ gan, chiếm tới 50%. Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân bị vỡ giãn tĩnh mạch thực quản nếu có xơ gan khoảng 40 - 70%, tuỳ thuộc vào mức độ suy gan.
Vì sao bị giãn tĩnh mạch thực quản?
Giãn tĩnh mạch thực quản (varices) là bất thường, các tĩnh mạch mở rộng ở phần dưới của thực quản - ống nối cổ họng và dạ dày. Xảy ra thường xuyên nhất ở những người bị bệnh gan nghiêm trọng. Đôi khi, giãn tĩnh mạch thực quản có thể vỡ, gây chảy máu đe dọa tính mạng.
Giãn tĩnh mạch thực quản - Các mạch máu có thể trở nên mở rộng và có nhiều khả năng vỡ.
Giãn tĩnh mạch thực quản - Các mạch máu có thể trở nên mở rộng và có nhiều khả năng vỡ.

Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch thực quản chính là nguyên nhân làm tăng áp tĩnh mạch cửa, bao gồm: Tắc trước xoang: do chèn ép từ các nhánh lớn tĩnh mạch cửa trở ra hoặc chèn ép từ các nhánh nhỏ tĩnh mạch cửa (tiểu thùy) trở lên; Tắc tại xoang; Tắc sau xoang: Tắc trong gan do chèn ép tĩnh mạch trên gan nhỏ (tiểu thùy), phổ biến là do xơ gan. Tắc ngoài gan do chèn ép tĩnh mạch trên gan trở lên; Tăng áp tĩnh mạch cửa không do tắc mà do luồng máu đến nhiều hoặc tăng áp tĩnh mạch cửa không rõ nguyên nhân (bệnh banti).
Cần thận trọng ở bệnh nhân xơ gan
Bệnh sẽ không có biểu hiện rõ rệt nếu bệnh nhân không bị đi ngoài, nôn ra máu. Tuy nhiên, biến chứng hay gặp nhất là bệnh nhân có thể bị tái phát hiện tượng chảy máu... Các dấu hiệu và triệu chứng của chảy máu thực quản varices bao gồm: nôn ra máu, phân có máu, sốc trong trường hợp nghiêm trọng.
Thực quản varices là điển hình thường xuyên nhất của biến chứng xơ gan. Một số bệnh gan có thể dẫn đến xơ gan: viêm gan virut B, bệnh gan do rượu và xơ gan đường mật; Máu đông (huyết khối). Một cục máu đông trong các tĩnh mạch cửa hoặc trong một tĩnh mạch có nguồn cấp vào trong tĩnh mạch cửa được gọi là các tĩnh mạch lách có thể gây ra varices thực quản; Nhiễm ký sinh trùng có thể gây hại cho gan, cũng như phổi, ruột và bàng quang; Hội chứng gây ra máu trở lại trong gan... Chính vì vậy, người mắc bệnh xơ gan cần thăm khám bác sĩ thường xuyên để phát hiện bệnh. Nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh gan, hãy hỏi bác sĩ về nguy cơ giãn tĩnh mạch thực quản và làm thế nào có thể làm giảm nguy cơ bị các biến chứng. Nếu đã được chẩn đoán với varices thực quản, bác sĩ có thể hướng dẫn phải thận trọng với những dấu hiệu chảy máu. Một khi đã có chảy máu, nguy cơ khác là tăng lên rất nhiều. Trong một số trường hợp, chảy máu có thể gây ra sự mất khối lượng máu rất nhiều dẫn đến sốc và có thể dẫn đến tử vong.
Điều trị thế nào?
Mục tiêu chủ yếu trong điều trị varices thực quản là để ngăn chặn chảy máu. Phương pháp điều trị để ngăn ngừa chảy máu, làm giảm áp lực máu trong tĩnh mạch cửa có thể làm giảm nguy cơ chảy máu thực quản varices.
Nếu bệnh nhẹ, có thể điều trị nội khoa, nhưng khi đã xuất hiện chảy máu thì dùng thuốc đơn thuần và một số dự phòng vỡ tĩnh mạch thực quản thắt tĩnh mạch thực quản thì hiệu quả chưa cao. Đa số những người này cần được phẫu thuật. Giãn tĩnh mạch thực quản chảy máu là đe dọa tính mạng và ngay lập tức điều trị là cần thiết: Sử dụng dải đàn hồi để buộc chảy máu tĩnh mạch; Tiêm thuốc vào tĩnh mạch chảy máu; Các loại thuốc để làm chậm dòng chảy của máu vào tĩnh mạch cửa hoặc chuyển hướng lưu lượng máu đi từ tĩnh mạch cửa...
Duy trì lối sống lành mạnh để phòng bệnh
Nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh gan, có thể lo lắng về nguy cơ biến chứng nặng hơn. Hãy hỏi bác sĩ về các chiến lược để tránh biến chứng bệnh gan. Nó có thể giúp đỡ để thực hiện các bước giữ gan càng khỏe mạnh càng tốt, chẳng hạn như: Không uống rượu, chọn một chế độ ăn uống đầy đủ các loại trái cây và rau quả. Chọn toàn bộ ngũ cốc và các nguồn protein nạc. Giảm lượng thức ăn béo và chiên; Duy trì một trọng lượng cơ thể hợp lý; Cẩn thận khi dùng hóa chất trong sinh hoạt như hóa chất gia dụng, thuốc xịt côn trùng...; Giảm nguy cơ viêm gan: Bảo vệ bản thân bằng cách tiêm vaccin phòng viêm gan và sử dụng bao cao su khi sinh hoạt tình dục tránh lây nhiễm virut viêm gan B.
Các thống kê cho thấy, có đến 50% người mắc bệnh xơ gan bị giãn tĩnh mạch thực quản. Mỗi năm, số người bị giãn tĩnh mạch thực quản tăng khoảng 5 - 15%. Khi giãn tĩnh mạch thực quản chuyển sang biến chứng nặng, tĩnh mạch thực quản sẽ bị vỡ. Nếu bệnh nhân không xơ gan, mức độ tử vong từ 5 - 10%. Nếu kèm theo xơ gan, tỷ lệ tử vong lên tới 40 - 70%. Với bệnh nhân vỡ tĩnh mạch thực quản, 40% trường hợp tự ngưng chảy máu. Thế nhưng, trong vòng 6 tuần sẽ có 30% chảy máu trở lại và trong vòng một năm, tỷ lệ chảy máu tái phát lên đến 70%.

BS. Nguyễn Phương Anh

Vai trò của gan trong chuyển hóa thuốc

Một trong những vai trò hết sức quan trọng của gan là chuyển hóa thuốc, tạo điều kiện thuận lợi cho thuốc đào thải ra khỏi cơ thể.
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất cơ thể, có khối lượng trung bình 1,2 - 1,3kg, nằm dưới cơ hoành ở phần trên bên phải của ổ bụng.
Gan có vai trò hết sức thiết yếu, tham gia hầu hết vào các quá trình tiêu hóa, chuyển hóa, khử độc, đào thải… trong cơ thể.
Quá trình chuyển hóa thuốc ở gan
Các loại thuốc sau khi được uống qua đường miệng: viên nén, viên nang, viên sủi bọt… sẽ được hấp thu qua đường tiêu hóa. Sau đó, thuốc sẽ được hệ tuần hoàn phân phối đến các mạch máu, phóng thích hoạt chất phát huy tác dụng điều trị.
Vai trò của gan trong chuyển hóa thuốc
Tiếp theo quá trình phân phối thuốc là quá trình chuyển hóa thuốc. Quá trình chuyển hóa thuốc có thể diễn ra ở niêm mạc ruột, phổi, huyết tương… nhưng chủ yếu vẫn diễn ra ở gan. Trong quá trình chuyển hóa này, có sự tham gia của các enzyme Cytochrome P450 ở lưới nội chất trơn của tế bào gan trong vai trò chất xúc tác.
Để thấm qua màng tế bào, đa số các loại thuốc là những chất dể hòa tan trong lipid. Khi thuốc qua gan sẽ được chuyển hóa thành những chất chuyển hóa có tính phân cực, dễ dàng hòa tan trong mật và nước tiểu để được đào thải ra ngoài.
Quá trình chuyển hóa thuốc ở gan thường trải qua hai giai đoạn: pha 1 và pha 2. Một vài loại thuốc chỉ chuyển hóa ở pha 1 hoặc pha 2, nhưng đa số thuốc chuyển hóa lần lượt qua pha 1 và pha 2.
Pha 1: xảy ra các phản ứng sinh hóa như phản ứng khử, phản ứng thủy phân nhưng chủ yếu là phản ứng oxy hóa do enzyme Cytochrome P450 xúc tác, thuốc bị ion hóa do các phân tử thuốc bị mất điện tử.
Pha 2: xảy ra các phản ứng kết hợp giữa thuốc với các nhóm ion hóa như: acid glucuronic, glutathione, glycin, gốc methyl, acetyl… tại tế bào chất của tế bào gan, kết quả tạo ra chất chuyển hóa dễ hòa tan trong nước.
Kết quả của quá trình chuyển hóa thuốc là đa số các thuốc bị giảm hoạt tính, một số ít tăng hoạt tính hoặc vẫn giữ hoạt tính, một số tiền chất không hoat tính chuyển sang dạng có hoạt tính, một số trở thành chất chuyển hóa có độc tính.
Một số ví dụ về chuyển hóa thuốc
Acid acetylsalicylic (aspirin) ở pha 1 bị thủy phân thành acid salicylic, ở pha 2 kết hợp với glycin hoặc acid glucuronic thành chất chuyển hóa có tính phân cực, hòa tan trong nước tiểu và được đào thải ra ngoài.
Acetaminophen (paracetamol) ở pha 1 tạo thành chất chuyển hóa có độc tính NAPQI (N-acetyl-p-benzo-quinoneimine), ở pha 2 chất chuyển hóa này sẽ được khử độc khi kết hợp với glutathione.
Cần lưu ý: khi acetaminophen sử dụng ở liều cao, glutathione của tế bào gan không đủ để khử độc chất chuyển hóa và sự tích tụ của chất chuyển hóa có độc tính này sẽ ảnh hưởng đến tế bào gan, gây viêm gan.
Enalapril là một tiền chất không có hoạt tính, ở pha 1 bị thủy phân thành enalaprilat là một chất có hoạt tính làm hạ huyết áp.
Các yếu tố ảnh hưởng
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự chuyển hóa thuốc ở gan:
Do tuổi tác: tuổi càng cao số lượng tế bào gan và khả năng hoạt động của enzyme bị suy giảm.
Ở người cao tuổi và trẻ sơ sinh tốc độ chuyển hóa thuốc ở gan chậm.
Do bệnh lý: một số bệnh lý như suy timsuy thận… làm giảm lưu lượng máu đến gan nên làm giảm khả năng chuyển hóa thuốc.
Do thuốc: một số thuốc gây ức chế enzyme (chloramphenicol, cimetidin, quinine…) làm chậm tốc độ trao đổi chất, một số thuốc gây cảm ứng enzyme (phenobarbital, meprobamat, clorpromazin…) làm tăng tốc độ trao đổi chất.
Do di truyền, giới tính, môi trường…
Do thực phẩm: nước ép quả bưởi ức chế sự hoạt động của enzyme cytochrom P450 nên làm chậm quá trình chuyển hóa thuốc, tích lũy nồng độ thuốc gây hại cho cơ thể. Vì vậy, không được uống nước ép quả bưởi khi đang sử dụng thuốc giảm cholesterol nhóm statin (simvastatin, atorvastatin…), thuốc cao huyết áp nhóm đối kháng canxi (nifedipin, amlodipin…)…

Hút thuốc lá: làm tăng sự hoạt động của enzyme cytochrom P450, ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa thuốc ở gan.

Nhận biết nhiễm khuẩn vùng chậu và bao gan

Có một bệnh hiểm do nhiễm khuẩn vùng chậu, lây lan qua vùng bụng và gây viêm của các mô xung quanh gan còn có tên gọi là hội chứng Fitz- Hugh-Cartis (FHCS). Bệnh gây viêm bao gan, phối hợp với nhiễm khuẩn vùng chậu. Viêm bao gan và nhiễm khuẩn đường sinh dục xảy ra trên 25% bệnh nhân bị bệnh viêm vùng chậu. Đặc trưng của bệnh là cơn đau nhói ở hạ sườn phải, thường đi kèm với các dấu hiệu viêm tử cung.
Cho đến nay, hội chứng FHCS vẫn chưa được hiểu rõ. Các nhà chuyên môn cho rằng có những yếu tố liên quan đến bệnh: một là nhiễm khuẩn gan trực tiếp, vi khuẩn gây viêm bao gan di chuyển từ vùng sinh dục qua các ống dẫn trứng đến đại tràng và đến bao gan. Nhưng do bệnh cũng gặp ở nam giới nên người ta nghĩ rằng phải có một cơ chế nhiễm khuẩn khác. Hai là nhiễm khuẩn qua đường máu: người ta cho rằng vi khuẩn có thể đi từ vùng chậu đến gan qua máu. Tuy nhiên, không có bằng chứng hỗ trợ giả thuyết này trong hầu hết các ca bệnh. Ba là nhiễm qua đường bạch huyết: quan điểm này có phần hợp lý do vi khuẩn có thể lây lan từ vùng chậu đến bao gan thông qua hệ thống bạch huyết. Cơ chế này có thể giải thích lý do vì sao hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh không có bằng chứng của nhiễm khuẩn trong ổ bụng hoặc nhiễm khuẩn máu. Tuy nhiên, không có bằng chứng giải phẫu kết nối hệ thống bạch huyết vùng chậu và vùng gan. Bốn là do phản ứng quá mẫn: FHCS có thể là kết quả của phản ứng quá mẫn đối với vi khuẩn C. trachomatis, bởi nhiều nghiên cứu cho thấy sự tăng cao nồng độ IgG chống Chlamydia ở những bệnh nhân bị viêm bao gan và viêm vòi trứng hơn ở những bệnh nhân chỉ bị viêm vòi trứng.
Hình ảnh viêm bao gan trên phim chụp cắt lớp.
Hình ảnh viêm bao gan trên phim chụp cắt lớp.
Biểu hiện bệnh ở gan và vùng chậu
Bệnh nhân mắc FHCS thường có các triệu chứng như sau: sốt, đau bụng, ra nhiều huyết trắng (ở bệnh nhân nữ). Đau hạ sườn phải: với các cơn đau nhói ở hạ sườn phải. Cơn đau có thể lan lên vai phải hoặc mặt trong cánh tay phải. Kèm theo tình trạng buồn nôn, nôn, nấc, sốt ớn lạnh, đổ mồ hôi về đêm, đau đầu, có cảm giác bứt rứt, khó chịu. Đau tăng khi vận động. Cơn đau hạ sườn phải thường đi kèm với đau bụng dưới, mà rất hiếm khi xảy ra riêng rẽ. Khám thấy bệnh nhân có cơn đau cường độ vừa hoặc dữ dội ở hạ sườn phải; Kiểm tra âm đạo có huyết trắng hôi, ấn đau cổ tử cung hoặc đau phần phụ. Chụp Xquang ngực và bụng loại trừ viêm phổi hoặc có hơi tụ dưới cơ hoành. Siêu âm nghiêng để đánh giá túi mật và gan, có thể loại trừ viêm túi mật, sỏi mật và các nguyên nhân gây đau hạ sườn phải khác. Xét nghiệm nồng độ men gan bình thường hoặc chỉ hơi tăng giúp loại trừ bệnh viêm gan. Bạch cầu bình thường hoặc tăng cao.
Trước một bệnh nhân FHCS, cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh: viêm ruột thừa, viêm cổ tử cung, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, lạc nội mạc tử cung, thai ngoài tử cung.
Cách chữa trị
Việc điều trị cho bệnh nhân mắc FHCS cần sử dụng thuốc kháng sinh sớm, mạnh, có hiệu lực với vi khuẩn. Theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa kỳ (CDC), nên dùng các phác đồ kháng sinh phải có hiệu quả chống lại trachomatis, gonorrhoeae, các vi khuẩn gram âm, vi khuẩn yếm khí và liên cầu khuẩn. Dùng thuốc giảm đau và các vitamin C, nhóm B hỗ trợ chức năng gan.
Chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng trong bảo tồn khả năng sinh sản của phụ nữ mắc bệnh. Liệu pháp sử dụng kháng sinh đơn thuần kết quả thành công trong 33 - 75% trường hợp. Phẫu thuật là điều cần thiết trong các trường hợp điều trị bảo tồn không đạt được kết quả.
Lời khuyên của bác sĩ
Bản chất của FHCS là nhiễm khuẩn, vì vậy, việc phòng bệnh quan trọng nhất là chống nhiễm khuẩn, trong đó chống nhiễm khuẩn cơ quan sinh dục là quan trọng nhất. Các biện pháp phòng bệnh bao gồm: quan hệ tình dục an toàn với việc sử dụng bao cao su để phòng tránh các bệnh lây lan qua đường tình dục; vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi quan hệ tình dục; khám phát hiện và điều trị tích cực các bệnh viêm nhiễm phụ khoa; thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất để có thể lực tốt; tập thể dục đều đặn để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Biến chứng có thể gặp
Nếu bệnh nhân mắc FHCS không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, thường gặp các biến chứng: viêm vùng chậu, áp-xe buồng trứng, khả năng sinh sản trong tương lai có thể bị suy giảm hoặc có thể có nhiều nguy cơ bị thai ngoài tử cung, vô sinh, cấy ghép thất bại khi thụ tinh trong ống nghiệm...

BS. Bùi Thị Thu Hương

Sau ghép gan, sống có thọ?

Hiện tỷ lệ viêm gan tại Việt Nam ở mức cao, kéo theo đó là số người cần được ghép gan tăng theo.
Đúng mười năm sau ca ghép gan đầu tiên thành công, các bác sĩ Việt Nam đã ghi danh mình trên bản đồ ghép tạng nói chung và ghép gan nói riêng. PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Quyết, giám đốc bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) – một trong những cơ sở thực hiện thành công nhiều ca ghép gan – đã chia sẻ một số thông tin liên quan đến kỹ thuật ghép gan ở Việt Nam.

PGS. TS. BS Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức- Hà Nội.
PGS. TS. BS Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức- Hà Nội.

Những trường hợp nào cần phải tiến hành ghép gan để duy trì cuộc sống, thưa ông?
Trước khi quyết định có cần ghép gan hay không bác sĩ sẽ khám và chẩn đoán. Người cần ghép gan là những người gan bị suy nặng giai đoạn cuối. Ghép gan là biện pháp sau cùng cho những bệnh nhân mắc bệnh gan không còn đáp ứng với điều trị bằng thuốc. Ghép gan có hai cách: gan cho được lấy từ người bị chết não hoặc gan được lấy từ người còn sống.
Như vậy bất cứ ai suy gan giai đoạn cuối cũng đều phải ghép mới hy vọng kéo dài sự sống?
Ghép gan là cần thiết nhưng còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Để tiến hành một ca ghép gan cần có hội đồng, trong đó bao gồm các bác sĩ ở nhiều chuyên khoa khác nhau. Trước hết là người ghép, cần được kiểm tra sức khoẻ xem có đáp ứng được ca phẫu thuật không, có đủ điều kiện ghép không. Ghép gan có hai cách: gan cho được lấy từ người bị chết não hoặc lấy từ người còn sống. Người cho gan có thể là người sống, đáp ứng đủ các yêu cầu phù hợp với người nhận.
Có thông tin sau khi ghép gan bệnh nhân chỉ sống được khoảng sáu năm, đúng không?
Sau ghép gan bệnh nhân phải dùng thuốc ức chế miễn dịch để chống lại sự thải ghép. Bệnh nhân sau ghép gan vẫn cần theo dõi sức khoẻ và khám định kỳ. Việc phục hồi nhanh hay chậm còn phụ thuộc nhiều yếu tố như tinh thần, thuốc dùng, khả năng đáp ứng… Sau ghép gan, người bệnh sẽ có chức năng gan cũng như chất lượng cuộc sống tốt. Tuổi thọ phụ thuộc vào cơ địa, khả năng thích ứng cùng nhiều yếu tố khác nữa.
Theo đánh giá của ông, trình độ ghép gan của các bác sĩ Việt Nam đã đạt được mức độ nào?
Tôi có thể khẳng định kỹ thuật ghép tạng nói chung cũng như ghép gan của Việt Nam không thua bất cứ một nước nào. Từ ca ghép gan đầu tiên thành công cho bệnh nhi cách đây mười năm, đến nay kỹ thuật này đã được triển khai ở nhiều cơ sở. Cản trở lớn nhất trong lĩnh vực này ở nước ta hiện nay là thiếu người cho tạng, do ảnh hưởng của tâm lý, tôn giáo, tín ngưỡng trong nhân dân. Bên cạnh đó, dù chi phí ghép tạng của Việt Nam ở mức thấp nhất so với các nước, nhưng so với thu nhập của người dân thì vẫn quá cao.
Hiện nhiều bệnh nhân suy gan chạy ra nước ngoài ghép với hy vọng kỹ thuật tốt hơn, ông có ý kiến gì về việc này?
Cùng một kỹ thuật nhưng chi phí ở Việt Nam rẻ bằng 1/3 khu vực và trên thế giới. Không phải người bệnh nào ra nước ngoài chữa bệnh cũng khỏi bệnh. Bệnh viện Việt Đức từng tiếp nhận 5 – 6 trường hợp sau khi đi ghép gan, ghép thận ở nước ngoài về phải tới bệnh viện điều trị do tai biến hay phải ghép lại. Đau xót hơn, có trường hợp mất cả tỉ đồng ra nước ngoài ghép gan nhưng khi về nước chỉ sống thêm chưa đầy một tháng.
Nhiều người cho rằng cho đi một nửa gan thì họ cũng mất đi một nửa sức khoẻ, thậm chí có nguy cơ tử vong vì biến chứng sau khi cho gan, có đúng không?
Sức khoẻ của người cho gan hoàn toàn bình thường sau ca ghép, bởi gan của người hiến sẽ tự tái tạo sau một thời gian. Cùng với đó, chức năng hoạt động của gan thường không bị ảnh hưởng sau phẫu thuật.


Chi phí ghép gan ở Việt Nam khoảng 1,5 tỉ đồng
Chi phí một ca ghép gan ở bệnh viện Việt Đức khoảng 1,5 tỉ đồng, do vậy không phải người bệnh nào cũng có điều kiện để ghép. Mặt khác, nguồn tạng hiến hiện rất khan hiếm. Bốn năm nay mới có 20 người chết não hiến tạng, trong khi số bệnh nhân đăng ký ghép tạng là cực lớn. Từ năm 2007 đến nay, bệnh viện Việt Đức đã thực hiện 19 ca ghép gan thành công, trong đó có 16 ca lấy gan từ người chết não. Để thực hiện một ca ghép gan từ người chết não, bệnh viện Việt – Đức phải huy động tới 150 y, bác sĩ, điều dưỡng. Khâu chuẩn bị ghép phải tính toán mọi tình huống có thể xảy ra, đặc biệt về gây mê, hồi sức. Khi mổ nối các mạch máu, tĩnh mạch, động mạch và đường mật xong phải có siêu âm màu ngay tại bàn mổ để kiểm tra. Từng giai đoạn phải tính toán chuẩn xác tới từng chi tiết nhỏ. Sau mổ phải có tám điều dưỡng phục vụ bệnh nhân. Thời gian ghép gan nhanh nhất là năm tiếng, lâu nhất 12 tiếng. Bệnh nhân sau ghép nhanh nhất 15 ngày được ra viện, lâu nhất một tháng rưỡi.


Theo SGTT

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons