Người nhiễm phải siêu vi B (HBV) có thể biểu hiện ở dạng bệnh cấp tính, hay mạn tính kéo dài trong nhiều năm. Một số trường hợp biến chứng sang giai đoạn nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan.
Nhiều triệu chứng nhưng không rõ ràng
Thời kỳ ủ bệnh của VGSV B vào khoảng 4-28 tuần. Trong số 10%–20% bệnh nhân VGSV B cấp có vàng da - mắt, có các biểu hiện bệnh lý huyết thanh như phát ban đỏ ngoài da, ngứa, đau cơ - khớp, đôi khi sốt… kéo dài từ vài ngày đến vài tuần trước khi có biểu hiện ở gan.
Các dấu hiệu này kéo dài khoảng 2–10 ngày thì biến mất không để lại di chứng, một số ít trường hợp có thể kéo dài trong nhiều tuần đến nhiều tháng.
Về phương diện lâm sàng, VGSV B cấp rất khó phân biệt với các loại VGSV khác (như nhiễm HAV, HCV, EBV, CMV, sốt vàng…). Diễn tiến lâm sàng trong từng trường hợp VGSV B cấp rất khó phân biệt với VGSV A cấp.
Mức độ trầm trọng của bệnh cũng thay đổi, đa số trường hợp không có triệu chứng rõ rệt. Cần lưu ý là một số trường hợp bệnh nhân không có dấu hiệu lâm sàng nhưng khi làm xét nghiệm thì men gan AST/ALT gia tăng rất dữ dội.
Biểu hiện lâm sàng của VGSV B cấp có thể nhẹ, không vàng da-mắt, cũng có thể trầm trọng với vàng da-mắt. Điển hình là nhức đầu, mệt mỏi, ăn uống kém, nôn ói, sốt nhẹ (3705-390), đôi khi có lạnh run vào thời gian đầu… Các dấu hiệu này hiện diện khoảng 2-7 ngày trước khi vàng da, vàng mắt xuất hiện.
Nước tiểu đậm màu và phân lại nhạt màu. Vào giai đoạn vàng da-mắt, triệu chứng vừa kể trên vẫn còn tiếp diễn, không thay đổi nhưng mức độ có thể nhẹ hơn, vàng da-mắt trở nên rõ ràng và đậm màu.
Các dấu hiệu này ở trẻ em kéo dài trung bình khoảng 2 tuần và người lớn vào khoảng 4-6 tuần.
Chú ý những rối loạn thần kinh
Hầu hết các trường hợp VGSV B cấp có diễn tiến lâm sàng tốt không để lại dư chứng gì trầm trọng. Một số nhỏ trường hợp có thể kèm theo rối loạn tâm – thần kinh, rối loạn huyết học, loạn nhịp tim.
Thông thường trong đa số trường hợp nhiễm HBV không có vàng da – vàng mắt và VGSV B cấp là bệnh tự phục hồi. Tử vong thường có liên quan với các thể vàng da – vàng mắt.
Riêng viêm gan tối cấp là thể trầm trọng nhất với xuất huyết, rối loạn thần kinh, gan teo nhỏ… Bệnh này có thể gây tử vong cao. Đôi khi tử vong xảy ra trước khi vàng da – mắt xuất hiện, một nữa trường hợp tử vong trong vòng 10 ngày kể từ có triệu chứng đầu tiên, 3/4 tử vong trong vòng 3 tuần.
Bệnh cảnh tổn thương não với suy gan, rối loạn thần kinh, lú lẩn, lơ mơ, hôn mê, co giật,… Tiểu ít, phù nề, báng bụng… là những biểu hiện rất thường gặp.
Các trường hợp nhiễm trùng phối hợp HBV và HDV làm cho nguy cơ diễn tiến sang tối cấp rất cao.
Một thể bệnh khác của VGSV B là thể kéo dài. Thể này rất khó phân biệt với VGSV B mạn tính. VGSV B tái phát sau một hoặc nhiều đợt viêm gan có thể do bệnh nhân uống rượu, hoạt động nặng quá sớm hoặc dùng Corticoid trong giai đoạn cấp.
Cần kiểm soát lây nhiễm siêu vi B
Biện pháp quan trọng nhất và hiệu quả nhất để kiểm soát lây nhiễm HBV là ngăn ngừa tiếp xúc với HBV trong môi trường và vệ sinh cá nhân. Cụ thể tránh tiếp xúc qua da, qua niêm mạc với máu và dịch tiết có chứa HBV.
Đối với vợ chồng chung sống trong cùng một gia đình hoặc những người có quan hệ thân mật với người mang HBsAg (+) là những đối tượng nguy cơ bị lây nhiễm HBV.
Thành viên trong gia đình có người mang HBsAg (+) nếu kiểm tra thấy HBsAg (-) hoặc anti-HBs (-) đều cần được chủng ngừa.
Bệnh nhân mang HBsAg (+), có thể nằm trong bệnh cảnh VGSV B cấp hoặc mạn tính, không nhất thiết phải cách ly biệt lập ở trong các phòng bệnh.
Tuy nhiên điều cần lưu ý là máu và dịch tiết của họ là những nguồn lây cho cộng đồng. Tất cả vật dụng bị hoại nhiễm của họ cần được xử lý thích hợp để phòng chống lây lan.
AloBacsi.vn (Theo Tiền phong)