Cắt giảm khẩu phần đột ngột có thể khiến cơ thể thiếu vitamin và khoáng chất, gây ra mệt mỏi. Ngoài ra, giảm cân quá nhanh còn đưa đến nguy cơ loãng xương và sỏi mật.
Trong buổi sinh hoạt của CLB Đái tháo đường, chuyên đề “Giảm cân để
sống khỏe” do Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM tổ chức ngày 25/9, BS. CK1.
Nguyễn Thị Ánh Vân, Phó khoa Dinh dưỡng Lâm sàng cho biết: nếu không
giảm cân đúng quy trình thì sẽ có nhiều nguy cơ xảy ra: loãng xương, sỏi
mật, ngất xỉu.
Sau khi nghe BS Vân trò chuyện, các bệnh nhân đặt câu hỏi: “Vì sao
béo phì gây sỏi mật mà giảm cân cũng gây sỏi mật?”. BS Vân giải thích:
“Khi chúng ta ăn quá nhiều chất béo mà hệ tiêu hóa không đủ mật để
chuyển hóa, nó sẽ đóng thành những viên có nhân là cholesterol nằm trong
túi mật. Nhưng nếu chúng ta giảm cân đột ngột mà không cung cấp đủ chất
dinh dưỡng, mật sẽ hoạt động kém hiệu quả, cũng gây ra nguy cơ sỏi
mật”.

Buổi
trò chuyện của CLB Đái tháo đường của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM ở một
không gian bên ngoài bệnh viện giúp bệnh nhân thoải mái hơn khi chia
sẻ với bác sĩ
Một bệnh nhân nữ nêu câu hỏi: “Có lời khuyên rằng: nếu nhu cầu của
cơ thể mỗi ngày là 1.200 kcal - 1.600.000 kcal thì phải giảm đi 500
kcal, như vậy có đúng không?”
Theo BS Vân, con số này không thể áp dụng cho tất cả mọi người. Mỗi
người phải căn cứ vào nhu cầu và khẩu phần ăn của mình mà giảm bớt một
phần thôi, để cơ thể thích nghi từ từ. Có thể ban đầu mỗi bữa chúng ta
ăn ít đi nửa chén cơm (100 kcal), bớt đi 1 muỗng dầu (50 kcal). Nhưng
đừng quá chú trọng đến các con số mà để ý xem mình đang ăn cái gì, ăn
bao nhiêu và mỗi món giảm bớt một phần là được. Phải giảm đều ở các nhóm
thực phẩm, mỗi thứ giảm một ít chứ không phải cắt giảm hoàn toàn một
thứ.
Một bệnh nhân nam đặt câu hỏi: “Tại sao trong lời khuyên giảm cân có
ngưng hút thuốc lá, mà trong thực tế người ngưng hút thuốc lá thường
tăng cân?”
Trước vấn đề có vẻ nghịch lý này, BS Vân giải thích: Lời khuyên ngưng
hút thuốc là thay đổi lối sống chứ không phải là biện pháp giảm cân (ăn
uống hợp lý, tăng cường vận động, dùng thuốc hỗ trợ).
Vậy tại sao người ngưng thuốc lá thường tăng cân? Thứ nhất là khi hút
thuốc chúng ta đưa vào cơ thể hàng loạt hóa chất có tác dụng đốt cháy
năng lượng và các dưỡng chất. Vì vậy mà người hút thuốc lá nếu không
uống bia rượu thì không bao giờ mập. (Tuy nhiên người hút thuốc lá khó
lòng mà không có bia rượu kèm theo, do đó có những người hút thuốc vẫn
béo phì).
Thứ hai, vì thói quen phải có gì đó trong miệng để thay thế, khi cai
thuốc nhiều người lại ăn bánh kẹo nên dẫn đến tăng cân. Theo thống kê,
nếu ngưng hút thuốc lá mà không ăn thêm thì sẽ tăng tối đa từ 2 - 2,5kg.
Vì vậy, khi ngưng hút thuốc cần phải đi cùng ăn kiêng, thể dục vận động
để giữ cân nặng bình thường.
BS Nguyễn Thị Ánh Vân mong muốn mọi người giảm cân phải có “con
đường” để an toàn cho sức khỏe: “Ví dụ các bác đang dư 10kg, 15kg mà dứt
khoát muốn giảm 5kg ngay trong tháng này thì chắc chắn không được đâu.
Tuy nhiên, thầy thuốc có thể giúp các bác thực hiện được. Nhưng dù là
giảm 7kg, 5kg, 3kg vẫn phải đúng quy trình”.
Khi giảm cân, mọi người phải giảm khẩu phần, dễ dẫn đến việc bị thiếu
vitamin và chất khoáng. Mặt khác, vitamin tan trong chất béo nên khi
chúng ta giảm chất béo cũng làm cho cơ thể giảm hấp thu vitamin. Vì vậy,
phải bổ sung thêm những chất này cho cơ thể.
Như vậy, thế nào là giảm cân khỏe? Mọi người chỉ cần giảm
0,5-1kg/tuần, nếu chưa làm được thì ít nhất cũng giữ cho cơ thể không
tăng cân thêm rồi từ từ cân nặng sẽ giảm. Với thời gian 6 tháng để giảm
cân, mọi người cũng đừng nóng vội. Trong 6 tháng, bệnh nhân chỉ cần giảm
được 10% cân nặng hiện tại (nếu thừa cân) thì sẽ giảm 10-20% các nguy
cơ bệnh tật. Đó là các mục tiêu đặt ra để giảm cân sống khỏe.Theo Hồng Nhung - Dân trí
0 nhận xét:
Đăng nhận xét