Bệnh túi mật có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng ở người cao tuổi (NCT) bệnh thường dễ gặp hơn, đặc biệt là nữ giới. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Túi mật tuy là một cơ quan chủ yếu là chứa đựng dịch mật do gan bài tiết và xuất tiết dần dần xuống ruột giúp cho quá trình tiêu hóa thức ăn hàng ngày của con người, nhưng rất có thể bị lâm bệnh.
Túi mật thường lâm bệnh gì?
Bệnh túi mật thường gặp nhất là sỏi túi mật.
Sỏi túi mật là một bệnh hay gặp nhất, đặc biệt là nữ giới, cao tuổi. Sỏi túi mật là sự kết tụ các thành phần có trong dịch mật mà chủ yếu là cholesterol, bilirubin (sắc tố mật), canxi. Nhiễm trùng túi mật do nhiều nguyên nhân khác nhau, hoặc do sỏi hoặc do giun chui vào túi mật mang theo vi khuẩn gây viêm nhiễm.
Nếu sỏi ở cổ túi mật kích thước đủ lớn sẽ cản trở sự lưu thông của dịch mật, gây viêm, tắc đường mật và có thể gây ra viêm túi mật cấp. Thống kê cho thấy có tới 90% các trường hợp viêm túi mật là do sỏi gây ra.
Bệnh của túi mật phải kể đến polyp túi mật là một dạng tổn thương dạng u hoặc giả u phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật, đó là kết quả của sự tích tụ cholesterol, thường vô hại và hiếm khi gây ung thư túi mật. Polyp túi mật thường không có triệu chứng và không cần điều trị.
Túi mật có thể mắc bệnh rối loạn vận động nên làm suy giảm chức năng túi mật mà không phải do sỏi gây nên. Nguyên nhân của rối loạn vận động túi mật có thể là do viêm mãn tính, căng thẳng, do cơ trơn của túi mật hoặc cơ vòng Ốt đi (Oddi) quá chặt.
Ngoài ra có thể do suy giảm chức năng tuyến giáp cũng gây nên tình trạng rối loạn vận động túi mật. Có thể gặp u túi mật (u lành hoặc u ác tính). Ung thư túi mật thường không có dấu hiệu hay triệu chứng gì cảnh báo trước. Bệnh có thể gặp ở NCT.
Biểu hiện bệnh của túi mật như thế nào?
Tùy theo từng thể bệnh của túi mật mà có các triệu chứng đặc thù, nhưng bệnh của túi mật thường có đau bụng ở vùng dưới bờ sườn bên phải hoặc vùng thượng vị (dễ nhầm với đau dạ dày, tụy tạng).
Có thể là những cơn đau dữ dội hoặc đau âm ỉ, đau dai dẳng hoặc thoáng qua, tùy theo thương tổn của túi mật. Tiếp đến là sốt cao, rét run, đặc biệt trong trong hợp viêm nhiễm hoặc do sỏi túi mật (hoặc có cả sỏi đường dẫn mật).
Với người tuổi cao, sức yếu thì đôi khi không sốt do phản xạ của cơ thể đã kém. Triệu chứng vàng da, nước tiểu vàng xuất hiện mỗi khi có viêm nặng hoặc sỏi đường dẫn mật, túi mật (hoặc cả hai). Các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn, đầy hơi, trướng bụng, chán ăn có thể xuất hiện trong bệnh của túi mật.
Đặc biệt, bệnh của túi mật có cơn đau quặn gan do rối loạn vận động của túi mật, làm túi mật tăng co bóp khiến dịch mật trong túi mật không ra được và không xuống được tá tràng, làm tăng áp lực trong túi mật.
90% các trường hợp viêm túi mật là do sỏi gây ra
Để chẩn đoán bệnh của túi mật, sau khi thăm khám, cần xét nghiệm công thức máu, sinh hóa, chụp đường mật có cản quang, siêu âm gan - mật, chụp gan - mật bằng kỹ thuật cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).
Bệnh của túi mật có thể gây ra các biến chứng, đặc biệt ở NCT, trong đó biến chứng rất nguy hiểm là thủng túi mật gây viêm phúc mạc. Nếu viêm túi mật mãn tính có thể gây thấm mật gây viêm phúc mạc - mật. Đây là những biến chứng rất nguy hiểm, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Viêm túi mật, thấm mật phúc mạc có thể đưa đến sốc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng huyết là những biến chứng hết sức nguy hiểm. Viêm túi mật cấp có thể dẫn đến suy tuần hoàn, chảy máu các tạng, lỗ rò vào đường tiêu hóa...
Nguyên tắc điều trị và phòng bệnh là gì?
Khi có những biểu hiện nghi ngờ mắc các bệnh ở túi mật, đặc biệt là NCT, nhất là nữ giới, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm tránh xảy ra biến chứng.
Để phòng bệnh, NCT cần có chế độ ăn uống hợp lý, do đó, nên hạn chế ăn mỡ, thịt đỏ (thịt bò, trâu, chó), lòng đỏ trứng và các loại thức ăn gây táo bón (thức ăn, nước uống có nhiều chất tanin), đặc biệt người đã có bệnh của túi mật (sỏi, viêm, polyp).
Bởi vì, táo bón sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn đường ruột phát triển, dẫn đến viêm túi mật và ống mật, làm cho mật dễ lắng đọng thành sỏi. Tăng cường ăn đạm thực vật (đỗ, đậu phụ…), rau, trái cây. Với người có bệnh túi mật thì mỗi ngày chỉ nên ăn một lần thịt, dùng loại thịt trắng và nạc, không có mỡ.
Cần tẩy giun theo định kỳ mà bác sĩ khám bệnh tư vấn, kê đơn (không tự động mua thuốc tẩy giun). Bởi vì, nếu có giun, chúng có thể chui lên ống mật gây viêm túi mật và sau khi chết sẽ tạo thành sỏi mật.
Theo PGS.TS Bùi Khắc Hậu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét