Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

7 dấu hiệu cho thấy gan bạn đã bị tổn thương

Gan là cơ quan nội tạng quan trọng nhất của cơ thể. Nếu chức năng gan hoạt động không tốt chứng tỏ gan không khỏe mạnh.

Gan không khỏe mạnh sẽ khiến cơ thể sẽ mắc rất nhiều bệnh. Một số triệu chứng của tổn thương gan mà bạn cần lưu ý.
1. Hơi thở "có mùi"
Có thể chưa bao giờ bạn nghĩ rằng hơi thở "có mùi" lại có thể là một dấu hiệu của tổn thương gan. Nếu gan của bạn không hoạt động tốt thì miệng thường có mùi. Tình trạng này là do cơ thể sản sinh quá nhiều ammonia.
2. Quầng thâm quanh mắt và mỏi mắt
Chức năng gan bị tổn thương có thể liên quan với tổn thương da và mệt mỏi ở mắt. Da dưới mắt cũng phản ánh tình trạng sức khỏe của con người. Nếu bạn thấy rất khó để khỏi quầng thâm mắt và mỏi mắt thì hãy đi khám bác sĩ ngay. Đó có thể là một dấu hiệu của tổn thương gan.
7 dấu hiệu nhận biết gan không khỏe mạnh 1
Ảnh minh họa
3. Các vấn đề nghiêm trọng về tiêu hóa
Nếu gan chứa nhiều chất béo, bạn sẽ không thể tiêu hóa cả nước. Tuy nhiên, các vấn đề về tiêu hóa ở mức nhẹ song xảy ra trong khoảng thời gan đều đặt thì cũng có thể là chỉ báo cho thấy gan bị tổn thương.
4. Thay đổi về màu da
Những thay đổi ở màu da có thể xảy ra là do tổn thương gan . Những đốm trắng trên da có thể xuất hiện khi chức năng gan hoạt động không tốt.
5. Phân và nước tiểu màu ngăm đen
Những người có các vấn đề về mất nước thường có phân và nước tiểu màu nâu sậm. Ngoài triệu chứng của mất nước thì hiện tượng này cũng là chỉ báo về chức năng gan hoạt động không tốt.
6. Mắt và móng tay bị vàng
Khi màu trắng của mắt và của móng tay ngả sang màu vàng thì bạn nên đi khám bác sỹ ngay để được chữa trị kịp thời.
7. Trướng bụng
Gan sẽ to lên do nhiễm trùng hoặc tổn thương gan. Nếu bệnh tình không được điều trị, dạ dày của bạn cũng sẽ phình lên.
Để giúp gan khỏe mạnh, bạn nên tránh các thói quen ăn uống không lành mạnh, đặc biệt là những thức ăn chứa nhiều chất béo. Ngoài ra, bạn nên uống nhiều nước và ăn những thức ăn tốt cho sức khỏe như rau và trái cây.

Bảo vệ gan bằng các liệu pháp đơn giản

Bất kỳ rối loạn chức năng gan nào cũng có thể dẫn đến bệnh gan. Gan là cơ quan chịu trách nhiệm đối với một số chức năng quan trọng trong cơ thể.

Khi gan bị tổn thương, cơ thể sẽ gặp trục trặc.

Củ nghệ có đặc tính khử trùng và hoạt động như một chất chống oxy hóa cực tốt, vì thế nó có thể cải thiện đáng kể sức khỏe của gan - Ảnh: Shutterstock Củ nghệ có đặc tính khử trùng và hoạt động như một chất chống oxy hóa cực tốt, vì thế nó có thể cải thiện đáng kể sức khỏe của gan - Ảnh: Shutterstock

Lý do, gan đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa đường, chất béo và sắt. Nó tạo ra mật giúp tiêu hóa chất béo. Nó cũng tham gia vào việc sản xuất protein và liên quan đến các yếu tố đông máu.
Các triệu chứng của bệnh gan bao gồm mệt mỏi, suy nhược, sụt cân, buồn nôn, nôn, vàng da. Theo Myhealthtips, 75% các mô gan bị hỏng sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng của gan. Một số liệu pháp sau có thể giúp phục hồi gan hư tổn.
Cây cúc gai
Milk Thistle hay còn gọi là cây cúc gai có nguồn gốc ở Địa Trung Hải. Khi lá cây và thân cây vỡ ra sẽ tiết ra một loại nhựa sữa gọi là Milk Thistle. Thảo mộc này có 1 hợp chất rất quý là silymarin chuyên dùng để chữa bệnh liên quan đến gan. Có bằng chứng cho thấy phương thuốc này có lợi cho bệnh nhân viêm gan siêu vi, xơ gan, viêm gan do rượu, nhiễm độc do hóa chất…
Giấm táo
Đây là phương thuốc giúp giải độc gan hiệu quả. Nếu uống trước bữa ăn, giấm táo sẽ giúp quá trình chuyển hóa chất béo diễn ra dễ dàng hơn. Có thể trộn một muỗng canh giấm táo trong một cốc nước để uống hoặc thêm vào mật ong. Uống hỗn hợp này ba lần một ngày có tác dụng làm sạch gan.
Bồ công anh
Bột bồ công anh phát huy công dụng trong việc thúc đẩy chức năng gan khỏe mạnh. Cũng có thể đun sôi một ít rễ bồ công anh rồi lọc lấy nước uống hằng ngày để giải độc cho gan.
Cam thảo
Thảo dược này là phương thuốc tuyệt vời cho người bị gan nhiễm mỡ. Dùng bột rễ cam thảo pha trà uống một hoặc hai lần trong ngày để thanh lọc những chất độc trong gan.
Nghệ
Củ nghệ có đặc tính khử trùng và hoạt động như một chất chống oxy hóa cực tốt, vì thế nó có thể cải thiện đáng kể sức khỏe của gan. Tác dụng kháng vi rút của nghệ ngăn chặn sự xâm nhập và bùng phát của các vi rút gây viêm gan B và C. Dùng nghệ như một gia vị trong chế biến món ăn hoặc pha ½ muỗng canh bột nghệ với sữa hoặc mật ong và uống mỗi ngày rất tốt cho gan. 
Hạt lanh
Gan loại bỏ các kích thích tố lưu hành trong máu. Các kích thích tố này chính là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng cho gan. Các phytoconstituent trong hạt lanh ngăn cản các kích thích tố này tuần hoàn trong máu và làm giảm căng thẳng cho gan.
Đu đủ
Loại trái cây này đặc biệt hiệu quả đối với bệnh nhân xơ gan. Theo các nhà khoa học, đây là một trong những phương thuốc tự nhiên an toàn nhất cho bệnh gan. Ăn đu đủ trong vòng 3-4 tuần có thể giúp chữa lành các tổn thương của gan.
Ăn đu đủ trong vòng 3-4 tuần có thể giúp chữa lành các tổn thương của gan - Ảnh: Shutterstock
Tránh rượu
Nếu muốn giữ gan khỏe mạnh, cần tránh xa rượu. Rượu chính là tác nhân gây hại cho gan.
Bơ và quả óc chó
Nếu muốn bảo vệ gan, cần bổ sung bơ và quả óc chó vào chế độ ăn uống. Glutathione trong quả bơ và quả óc chó có tác dụng làm sạch các độc tố lắng đọng trong gan.
Táo và rau xanh
Các loại rau lá xanh kích thích dòng chảy của mật và pectin có trong táo loại bỏ độc tố nạp vào cơ thể thông qua đường tiêu hóa.
Uống nhiều nước
Nước giúp tống khứ các chất độc ra khỏi cơ thể. Uống từ 8-10 ly nước mỗi ngày để giữ cho gan khỏe mạnh.
Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên kích thích quá trình tiêu hóa thức ăn và loại bỏ chất béo ra khỏi cơ thể. Tập thể dục còn được biết đến với tác dụng làm tăng khả năng tiết mồ hôi để giúp loại bỏ các độc tố qua da. Điều này làm giảm căng thẳng cho gan.
Trà xanh
Đây là biện pháp bảo vệ và duy trì sức khỏe của gan một cách tuyệt vời. Trà xanh chứa lượng lớn catechin có công dụng hỗ trợ chức năng gan.
Ngoài các biện pháp trên, muốn gan khỏe mạnh, cần tránh thuốc lá và hạn chế sử dụng quá mức các chất bổ sung sắt.

Theo Ngọc Khuê - Thanh Niên

Phòng lây viêm gan siêu vi B từ mẹ sang con

Viêm gan siêu vi B mạn tính có khoảng 20% ở dạng hoạt động, có khả năng diễn tiến thành xơ gan, ung thư gan.

Nếu người mẹ bị viêm gan B còn có thể gây ảnh hưởng đến thai như nguy cơ sinh non dưới 34 tuần, chuyển dạ sớm có biến chứng, xuất huyết trước sinh, đái tháo đường thai kỳ, bé sinh ra bị suy hô hấp... Vậy để không lây nhiễm sang con, thai phụ cần làm gì?
Con đường lây nhiễm
Ở vùng lưu hành cao, lây nhiễm chủ yếu theo con đường từ mẹ sang con. Khi mẹ nhiễm HBV thì có thể truyền cho con vào giai đoạn trước khi sinh, trong lúc sinh và ngay cả sau sinh. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp lây nhiễm được ghi nhận vào lúc chuyển dạ và lúc sinh. 
Trẻ nhiễm HBV càng nhỏ, tỷ lệ diễn biến mạn tính càng cao. HBV được lây nhiễm chủ yếu qua máu và các loại dịch tiết của cơ thể. Nồng độ siêu vi cao nhất trong máu; ở mức độ trung bình trong tinh dịch, dịch âm đạo, nước bọt; thấp nhất trong nước tiểu, phân và sữa mẹ.
Tiêm vaccin viêm gan B để phòng bệnh cho trẻ em. Ảnh: T.M
Tiêm vaccin viêm gan B để phòng bệnh cho trẻ em. Ảnh: T.M
Dự phòng như thế nào?
Để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh cho bé từ mẹ thì sau khi sinh bé cần được tiêm ngừa viêm gan B trong vòng 12 - 24 giờ đầu sau sinh. Khi đó bé sẽ có hơn 95% cơ hội không bị mắc viêm gan B sau này. Nếu không tiêm phòng đúng cách (hoặc tiêm phòng quá muộn), bé có nguy cơ viêm gan B rất cao.
Với mẹ nhiễm viêm gan B có HBsAg dương tính (cơ thể đang bị nhiễm siêu vi B) và HBeAg âm tính (siêu vi B đang trong giai đoạn nằm yên, không sinh sôi nảy nở) thì ngay sau sinh, bé được tiêm một liều HBIG (Hepatitis B Immune Globulin) và một mũi vaccin ngừa viêm gan B thông thường.
HBIG không phải là chủng ngừa mà là chủng dự phòng cho bé có kháng thể ngay để đề kháng với viêm gan B nếu mẹ bé mang virut viêm gan B. Vaccin được tiêm nhắc lại vào thời điểm tháng thứ hai và tháng thứ tư sau sinh.
Nếu mẹ có cả HBsAg dương tính và HBeAg dương tính thì bé sẽ được tiêm hai liều HBIG và một mũi vaccin ngừa viêm gan B thông thường. Các mũi vaccin tiếp theo sẽ tiêm ở tháng thứ hai và tháng thứ tư. Vaccin này tiêm theo lịch tiêm chủng mở rộng quốc gia cho tất cả trẻ em sau sinh.
Khi tiêm phòng cho trẻ sơ sinh thì tỷ lệ lây nhiễm HBV theo đường dọc (từ mẹ con) giảm từ 90% xuống còn khoảng 1,1 - 15%. Tỷ lệ này có khoảng thay đổi khá rộng liên quan rất nhiều đến sự tuân thủ của bệnh nhân vào chương trình theo dõi sau tiêm phòng hay không.
Hiệu quả phòng ngừa
Ngay sau khi sinh em bé được tiêm HBIG miễn dịch kháng viêm gan B thì có hiệu quả tức thì và kéo dài khoảng từ 3 - 6 tháng. Đối với bà mẹ mang HbsAg (+) và HBeAg (+), HBIG được bổ sung vào chương trình tiêm chủng viêm gan B, giảm được tỷ lệ lây nhiễm nhiều hơn tiêm vaccin phòng. 
Tuy nhiên, mặc dù trẻ được chủng ngừa thụ động - chủ động nhưng cũng không thể ngăn chặn tất cả trường hợp lây nhiễm HBV từ mẹ nếu trong khi mang thai, nồng độ virut trong máu mẹ tăng cao hơn 10 triệu phiên bản/ml máu. Vì thế, hiện nay đối với thai phụ nhiễm HBV nếu xét nghiệm cho thấy nồng độ virut tăng cao thì sẽ được điều trị thuốc chống siêu vi, nhờ vậy sẽ giảm tỷ lệ lây HBV cho thai nhi. 
Điều trị nên bắt đầu vào 3 tháng cuối của thai kỳ, tốt nhất vào khoảng 6 - 8 tuần trước sinh (thời điểm thích hợp để giảm nồng độ siêu vi trong máu mẹ) và nên tiếp tục kéo dài thêm khoảng 4 tuần sau sinh. Người mẹ nên được theo dõi thường xuyên xem bệnh có phát triển sau khi ngưng thuốc hay không. Mổ sinh chưa được chứng minh một cách chắc chắn là làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HBV trước, trong và sau sinh, vì vậy không nên thực hiện mổ sinh với lý do người mẹ nhiễm HBV.
Lời khuyên của thầy thuốc
Theo dõi sau sinh: Trẻ sơ sinh, con của bà mẹ HBsAg (+), HBeAg (+) có nhiều nguy cơ bị nhiễm HBV mạn tính, tỷ lệ này thay đổi từ 70 - 90% sau sinh 6 tháng nếu như không được dự phòng bằng HBIG và vaccin. Trẻ sơ sinh con của bà mẹ HBsAg (+) nên được tiêm phòng sớm trong vòng 12 giờ sau sinh bằng HBIG và vaccin. Các liều thuốc chủng tiếp theo cần được thực hiện đúng lịch. 
Theo dõi và kiểm tra HBsAg và anti-HBs vào lúc trẻ được 9 - 15 tháng. Vào giai đoạn sau sinh, người mẹ cần được theo dõi viêm gan bùng phát do ngưng thuốc. Một trong những kiểu lây nhiễm HBV cần quan tâm là lây nhiễm qua sữa mẹ. Một vài nghiên cứu cho thấy trong sữa mẹ có một số lượng nhỏ HBsAg, nhưng bú mẹ không làm tăng nguy cơ lây nhiễm HBV từ bà mẹ mang HBsAg (+) sang cho con. 
Ngoài ra, khi trẻ sơ sinh được dùng HBIG và vaccin sẽ giúp trẻ chống lại được nhiễm HBV. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), trẻ sơ sinh có thể bú mẹ ngay sau khi sinh với điều kiện có chủng ngừa như đã nêu trên. Bú bình được đề nghị cho những trẻ con của bà mẹ có núm vú bị nứt hay nhiễm khuẩn vú.
Trung bình mỗi năm có từ 10 - 30 triệu người nhiễm HBV, ước tính có khoảng 1 triệu người chết do HBV và do những biến chứng của bệnh. Như vậy, trung bình mỗi phút có 2 người chết vì HBV. Đây là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 10 trên toàn thế giới. Bệnh thường không có triệu chứng, phần lớn người bệnh không có biểu hiện gì và vẫn sinh hoạt bình thường, chỉ phát hiện khi tình cờ đi làm xét nghiệm máu (HBsAg).

Theo PGS.TS. Vũ Thị Nhung - Sức khỏe và Đời sống

Cách ăn uống thông minh cho người ung thư gan

Không có chế độ dinh dưỡng trị triệt để ung thư gan. Tuy vậy, duy trì ăn uống lành mạnh góp phần rút ngắn thời gian phục hồi.


Theo Hải Yến - Kiến thức

Cây nhọ nồi hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ

Cỏ nhọ nồi, có vị đắng là loại cây nhỏ sống vài năm, thường mọc hoang ở cánh đồng, bờ ao, vườn nhà.


Cây nhọ nồi hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ
Cây nhọ nồi. 

Dân gian thường dùng cây làm vị thuốc cầm máu, hạ sốt. Một số bài thuốc từ cỏ nhọ nồi như sau.
Chữa viêm họng: Cỏ nhọ nồi 20g, bồ công anh 20g, củ rẻ quạt 12g, kim ngân hoa 16g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa gan nhiễm mỡCỏ nhọ nồi 30g, nữ trinh tử 20g, trạch tả 15g, đương quy 15g. Trường hợp gan nhiễm mỡ do nghiện rượu thì thêm: Cát căn 30g, chỉ củ tử (hạt khúng khéng) 15g, bồ công anh 15g; Người béo phì dẫn đến gan nhiễm mỡ thì thêm: đại hoàng 6g, lá sen 15g. Sắc lấy nước uống, mỗi ngày một thang.

Cầm máu: Khi bị va chạm, mụn nhọt chảy máu, thậm chí có mủ, bạn giã khoảng 50g nhọ nồi, cho ít mối trắng, giã vắt lấy bã, dùng khăn mềm đắp vào chỗ chảy máu, mụn nhọt trong khoảng 10 phút sẽ cầm máu, chỗ bị mụn sẽ đỡ sưng tấy, bã nhọ nồi sẽ hút mủ ra.

Chữa khạc ra máu: Cỏ nhọ nồi 60g, rễ cỏ tranh 40g, thêm ít thịt lợn nạc, ninh tất cả với nhau lấy ngày 3 lần nước uống.

Chữa chảy máu cam: Cỏ nhọ nồi 20g, hoa hòe sao đen 20g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày một lần.
Chữa tiêu chảy ra máu: Bị đi đại tiện kèm theo ra ít máu nhầy, không nên quá lo lắng. Bạn lấy cỏ nhọ nồi đem sấy khô trên miếng ngói, tán bột, uống mỗi lần 6g với nước cháo.
Chữa cơ thể suy nhược, thiếu máu, ăn không ngon: Cỏ nhọ nồi, mần trầu mỗi vị 100g, gừng khô 50g, các vị chặt nhỏ sao sơ, khử thổ, đổ vào 3 chén nước dừa tươi, nấu còn 8 phân, uống ngày 2 lần.

Theo TS Lê Thị Thanh Nhạn - Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam
Kiến thức

Ngứa kéo dài là dấu hiệu cảnh báo bệnh gan

Chế độ ăn nhiều hóa chất, phẩm màu, thực phẩm nhiễm nấm mốc..., quan hệ tình dục không an toàn góp phần làm gia tăng các bệnh về gan.

Gan là một trong những cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể, đảm nhận trên 500 chức năng khác nhau. Các bệnh về gan thường diễn tiến âm thầm, không có biểu hiện triệu chứng trừ khi tổn thương trầm trọng, vì thế khó phát hiện ở giai đoạn sớm. 
Nếu không được theo dõi, điều trị kịp thời các bệnh về gan sẽ dẫn đến suy chức năng gan nặng không hồi phục, xơ gan, ung thư gan và có thể tử vong.
ThS.BS Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng Khoa Nội tiêu hóa, BV Nhân dân 115 cho biết, phần lớn bệnh gan là do những thói quen không tốt như rượu, bia, thuốc lá, thực phẩm không an toàn, lối sống không lành mạnh.
Sử dụng thực phẩm bị nấm mốc gây nguy hại cho gan. Ảnh minh họa.
Sử dụng thực phẩm bị nấm mốc sẽgây nguy hại cho gan. Ảnh minh họa.
Một số dấu hiệu suy giảm chức năng gan và cảnh báo bệnh gan
- Tăng cân hoặc giảm cân quá mức không giải thích được nguyên nhân.
- Rối loạn giấc ngủ, rối loạn trí nhớ, lơ mơ, hôn mê...
- Mệt mỏi thường xuyên.
- Mất sự ham muốn tình dục, suy giảm khả năng tình dục.
- Ngứa kéo dài và lan rộng.
Ở giai đoạn nặng thường có các biểu hiện vàng da, vàng mắt, nước tiểu sậm màu, đau bụng, nôn ói, chán ăn, ói ra máu, đi cầu phân đen hoặc có máu, bụng to bất thường...
Để giúp giải độc gan, phục hồi và tăng cường chức năng gan, trong chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt cần tránh các tác nhân gây tổn hại gan như:
- Uống nhiều rượu bia.
- Chế độ dinh dưỡng không cân bằng: nhiều chất béo, ít chất xơ.
- Sử dụng thường xuyên các thực phẩm không an toàn (nhiều hóa chất, phẩm màu, thực phẩm nhiễm nấm mốc...).
- Sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ.
- Môi trường sống ô nhiễm, hút thuốc lá...
- Hành vi tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh gan: tiêm chích không an toàn, quan hệ tình dục không an toàn...
- Béo phì, suy dinh dưỡng.
Cần tăng cường tác nhân bảo vệ gan:
- Tập thể dục, tăng cường sức khỏe, kiểm soát trọng lượng cơ thể.
- Khám và kiểm tra định kỳ đặc biệt ở những người có yếu tố nguy cơ (nhiễm viêm gan siêu vi B, C, uống nhiều rượu bia, gia đình có người mắc bệnh gan, béo phì).
- Chế độ dinh dưỡng phù hợp: ít béo, tránh dư thừa chất đạm, chất ngọt, không nên ăn quá nhiều thức ăn chế biến theo kiểu chiên rán, nướng cháy khét, sử dụng nhiều gia vị, hóa chất...
- Ăn nhiều ngũ cốc, rau xanh, trái cây tươi có chứa chất xơ.
- Tránh xa các chất kích thích có chứa nồng độ cồn cao, nhất là rượu bia. Rượu bia chính là "kẻ thù" làm suy hại các chức năng gan.
- Chủng ngừa viêm gan siêu vi B nếu không có chống chỉ định, chủng ngừa giúp tránh nguy cơ nhiễm bệnh 90% cho trẻ em và người lớn.

Theo Lê Phương - VnExpress

Viêm gan B có đáng lo?

Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ nhiễm virút viêm gan B mãn khá cao (15-20%). Hiểu rõ bệnh này sẽ giúp mọi người có thái độ thích hợp trong theo dõi điều trị và phòng ngừa.






Khám và tư vấn viêm gan ở BV Nguyễn Tri Phương - Ảnh: T.L.N.P.
Bệnh viêm gan B - gọi đầy đủ là viêm gan siêu vi B - gây ra do một loại virút được đặt tên là "virút viêm gan B" (viết tắt là HBV).
Gồm những thể bệnh nào?
* Viêm gan B cấp:
- Triệu chứng: mệt mỏi, chán ăn, tiểu sậm màu, vàng da, vàng mắt, xét nghiệm có men gan tăng cao. Nếu bệnh xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, triệu chứng rất mờ nhạt, không ồ ạt, mà chỉ là tiểu sậm màu thoáng qua, ăn kém.
- Khả năng hồi phục tùy thuộc độ tuổi bị mắc bệnh. Nếu mắc bệnh dưới 10 tuổi, nhất là dưới 1 tuổi, thì 90% trường hợp virút vẫn tồn tại âm thầm trong cơ thể nhiều tháng, nhiều năm gây ra nhiễm viêm gan B mãn. Ngược lại nếu nhiễm bệnh tuổi trên 10 - nhất là trên 18 tuổi - 90% trường hợp sẽ hồi phục hoàn toàn.
* Nhiễm viêm gan B mãn thể người lành mang mầm:
Bệnh nhân thường là trẻ em hoặc người dưới 30 tuổi, không triệu chứng, tình cờ phát hiện khi kiểm tra sức khỏe tổng quát, khi hiến máu, kiểm tra khi mang thai hay khám sức khỏe để đi nước ngoài... 
Nếu ở thể bệnh này, virút viêm gan B sinh sản rất nhiều trong gan và máu (lượng virút trong máu có thể hàng trăm triệu), nhưng chúng không tấn công hoặc tấn công rất ít vào lá gan chúng ta nên gan vẫn mềm mại, không bị hư hại.
* Nhiễm viêm gan B mãn thể ngủ yên:
Virút viêm gan B nằm yên, sinh sản kém với lượng virút trong máu âm tính hoặc rất thấp, không tấn công gan nên xét nghiệm men gan và chức năng gan cũng còn khá tốt. Thể này thường gặp do kết quả của thuốc điều trị được sử dụng đúng thời điểm, hoặc đôi khi phát hiện tình cờ khi kiểm tra sức khỏe là do khả năng đề kháng của cơ thể giúp khống chế được virút một phần.
* Nhiễm viêm gan B mãn thể hoạt động (viêm gan siêu vi B mãn):
Bệnh nhân thường trên 30 tuổi, có triệu chứng như mệt mỏi, đau tức vùng gan, ăn kém, ngứa, da sậm màu hơn so với trước đây dù không đi nắng nhiều, xuất hiện các nốt đỏ ở da ngực, da lưng. Tuy nhiên cũng có một số bệnh nhân không triệu chứng, chỉ tình cờ phát hiện khi kiểm tra sức khỏe.
Ở thể này virút có thể sinh sản nhiều, rất nhiều hoặc vừa phải nhưng quan trọng là virút bắt đầu tấn công gan, làm gan to ra, không còn mềm mại nữa và xét nghiệm có men gan tăng cao.
Bệnh nhân viêm gan B mãn cần làm gì?
Nên đi khám và tư vấn bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa - gan mật để được làm một số xét nghiệm chuyên sâu nhằm xác định bệnh thể ngủ yên, thể người lành mang mầm hay thể hoạt động:
+ Nếu ở thể hoạt động, cần được điều trị thuốc thích hợp ngay lập tức.
+ Nếu ở thể ngủ yên hay thể người lành mang mầm, cần theo dõi định kỳ mỗi 6-12 tháng xét nghiệm đánh giá chức năng gan và mức độ hoạt động của virút để phát hiện kịp thời khi bệnh chuyển sang thể hoạt động.
- Bỏ rượu bia.
- Hạn chế thức ăn chứa nhiều chất sắt như thịt bò, lòng đỏ trứng, rau có màu xanh đậm như cải xoong vì dễ gây ứ đọng chất sắt trong cơ thể và trong gan.
- Nên uống nhiều nước và ăn nhiều trái cây như cà chua, bưởi, cam, cá biển do có nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E, selenium.
Nhiễm viêm gan B có nên mang thai?
Tư vấn với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa - gan mật để được xác định ở thể hoạt động hay ở thể người lành mang mầm, thể ngủ yên. Nếu không phải thể hoạt động:
- Có thai bình thường.
- Theo dõi với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa - gan mật trong thời gian mang thai.
- Phòng ngừa lây truyền từ mẹ sang con:
+ Ba tháng cuối thai kỳ, bác sĩ sẽ quyết định dùng thuốc ngắn hạn để giảm lượng siêu vi trong máu nhằm giảm khả năng lây cho thai khi sinh.
+ Chủng ngừa với kháng thể thụ động (HBIg) đồng thời với tiêm liều văcxin phòng ngừa viêm gan B đầu tiên trong vòng 12 giờ sau sinh. Sau đó tiếp tục tiêm ngừa văcxin viêm gan B liều thứ hai khi bé được 1-2 tháng và liều thứ ba khi bé được 6 tháng.
+ Vẫn cho trẻ bú mẹ bình thường nếu trẻ được chích ngừa đủ, trừ khi đầu vú mẹ bị nứt nẻ, lở loét dễ chảy máu.
- Nếu thể hoạt động:
+ Theo dõi và điều trị với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa - gan mật.
+ Khi bệnh ổn định có thể ngưng thuốc và có thai bình thường.
+ Khi mang thai cần theo dõi vì có thể bệnh sẽ hoạt động trở lại.
Cần lưu ý dùng thuốc thời điểm bệnh ở thể hoạt động mới đạt hiệu quả cao. Thuốc điều trị có hai nhóm chính:
+ Nhóm thuốc uống diệt trực tiếp virút: ít tác dụng phụ, cần điều trị duy trì kéo dài. Dùng thuốc tối thiểu 3-5 năm.
+ Nhóm thuốc chích: với ưu điểm mới là kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể chúng ta tự tiêu diệt virút, chỉ cần dùng trong một năm, khả năng duy trì đáp ứng tốt sau 2-3 năm ngưng thuốc, nhược điểm là có nhiều tác dụng phụ.

Theo BS Trần Ngọc Lưu Phương - Tuổi Trẻ

Đối phó với viêm gan siêu vi C

Có người nghĩ bị viêm gan C thật đáng sợ, khi mắc bệnh có thể ảnh hưởng tính mạng?


Hút thuốc lá dễ làm tình trạng bệnh gan nặng thêm
Bệnh viêm gan C gọi đầy đủ là viêm gan siêu vi C gây ra do loại virút (nhỏ bé hơn cả vi trùng) được đặt tên là "virút viêm gan C" (viết tắt là HCV). 
Viêm gan C không nặng hơn viêm gan B vì B và C chỉ là tên riêng do các bác sĩ đặt cho hai loại virút này thôi chứ không mang ý nghĩa viêm gan C là giai đoạn sau của viêm gan B. Virút viêm gan C có sáu phân nhóm được đánh số từ 1-6, trong đó phân nhóm 1 nặng nhất vì dễ bị kháng thuốc và tái phát sau điều trị.
Bệnh viêm gan C gồm những thể bệnh nào?
* Viêm gan C cấp tính:
- Viêm gan C cấp không triệu chứng:
+ Xảy ra trong vòng 2-12 tuần sau khi bị lây nhiễm.
+ Chiếm 90% số trường hợp viêm gan C cấp.
+ Bệnh nhân không có các biểu hiện của viêm gan cấp như vàng mắt, vàng da, tiểu sậm màu, đau tức vùng gan bên (P).
- Viêm gan C cấp có triệu chứng:
+ Xảy ra trong vòng 4-8 tuần sau khi bị lây nhiễm virút.
+ Chỉ chiếm 10% số trường hợp viêm gan C cấp.
+ Bệnh nhân có các biểu hiện của viêm gan cấp như vàng mắt, vàng da, tiểu sậm màu, đau tức vùng gan bên (P) kèm theo các dấu hiệu giống cảm cúm như mệt mỏi, sốt nhẹ, mỏi cơ, ăn không ngon.
+ Xét nghiệm có men gan và chất bilirubine tăng cao.
- Sau giai đoạn viêm gan C cấp, có đến 55-90% số trường hợp virút vẫn tồn tại kéo dài (trên sáu tháng) trong máu và gan gây bệnh nhiễm viêm gan C mãn tính.
* Viêm gan C mãn:
- Viêm gan C mãn thể yên lặng:
+ Chiếm 60-90% số trường hợp nhiễm viêm gan C mãn.
+ Thường không có triệu chứng hoặc chủ yếu tình cờ phát hiện khi kiểm tra sức khỏe tổng quát, khi đi hiến máu.
+ Ở thể này virút viêm gan C vẫn sinh sản và âm thầm tấn công gan ở mức độ rất thấp nên gan vẫn còn khá tốt, siêu âm gan bình thường, gan vẫn còn mềm mại, men gan và chức năng gan còn khá tốt.
+ Thể này tương đối nhẹ và ít diễn tiến thành xơ gan. Tuy nhiên, thể này trong suốt thời gian theo dõi vẫn có thể diễn tiến thành thể tấn công.
- Viêm gan C mãn thể tấn công:
+ Chiếm 10-40% số trường hợp nhiễm viêm gan C mãn.
+ Bệnh nhân thường có những triệu chứng như mệt mỏi, đau tức vùng gan, ăn kém, ngứa, da sậm màu hơn so với trước đây, xuất hiện các nốt đỏ ở da ngực, da lưng, gan to. Tuy nhiên cũng có một số bệnh nhân không có triệu chứng, tình cờ phát hiện khi kiểm tra sức khỏe.
+ Ở thể này virút vẫn sinh sản với các mức độ khác nhau và tấn công gan khá nhiều nên gây ra những hư hại trong gan làm gan to ra, siêu âm gan thấy gan bắt đầu to ra và không còn mềm mại nữa, men gan và chức năng gan bắt đầu thay đổi.
+ Thể này dễ diễn tiến thành xơ gan nếu không điều trị kịp thời.
- Những yếu tố khiến thể yên lặng dễ diễn tiến thành thể tấn công: nam giới hoặc phụ nữ mãn kinh; hút thuốc lá; uống bia rượu; béo phì, nhất là béo bụng, tăng mỡ máu; ăn nhiều chất ngọt; đái tháo đường; dư chất sắt trong cơ thể; đồng nhiễm virút viêm gan B, HIV/AIDS; nhiễm virút viêm gan C phân nhóm 1...
Điều trị
Việc điều trị làm tiêu diệt hoàn toàn virút giúp gan không bị tấn công và dần dần hồi phục. Phác đồ điều trị thường kéo dài từ sáu tháng đến một năm. Tuy nhiên cần lưu ý bệnh dễ bị tái phát sau sáu tháng đến một năm tính từ lúc kết thúc phác đồ điều trị. Nguyên nhân thường do:
+ Nhiễm virút C phân nhóm 1.
+ Đề kháng kém: tuổi già, mắc bệnh đái tháo đường, nhiễm HIV, bị bệnh lao kèm theo.
+ Dùng các thuốc ức chế miễn dịch của cơ thể: hóa trị ung thư, dùng thuốc có chứa chất corticoid.
- Phác đồ điều trị:
+ Phác đồ cổ điển gồm một loại thuốc chích kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể chúng ta tự tiêu diệt virút kết hợp với thuốc uống ức chế virút.
+ Phác đồ bộ ba mới nhất với sự phối hợp giữa phác đồ cổ điển với các thuốc mới nhất có tác dụng tiêu diệt trực tiếp virút giúp nâng tỉ lệ thành công, không bị tái phát sau ngưng thuốc lên đến 85% đối với dòng virút có độc lực cao (phân nhóm 1), kể cả những trường hợp bị tái phát.
Bệnh nhân bị viêm gan C mãn cần làm gì?
- Không nên quá lo lắng, vẫn sinh hoạt và làm việc bình thường.
- Nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa - gan mật để được làm thêm một số xét nghiệm chuyên sâu nhằm xác định ở thể yên lặng hay thể tấn công.
- Nếu ở thể tấn công cần được điều trị thuốc thích hợp ngay để chặn diễn tiến của bệnh và bảo vệ lá gan chúng ta.
- Nếu ở thể yên lặng cần theo dõi định kỳ mỗi 3-6 tháng. Việc điều trị tích cực ở thể này có thể được bác sĩ cân nhắc tùy trường hợp cụ thể, vì ở thể này nguy cơ diễn tiến thành xơ gan còn khá thấp.
- Hạn chế các yếu tố làm bệnh dễ diễn tiến sang xơ gan: bỏ rượu bia, không tự ý uống các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh và thuốc không rõ nguồn gốc. Tập thể dục nhẹ nhàng đều đặn, tránh béo phì. Hạn chế ăn nhiều chất béo, chất bột đường. Hạn chế thức ăn chứa nhiều chất sắt như thịt bò, lòng đỏ trứng, rau có màu xanh đậm vì dễ gây ứ đọng chất sắt trong cơ thể và trong gan.
Phòng bệnh
- Bệnh chưa có thuốc chủng ngừa.
- Vì bệnh chỉ lây lan theo máu qua các vết trầy xước, rách da nên cần chú ý:
+ Tình dục an toàn.
+ Không dùng chung các vật sắc nhọn như dao lam, dao cạo râu, dụng cụ làm móng tay móng chân, kim châm cứu...
Nhiễm viêm gan C có nên mang thai?
- Tư vấn với BS chuyên khoa tiêu hóa - gan mật để được xác định ở thể yên lặng hay thể tấn công.
- Nên điều trị đủ phác đồ rồi mới có thai, nhất là ở thể tấn công.
- Theo dõi với BS chuyên khoa tiêu hóa - gan mật trong thời gian mang thai.
- Vẫn cho trẻ bú mẹ bình thường trừ khi đầu vú mẹ bị nứt nẻ, lở loét dễ chảy máu.
Tỉ lệ điều trị thành công, không tái phát tùy thuộc phân nhóm virút bị nhiễm:
+ Nhiễm virút nhóm 1: thành công 45%.
+ Nếu nhiễm virút nhóm 2-3: thành công 80-85%.
+ Nếu nhiễm virút nhóm 4-5-6: thành công 60- 70%.
Nếu bị tái phát sau điều trị, bệnh nhân cũng không nên quá lo lắng vì khả năng diễn tiến thành xơ gan đã giảm rất nhiều dù chưa có điều kiện điều trị trở lại. Hiện tại với các loại thuốc uống tiêu diệt siêu vi trực tiếp phối hợp với phác đồ cổ điển, tỉ lệ thành công khi điều trị trở lại cũng khá tốt và ít bị tái phát.



Theo BS Trần Ngọc Lưu Phương - Tuổi trẻ

Giải độc gan bằng công nghệ sinh học

Việc ứng dụng công nghệ sinh học để điều trị và phòng các bệnh về gan được các nhà khoa học đánh giá rất cao vì lợi ích và hiệu quả lâu dài.

Nếu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, nổi mụn nhọt, vàng da, vàng móng, vàng mắt, hơi thở có mùi, hay ăn không tiêu... bạn chớ chủ quan bỏ qua, vì đây có thể là những dấu hiệu đầu tiên của bệnh gan. 
Nếu không phát hiện kịp thời, bạn sẽ mắc các bệnh nặng hơn như: gan nhiễm mỡ, xơ gan, thậm chí là ung thư gan. Vì vậy, việc điều trị ngay từ lúc bệnh khởi phát dấu hiệu rất quan trọng. Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ sinh học để điều trị và phòng các bệnh về gan được các nhà khoa học đánh giá rất cao vì lợi ích và hiệu quả lâu dài của nó.
Các triệu chứng gan "nhiễm độc" không được xem thường
Ở giai đoạn đầu, bệnh gan chỉ bộc phát những triệu chứng thông thường khiến người bệnh thường có tâm lý chủ quan như: mệt mỏi, ăn không ngon, đắng miệng... Ở giai đoạn sau, khi gan bắt đầu suy yếu, các triệu chứng được bộc lộ rõ ràng hơn như:
- Hơi thở có mùi: ở những người bị suy giảm chức năng gan, khả năng giải độc của gan kém, khiến một số độc tố, chất cặn bã trong đường tiêu hóa không được hóa giải hết được bài tiết qua phổi và hơi thở có mùi hôi khó chịu.
- Quầng thâm quanh mắt: chức năng gan bị tổn thương có thể liên quan với tình trạng tổn thương da. Vì vậy, quầng thâm vùng da dưới mắt có thể là một triệu chứng rối loạn chức năng gan. Nếu bạn ngủ đầy đủ đúng giờ, uống đủ nước mà quầng thâm mắt vẫn kéo dài và nặng hơn thì hãy đi khám bác sĩ ngay.
- Vàng da, da bị sậm màu, xuất hiện các mảng bầm máu da nổi mẩn ngứa khắp cơ thể. Trường hợp nặng hơn có thể nổi nhiều mụn ngứa, vỡ ra gây nhiễm trùng.
Ăn không ngon, vàng da, táo bón, da nổi mụn... đều có thể là những dấu hiện cảnh báo bạn đang bị bệnh gan
Ăn không ngon, vàng da, táo bón, da nổi mụn... đều có thể là những dấu hiện cảnh báo bạn đang bị bệnh gan
- Thay đổi màu sắc nước tiểu, nước tiểu sẽ có màu vàng sậm hơn.
- Trướng bụng, đầy hơi: gan sẽ to lên do nhiễm trùng hoặc tổn thương gan.
Giải độc gan bằng công nghệ sinh học
Trong những năm gần đây, mặc dù tỉ lệ người mắc bệnh về gan ngày càng một gia tăng nhưng việc phòng ngừa và điều trị vẫn chưa thật sự hiệu quả.
Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ sinh học để điều trị và phòng các bệnh về gan được các nhà khoa học đánh giá rất cao vì lợi ích và hiệu quả lâu dài của nó.
Việc ứng dụng công nghệ sinh học để giải độc gan đã được nghiên cứu hơn 20 năm bắt đầu từ 1986 bởi Viện Công nghệ Sinh học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, và sau đó công trình nghiên cứu này đã được Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) ứng dụng để sản xuất ra thành phẩm thuốc đặc trị có tên là Naturenz (đã được cấp bằng độc quyền sáng chế của Cục Sở hữu Trí tuệ).
Theo đó, Phòng Enzyme học, Viện Công nghệ Sinh học đã tập trung nghiên cứu theo hướng enzyme khử độc cơ thể, thải nhanh các chất độc hại và bảo vệ gan khỏi bị tổn thương. Theo đó, chế phẩm sinh học sẽ bao gồm các enzyme thiên nhiên, và các chất chống oxy hóa chiết xuất từ 6 loại rau củ: nhựa quả đu đủ, dịch tiết từ khổ qua, củ cải, acid amin từ nhộng tằm, B-Carotene từ quả gấc, bột tỏi.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, chế phẩm công nghệ sinh học này có thể sử dụng rộng rãi cho nhiều đối tượng để chữa bệnh hay phòng bệnh. Với người bình thường, việc sử dụng chế phẩm thường xuyên sẽ giúp phòng ngừa những tác nhân có thể gây hại cho cơ thể, tổn thương chức năng gan và các cơ quan chính của cơ thể.
Đối với người bị bệnh, ngoài các thuốc điều trị đặc hiệu cho từng bệnh thì nên bổ sung thêm chế phẩm sinh học để hỗ trợ điều trị, mà chủ yếu là tăng cường chức năng gan, giúp giải độc cho gan.

Theo Tuấn Minh - Sức khỏe và Đời sống

Quan niệm ăn uống sai lầm với người bệnh gan

Đối với người bệnh xơ gan, ăn gan chưa hẳn có lợi mà ngược lại có thể gây khó tiêu vì chứa nhiều chất béo, trong đó nhiều cholerterol sẽ làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch.

ThS.BS Võ Hồng Minh Công, Trưởng khoa Nội tiêu hóa BV Nhân dân Gia Định cho biết, xơ gan là bệnh lý diễn tiến âm thầm nhưng nguy hiểm, thường không có hoặc có biểu hiện không rõ...
Gan được xem như "nhà máy" để chế biến, tổng hợp, dự trữ các chất dinh dưỡng và thải độc để duy trì mọi hoạt động sống của cơ thể. Các chất dinh dưỡng như đường, đạm, béo, chất khoáng hay vitamin từ thức ăn sau khi được tiêu hóa và hấp thu vào máu sẽ được chuyển đến gan để được chuyển hóa, dự trữ và đào thải. Gan cũng có chức năng chuyển hóa và đào thải rượu.
Với quan niệm "ăn gì bổ nấy", nhiều bệnh nhân gan ăn gan khá thường xuyên, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Ảnh minh họa.
Với quan niệm "ăn gì bổ nấy", nhiều bệnh nhân gan ăn gan khá thường xuyên, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Ảnh minh họa.
Một khi gan bị xơ, suy gan sẽ dẫn đến ăn không tiêu, cảm giác mau no, ăn không ngon miệng hoặc có cảm giác buồn nôn... Tần suất suy dinh dưỡng ở người viêm gan chiếm 20-60%. Suy gan càng nặng thì tần suất và mức độ suy dinh dưỡng càng nhiều và càng nặng, đặc biệt ở xơ gan giai đoạn cuối.
Suy dinh dưỡng gây bất lợi cho bệnh nhân xơ gan, vì cơ thể mệt mỏi, đi lại yếu, dễ bị nhiễm trùng do cơ thể giảm khả năng đề kháng, dễ bị biến chứng và tử vong. Bệnh nhân suy dinh dưỡng nặng sẽ có chất lượng sống kém và giảm khả năng sống còn.
Suy dinh dưỡng có những biểu hiện sau:
- Biếng ăn hay ăn uống kém (dưới 50% so với lúc bình thường).
- Sụt cân nhiều không chủ ý (trong xơ gan không phù, không báng bụng).
Lưu ý: Tăng cân nhanh trong thời gian ngắn có thể là dấu hiệu của phù chân hay báng bụng.
- Teo cơ hay mất lớp mỡ dưới da.
- Đi lại yếu, mệt mỏi.
Một số quan niệm sai lầm trong dinh dưỡng bệnh gan
Ăn gì bổ nấy
Sự thật là gan chứa nhiều đạm và vitamin có lợi cho sức khỏe người bình thường nếu không ăn nhiều và thường xuyên. Đối với người bệnh xơ gan, ăn gan chưa hẳn có lợi mà ngược lại có thể gây khó tiêu vì chứa nhiều chất béo, trong đó nhiều cholerterol sẽ làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch.
Trong trường hợp xơ gan do bệnh lý tích tụ sắt hay đồng thì ăn gan lại nguy hiểm, vì sẽ làm gan càng suy nhanh và nặng hơn.
Kiêng ăn trứng
Trứng là nguồn đạm tốt cho cơ thể, đặc biệt chứa nhiều axit amin có lợi cho gan như leucin, isoleucin hay valin. Đồng thời trứng có rất nhiều vitamin mà bệnh nhân gan thật sự rất cần, như vitamin B, A, D. Tuy nhiên, do trứng có nhiều cholesterol nên người bệnh có thể ăn tối đa 2 quả/tuần.
Kiêng ăn dầu mỡ
Sự thật là chất béo (có trong dầu, mỡ) rất quan trọng cho cơ thể vì nó là nguồn năng lượng tốt cho người bị xơ gan (1 g chất béo cho 9 kcal, nếu so với 1 g đường cho 4 kcal, 1 g đạm cho 4 kcal), giúp tái tạo các mô bị tổn thương. Chất béo còn tham gia vào chức năng điều hòa mạch, huyết áp, miễn dịch... 
Vì vậy, chất béo cũng rất cần cho người bệnh gan nên cần ăn lượng vừa phải. Chỉ ăn ít trong trường hợp khó tiêu hay vàng da ứ mật.

Theo Lê Phương - VnExpress

Gan lợn bổ huyết, sáng mắt

Gan lợn là món ăn lý tưởng để bổ dưỡng cơ thể, chữa chứng thiếu máu do thiếu sắt và thị lực giảm sút, Đông y gọi là có công dụng "dưỡng huyết, minh mục".

Gan lợn là món ăn lý tưởng để bổ dưỡng cơ thể, chữa chứng thiếu máu do thiếu sắt và thị lực giảm sút, Đông y gọi là có công dụng "dưỡng huyết, minh mục". 
Để cung cấp đầy đủ sắt và vitamin A cho cơ thể, người ta cần chú ý lựa chọn và sử dụng những thực phẩm có chứa nhiều hai chất này, trong đó gan động vật nói chung và gan lợn nói riêng là một trong những thứ đầu bảng. Sau đây, xin giới thiệu món ăn - bài thuốc từ gan lợn để bạn có thể áp dụng:
Gan lợn 500g, trứng gà 2 quả, bột gạo 30g, dầu thực vật 150g, gia vị vừa đủ. Gan lợn rửa sạch, thái miếng dày chừng 5mm, trứng gà lấy lòng đỏ trộn đều với gan lợn và gia vị, ướp trong 30 phút rồi rắc bột gạo lên và bóp đều. 
Đổ dầu vào chảo, phi hành tỏi cho thơm rồi bỏ gan lợn vào, đun to lửa, đảo đều cho chín, cho thêm hành cắt đoạn và gia vị vừa đủ, ăn nóng.
Theo dinh dưỡng học hiện đại, gan lợn chứa nhiều protein, nguyên tố vi lượng và các vitamin, trong đó sắt và vitamin A là hết sức phong phú, các thức ăn khác không thể sánh được. Người ta ước tính trong 100g gan lợn có chứa tới 12mg sắt. 
Theo dinh dưỡng học cổ truyền, gan lợn vị ngọt đắng, tính ấm, có công dụng dưỡng huyết, bổ can, minh mục, rất thích hợp với các chứng can âm huyết hư gây ra tình trạng hai mắt bị khô, nhìn mờ, thị lực giảm sút, chứng khí huyết hư tổn dẫn tới suy nhược cơ thể, suy dinh dưỡng, suy nhược thần kinh... 
Y học cổ truyền phương Đông cho rằng, can và mắt có quan hệ chặt chẽ với nhau, can khai khiếu ra mắt, cho nên việc dùng gan động vật để phòng chống các bệnh về mắt là rất hợp lý. Đây cũng là biểu hiện sinh động của thuyết "dĩ tạng bổ tạng, dụng hình trị hình" (lấy tạng bồi bổ tạng, lấy vật hữu hình chữa bệnh hữu hình).
Tuy nhiên, vì gan động vật chứa nhiều cholesterol nên những người bị rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, mắc bệnh động mạch vành thì không nên dùng.

Theo DS. Hữu Bảo - Sức khỏe và Đời sống

Các trường hợp dễ nhiễm viêm gan virus C

Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 4 - 5 triệu người nhiễm viêm gan siêu vi C (gần 6% dân số ở Việt Nam).


Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2014, hiện nay trên thế giới có hơn 185 triệu người nhiễm virus viêm gan C (HCV), 350.000 trường hợp tử vong vì HCV mỗi năm. Một phần ba trong số những người viêm gan C mạn tính có nguy cơ tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan. Viêm gan virus C được giới chuyên môn xem là "sát thủ thầm lặng".
Ngoài yếu tố có nguy cơ dễ lây nhiễm cao trong cộng đồng, hầu hết người bị nhiễm loại virus này không biểu hiện triệu chứng giai đoạn đầu, có thể tới vài chục năm - cho đến khi bệnh bùng phát hoặc gây biến chứng xơ gan, ung thư gan thì mới biết mắc bệnh. 

Việc phát hiện bệnh quá muộn sẽ dẫn đến việc gây ra nhiều khó khăn trong công tác điều trị cùng với nguy cơ tử vong cao. Trong khi đó, bệnh viêm gan virus C hoàn toàn có thể chữa trị khỏi, nếu phát hiện bệnh sớm.
Virus viêm gan C lây truyền chủ yếu qua đường máu và dịch tiết. Một số đối tượng có nguy cơ cao nhiễm viêm gan virus C gồm: Đối tượng tiêm chích, hút hít ma túy, ngay cả dùng một lần; nhân viên y tế hay những người làm các công việc phải tiếp xúc với kim tiêm, dịch nhầy có máu nhiễm virus viêm gan C; 

Từng trải qua các thủ thuật y tế như truyền máu, các sản phẩm từ máu, lọc máu do suy thận, tái sử dụng kim tiêm, ống tiêm, ống thông hay các trang thiết bị y khoa khác; khám chữa răng với dụng cụ không tiệt trùng; châm cứu, chích lễ, xăm da, các thủ thuật thẩm mỹ; có mẹ nhiễm virus viêm gan C; bệnh nhân có triệu chứng bất thường ở gan (tăng men gan, vàng da...); tình dục không an toàn; người bị nhiễm HIV.


Theo ThS Lê Thị Thanh Nhạn - Kiến thức

7 loại cá có thể gây ung thư gan

Các nhà khoa học Nhật Bản và Campuchia công bố kết quả nghiên cứu cho thấy 7 loại cá nước ngọt ở Campuchia có thể gây ung thư gan ở người.

Cá cóc đậm
Đó là cá cóc đậm (tên khoa học Cyclocheilichthys apogon), cá cóc (Cyclochelichthys enoplos), cá ba kỳ trắng (Cyclocheilichthys repasson, thuộc họ cá chép), cá rầm đất (Puntius brevis), cá ngựa chấm (Hampala dispar), cá he vàng (Barbonymus altus) và cá linh thùy (Cirrhinus lobatus). Nghiên cứu này được 2 chuyên gia Nhật phối hợp thực hiện cùng Trung tâm phòng chống côn trùng, ký sinh trùng và sốt rét của Campuchia.
Giám đốc trung tâm Char Meng Chuor cho biết sán lá gan ký sinh trong những loại cá này và khi nhiễm vào cơ thể người có thể gây ung thư gan bằng cách tạo ra những tế bào đột biến có hại và tăng trưởng khối u. Những loại cá trên cũng có ở Việt Nam, Thái Lan, Lào, Philippines và Indonesia. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu nấu chín cá trước khi ăn thì vẫn an toàn.

Theo Trí thức trẻ

Thanh lọc gan kỳ diệu bằng 1 loại thực phẩm có ngay trong nhà bạn

Theo các chuyên gia, uống nước gạo lứt rang (trà gạo lứt) rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt rất hiệu quả trong việc thanh lọc gan.

Gạo lứt là gạo gì?
Gạo lứt, còn gọi là gạo rằn, gạo lật là loại gạo chỉ xay bỏ vỏ trấu, chưa được xát bỏ lớp cám gạo. Đây là loại gạo rất giàu dinh dưỡng đặc biệt là các sinh tố và nguyên tố vi lượng.
Thành phần của gạo lứt gồm chất tinh bột, chất đạm, chất béo, chất xơ cùng các vitamin như B1, B2, B3, B6, các axit như pantothenic (vitamin B5), paraaminobenzoic (PABA), folic (vitamin M), phytic, các nguyên tố vi lượng như canxi, sắt, magiê, selen, glutathion (GSH), kali và natri.
Trường hợp gạo trắng qua quá trình xay, giã, 67% vitamin B3, 80% vitamin B1, 90% vitamin B6, một nửa lượng mangan và hầu hết chất xơ bị mất đi.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng nhận thấy, một lon gạo lứt khi nấu thành cơm chứa 84mg magiê, trong khi đó ở gạo trắng chỉ có 19mg. Lớp cám của gạo lứt cũng chứa một chất dầu đặc biệt có tác dụng điều hòa huyết áp, làm giảm cholesterol xấu, giúp ngăn ngừa qua các bệnh tim mạch và rất tốt cho để thanh lọc gan.
Tác dụng thanh lọc gan thần kỳ của nước gạo lứt rang
Trong gạo lứt chứa một hàm lượng chất dinh dưỡng cao và người mắc bệnh gan hay người bình thường sử dụng gạo lứt đều rất tốt cho cơ thể.
Lấy kinh nghiệm từ một bệnh nhân bị chai gan nặng nhưng đã được “tái sinh” thần kỳ nhờ uống nước gạo lứt rang, BS Renée Welhouse (Mỹ) đã áp dụng thử nghiệm cho những bệnh nhân khác với loại nước uống này.
Sau đó, bác sĩ đã thực hiện cuộc phân tích máu của một số người, kết quả thật bất ngờ: những người thanh lọc gan bằng nước gạo lứt có máu rất sạch, hồng huyết cầu rất tròn và huyết thanh rất trong. Trong khi ở nơi những người khác, hồng huyết cầu một là méo mó, hai là đầy rẫy những độc tố và ký sinh trùng (Para-sites).
BS Renée Welhouse đã hướng dẫn các bệnh nhân cách sử dụng loại nước uống thần kỳ như sau:
Thanh lọc gan kỳ diệu bằng 1 loại thực phẩm có ngay trong nhà bạn 2
Cách rang: Bạn có thể rang gạo lứt bằng bất cứ cách nào: dùng chảo, hoặc máy rang bắp (dùng máy thì chỉ 5 phút là được, nhưng chỉ áp dụng cho gạo lức tròn. Nếu gạo lứt dài thì phải rang bằng chảo). Bạn muốn rang cho gạo có màu vàng đậm, hay màu nâu, nâu xậm tùy ý, nhưng đừng rang cháy.
Cách nấu: Phương pháp nấu tiện và sạch nhất là dùng nồi và để lửa nhỏ.
Bạn có thể nấu từ sáng tới tối hoặc nấu qua đêm. Nếu bạn nấu nồi trên bếp thì nước không trong, nhìn đục như nước cơm vậy: Không đẹp mắt.
Cách uống: Nên uống thay thói quen uống nước trà. Uống khi khát, uống bất cứ lúc nào. Nếu muốn uống nóng thì đổ vô bình thủy giữ nhiệt, rồi uống dần ngày đêm.
Tác dụng cho sức khỏe: Không chỉ thanh lọc gan. Trà gạo lứt còn giúp cho bạn có nước da hồng hào sáng, đẹp, nhờ làm cho máu sạch, không chứa độc tố. Bớt hoặc không còn nhức mỏi mỗi khi trời lạnh. Cộng với chế độ ăn uống tốt thì giảm mập nhanh. 
Chữa dứt chứng táo bón kinh niên. Miệng, mồ hôi không còn mùi hôi thối. Trị nhức vai, mỏi xương sống. Uống trường kỳ, uống theo thói quen của người uống trà sẽ hết được bệnh “gao” (gout), chứng phong thấp của người già, một thứ bệnh khó chữa. Cơ thể tăng sinh lực, không còn thấy uể oải hay mỏi mệt. Người lớn tuổi không còn bị đi tiểu đêm nhiều lần…
Chú ý: Lúc khởi sự uống nước gạo lứt, sau 3, 4 tuần, có một số người bình thường ít ăn rau, hoặc những người nhiều dương tính do thói quen ăn uống trước kia có thể sẽ cảm thấy nóng trong người, đôi khi có người còn bị lở miệng, nhưng đừng lo lắng, cứ việc uống tiếp tục vài ngày sẽ hết. Sau đó cơ thể tự điều hòa trở lại bình thường.

Theo Sức khỏe và Gia đình

Xơ gan diễn tiến âm thầm nhưng nguy hiểm

Nếu mỗi ngày uống 250 ml rượu hoặc nửa lít bia trong vòng 10 năm có thể dẫn đến xơ gan. Bệnh thường có biểu hiện không rõ và diễn tiến âm thầm, để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.

Xơ gan là giai đoạn cuối của bệnh lý viêm gan mạn tính được đặc trưng bởi sự thay thế mô gan bằng mô xơ, sẹo và sự thành lập các nốt tân sinh dẫn đến mất chức năng gan. Đây là bệnh thường gặp ở Việt Nam cũng như trên thế giới và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ.
ThS.BS Võ Hồng Minh Công, Trưởng khoa Nội tiêu hóa BV Nhân dân Gia Định cho biết, xơ gan do rượu chiếm hơn một nửa số ca tử vong. Rượu và virus viêm gan là nguyên nhân phổ biến gây xơ gan. Khoảng 30% bệnh nhân xơ gan có biến chứng chảy máu do giãn tĩnh mạch thực quản. 
Xơ gan có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, như: nhiễm trùng ổ bụng, xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, bệnh não do gan, ung thư gan... 
Xơ gan do rượu chiếm hơn một nửa số ca tử vong. Ảnh: growlermag.
Theo BS Công, bệnh thường gặp ở cả 2 phái, nam thường nhiều hơn nữ. Bệnh thường không có hoặc có biểu hiện không rõ và diễn tiến âm thầm, ban đầu có thể là mệt mỏi, cảm giác khó tiêu, biếng ăn và sụt cân, hay buồn nôn, đau bụng...
Khi chức năng gan bị suy trầm trọng, giai đoạn muộn sẽ có những biểu hiện như phù chân hay báng bụng (cổ trướng), sạm và vàng da, vàng mắt, dấu sao mạch trên da, lòng bàn tay son, xuất huyết dưới da, dễ chảy máu (răng, mũi, dạ dày, ruột), rối loạn tâm thần kinh, ở nam giới thường giảm ham muốn tình dục, vú to...
Nguyên nhân của bệnh xơ gan
- Viêm gan do virus B, C.
- Nghiện rượu, uống nhiều và kéo dài nhiều năm. Nghiên cứu cho thấy nếu mỗi ngày uống 250 ml rượu hoặc nửa lít bia trong vòng 10 năm có thể dẫn đến xơ gan. Đặc biệt trên cơ địa người bị viêm gan vius B, C, hoặc người có sẵn các bệnh về gan thì xơ gan tiến triển nhanh hơn.
- Thuốc và hóa chất.
- Sự thiếu dinh dưỡng, ăn quá thiếu chất đạm, thiếu vitamin, sau đó dẫn đến xơ gan.
- Ký sinh trùng: sán máng, sán lá gan.
- Xơ gan do mạch máu hoặc xơ gan gây xung huyết: xơ gan tim.
Nếu bệnh được phát hiện sớm, điều trị có thể làm chậm diễn tiến dẫn đến xơ gan nặng. Điều trị sẽ theo nguyên nhân gây bệnh như chương trình điều trị nghiện rượu cho người nghiện rượu vì người nghiện rượu không thể bắt họ ngưng uống ngay. Hoặc điều trị bằng thuốc cho người nhiễm siêu vi B, C để gan không bị tổn thương thêm. 
Phương thức điều trị tùy theo nguyên nhân gây bệnh xơ gan. Khi bệnh có biến chứng, điều trị lúc đó chủ yếu là các biến chứng như báng bụng nặng, xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng hoặc điều trị hôn mê gan. Ghép gan là giải pháp cuối cùng cho người xơ gan giai đoạn cuối.
Chăm sóc bệnh nhân gan tại nhà
- Đảm bảo đủ dinh dưỡng:
Đủ chất, hợp khẩu vị bệnh nhân, đủ calo từ 2.500 -3.000 kcalo/ngày (35-40 kcalo/kg/ngày).
Đảm bảo đạm (1,2-1,5g/kg/ngày), đường, vitamin, hạn chế mỡ, chỉ ăn nhạt khi có phù nề.
Không được uống rượu.
Hạn chế đạm khi xơ gan mất bù vì có nguy cơ hôn mê gan. Khi có dấu hiệu tiền hôn mê gan phải giảm lượng đạm trong khẩu phần thức ăn.
Cần cung cấp nhiều axit amin phân nhánh để phòng tránh suy dinh dưỡng, nhiễm trùng, hôn mê gan.
Cho ăn nhiều bữa trong ngày.
Vệ sinh mũi, miệng sạch sẽ, phòng nhiễm khuẩn và tạo cảm giác ngon miệng.
- Giảm phù và cổ trướng: Để bệnh nhân nghỉ ngơi, ăn hạn chế muối khi có phù và cổ trướng.
- Theo dõi biến chứng chảy máu tiêu hóa.
- Theo dõi biến chứng hôn mê gan.
Phòng bệnh xơ gan 
- Tiêm phòng văcxin viêm gan B cho trẻ em và những người lớn chưa bị bệnh.
- Có lối sống lành mạnh, không lạm dụng rượu bia.
- Tránh ăn thức ăn sống, nên ăn chín uống sôi để không bị nhiễm ký sinh trùng.
- Lựa chọn thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm để phòng ngừa nhiễm các hóa chất, phẩm màu độc hại gây tổn hại gan.
- Không dùng thuốc ảnh hưởng gan khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Đối với những người đã bị viêm gan B hoặc C mạn tính cần theo dõi định kỳ 3 hoặc 6 tháng một lần để phát hiện và điều trị sớm những trường hợp viêm gan đang tiến triển, nhằm hạn chế các biến chứng nặng như xơ gan và ung thư gan.
- Cần theo dõi sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý gây viêm gan do các nguyên nhân khác như suy tim, tắc mật...

Theo Lê Phương - VnExpress

Chảo chống dính chứa hóa chất liên quan bệnh gan và ung thư

Chảo chống dính dường như là 1 vật không thể thiếu trong căn bếp của mọi gia đình. Nó giúp cho việc chế biến thức ăn trở nên ngon và trông đẹp mắt hơn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết những mối nguy hiểm mà loại chảo tiện dụng này mang lại.
Cảnh báo từ một nghiên cứu được đăng tải trên trang Dailymail cho hay, khi tiếp xúc với nhiệt, chảo chống dính giải phóng các hóa chất liên quan đến bệnh gan và ung thư.
Để tráng phủ lên chảo chống dính người ta sử dụng Teflon - một polime dùng trong nhiều ngành công nghiệp như: điện lạnh, hóa học…
Các nhà khoa học đã thử nghiệm Teflon và các chất tương tự khác được sử dụng để tráng phủ lên chảo chống dính và lò vi sóng đã phát hiện ra rằng một trong những hỗn hợp các chất thải ra là axit perfluoro (PFOA.Nó là mộtchất độc vàchất gây ung thư ở động vật).
Ngoài ra, Teflon cũng sản xuất ra một lượng lớn axit trifluoroacetic - có thể gây độc hại cho cây trồng.
Thông tin khác cho biết thêm, các nhóm nghiên cứu từ Đại học Toronto đã tìm thấy một lượng nhỏ chlorofluorocarbons (CFCs - hóa chất gây ô nhiễm khí quyển) có trong Teflon.
Nói về hợp chất này, nhà nghiên cứu, tiến sĩ David Ellis cho biết: "Chúng tôi biết rằng các hợp chất này không dễ dàng phân hủy và do đó cần hiểu rõ những tác hại mà chúng gây ra".
Ông tiếp tục cảnh báo việc sử dụng Teflon có thể "trở thành một vấn đề nghiêm trọng" vì việc ảnh hưởng của sử dụng hóa chất này lâu dài vẫn chưa được phát hiện ra.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trang Suckhoedoisong.vn cho rằng, đối với những sản phẩm chống dính giả thì khi dùng để nấu nướng dễ gây độc vì nó thường làm từ các loại sơn. Còn với loại chống dính thật thì đến nay chưa có khuyến cáo nào cấm sử dụng, tuy nhiên lại có khá nhiều thông tin về việc khi đốt nóng chất chống dính tạo ra hơi khói gây độc.
Một số kết quả khảo cứu khác cũng nhấn mạnh, các loại chất chống dính như teflon thường có nguồn gốc từ polyme có tên Polytetrafluoroethylene PTFE. 
Ở nhiệt độ bình thường thì không có hại gì, nhưng khi đốt nóng lên từ 300 độ C - 500oC thì hợp chất chống dính này sẽ tạo ra lớp khói có chứa các phức chất Perfluoisobutylene, Perfluorooctanoic Acid PFOA và Carbonylcloride - là những chất độc gây tức ngực, khó thở....

Theo Bích Châu - Gia đình Việt Nam

Việt Nam đối mặt với đại dịch viêm gan virus

TTXVN dẫn lời TS Đinh Quý Lan, Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam cho biết, hiện Tổ chức Y tế thế giới nhận định, loại viêm gan virus hàng năm gây ra cái chết cho 1,4 triệu người, đồng thời có khoảng 500 triệu người đang trong tình trạng viêm gan, xơ gan hoặc ung thư gan do virus gây ra.

"Việt Nam là một trong 9 quốc gia vùng Tây Thái Bình Dương đang phải đối mặt với “đại dịch” này vì có tỷ lệ nhiễm virus khá cao", TS Đinh Quý Lan nói.

Trong khi đó các nghiên cứu còn phát hiện các đột biến kháng thuốc của virus viêm gan B từ các bệnh nhân bị viêm gan B mãn ở miền Bắc Việt Nam.

Nghiên cứu này được nhóm chuyên gia của BV Đa khoa Medlatec Hà Nội thực hiện đã chọn 198 mẫu huyết thanh từ các bệnh nhân viêm gan mãn tính có 82 trường hợp có các đột biến kháng thuốc.


Tránh việc chậm công bố dịch sởi đã gây bất an trong dư luận như trước đây, việc cảnh báo sớm, tiêm văc xin sẽ giúp cho việc phòng chống đại dịch tốt hơn.

Thế nhưng sự thật nhiều năm nay, các loại văcxin được dùng trong chương trình TCMR hầu như đều được tài trợ từ nước ngoài, thông qua sự giúp đỡ của WHO (Tổ chức Y tế thế giới).

Hiện tượng trẻ tử vong sau tiêm phòng trong năm qua đã khẳng định trẻ em Việt Nam đã không được dùng văcxin tốt như trẻ em Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... vì đất nước ta còn nghèo.

Điều này trái ngược với các cường quốc có nền công nghiệp hóa- dược, công nghệ sinh học y dược phát triển, vẫn phải mua văcxin không phải thế mạnh của họ.

Ví dụ như Hàn Quốc họ có thể tự sản xuất văcxin Quinvaxem để bán rẻ cho các nước nghèo trong đó có Việt Nam, nhưng lại mua văcxin tốt hơn, đắt hơn dùng cho con cháu của họ.


Theo Phương Nguyễn - Đất Việt

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons